Cần sớm triển khai thị trường chứng khoán phái sinh cho trái phiếu chính phủ và các chỉ số ngành
Sau 01 năm chính thức đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, không thể không kể đến những nỗ lực của các công ty chứng khoán (CTCK) thành viên của TTCK phái sinh.
Đại diện của một trong 9 CTCK đóng góp cho sự thành công của TTCK phái sinh năm qua, ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Chứng khoán những cảm nhận và suy nghĩ của mình về những bước đi ban đầu của TTCK phái sinh Việt Nam.
Nhìn lại 01 năm TTCK phái sinh chính thức đi vào hoạt động, ông có đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được trên TTCK phái sinh nói chung và MBS đã gặt hái được những thành quả gì khi là 1 trong 7 CTCK đầu tiên gia nhập TTCK phái sinh, thưa ông?
Ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán MB. |
Với việc quyết định tham gia TTCK phái sinh ngay từ đầu, đi kèm với việc đào tạo kỹ lưỡng cho đội ngũ tư vấn và cho khách hàng (tại MBS khách hàng cá nhân là chủ yếu) và áp dụng các tỷ lệ quản trị rủi ro (QTRR) tối ưu sát với diễn biến thị trường, việc triển khai và vận hành sản phẩm tại MBS hướng tới mục tiêu kép là cung cấp một kênh giao dịch, phòng ngừa rủi ro mới cho khách hàng cá nhân đi kèm với công tác đào tạo, tư vấn để khách hàng nhận biết được các lợi ích và rủi ro không nhỏ khi giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai.
Theo ông, những lợi ích từ TTCK phái sinh mang lại cho các nhà đầu tư tham gia thị trường trong vòng 1 năm qua là gì?
Vai trò lớn nhất của TTCK phái sinh là phòng ngừa và chia sẻ rủi ro. Trong đợt điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK) từ tháng 4 tới nay, với vị thế mở thường xuyên duy trì ở mức 15.000 hợp đồng tương lai, những nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro bằng việc duy trì vị thế bán đã chuyển lượng rủi ro tương đương 1.500 tỷ đồng này sang các nhà đầu tư khác.
Một khía cạnh khác của phòng ngừa rủi ro ít được chú ý đến là rủi ro nhà đầu tư không tham gia kịp các đợt tăng trưởng của thị trường và rủi ro liên tục phải mua trung bình giá khi thị trường điều chỉnh.
hợp đồng tương lai cho phép nhà đầu tư mô phỏng chỉ số với chi phí rất thấp (chỉ 5.000 đồng - 7.000 đồng/một chiều mua bán tại MBS), đòn bẩy cao (khoảng 5 - 7 lần) và giao dịch trong ngày.
Do vậy, nhà đầu tư ưa thích giao dịch có thể tham gia dự đoán xu thế của chỉ số và mua/bán hợp đồng tương lai thay vì mua/bán các cổ phiếu riêng lẻ. Điều này giải thích một phần vì sao thanh khoản của thị trường cơ sở đi xuống khá mạnh trong đợt điều chỉnh vừa qua trong khi giao dịch phái sinh tạo những đỉnh cao mới.
Cuối cùng, hợp đồng tương lai đáp ứng nhu cầu giao dịch trong ngày, giao dịch với đòn bẩy cao của một bộ phận nhà đầu tư. Dù còn nhiều bàn cãi về sự liên thông rủi ro giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh nhưng việc khối lượng giao dịch của TTCK phái sinh hiện cao gấp 2 lần thị trường cơ sở cho thấy nhu cầu này của một bộ phận nhà đầu tư là nhu cầu có thật và lớn.
Thực tế hiện nay, tỷ trọng nhà đầu tư tham gia TTCK phái sinh chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, vậy để thu hút nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, theo ông cần phải cân nhắc những vấn đề trọng yếu nào?
Theo tôi, nhà đầu tư tổ chức tham gia vào TTCK phái sinh sẽ gồm 2 nhóm chính: nhóm 1 là những nhà đầu tư có nhu cầu phòng ngừa cho danh mục cổ phiếu cơ sở và nhóm 2 là những nhà đầu tư phái sinh chuyên nghiệp, sử dụng các công cụ giao dịch tự động.
Đối với nhóm 1, thực tế quy mô giao dịch trung bình sẽ không quá lớn do nhà đầu tư thay vì phòng ngừa qua mua/bán hợp đồng tương lai thì họ có thể mua/bán/hoán đổi danh mục VN30 hiện đang được các công ty quản lý quỹ cung cấp.
Đối với nhóm đối tượng thứ hai, câu hỏi đầu tiên đặt ra là liệu chúng ta có nên khuyến khích họ tham gia vào thị trường phái sinh chỉ số hiện nay hay không? Nếu câu trả lời là có thì việc tham gia của các đối tượng này hiện đang bị hạn chế chủ yếu do hiện chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể về việc cho phép kết nối các phần mềm giao dịch tự động của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp trên đến cổng dữ liệu của các CTCK.
Để TTCK phái sinh thực hiện được đúng chức năng là phòng ngừa rủi ro, ông có những khuyến nghị gì đối với các cơ quan quản lý?
Một khó khăn với khách hàng tổ chức hiện nay là các hợp đồng tương lai kỳ hạn dài có thanh khoản tương đối thấp không đủ về quy mô để họ phòng ngừa cho danh mục của mình mà không dẫn tới một sự biến động mạnh về cung cầu và giá.
Điều này có thể được giải quyết thông qua cơ chế tạo lập thị trường (TLTT). Chúng tôi cho rằng các cơ chế với nhà TLTT nên ưu đãi hơn nữa, bên cạnh cơ chế miễn phí cần có cơ chế chia sẻ phí giữa Sở Giao dịch Chứng khoán và nhà TLTT.
Việc triển khai sớm TTCK phái sinh cho trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng dự tính sẽ thu hút nhà đầu tư tổ chức rất mạnh do những đối tượng đầu tư và kinh doanh trái phiếu hiện nay đại đa số là các tổ chức.
Hai thị trường có tính liên thông cao hoạt động song song sẽ kích thích nhà đầu tư tổ chức phân bổ tài sản linh hoạt giữa thị trường hợp đồng tương lai chỉ số và hợp đồng tương lai TPCP.
Cuối cùng, chúng tôi đề xuất sớm triển khai các chỉ số ngành và trên cơ sở đó xây dựng hợp đồng tương lai dựa trên các chỉ số ngành, điều này sẽ giúp nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nhanh chóng phân bổ tài sản của mình theo các quan điểm về vĩ mô và ngành.
Xin trân trọng cảm ơn ông!