6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu về nợ công tiếp tục đảm bảo
Đây là nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trong Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính 6 tháng đầu năm 2018 vừa được cơ quan này công bố mới đây.
Cụ thể, báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, dự kiến các chỉ tiêu về nợ công của Việt Nam tiếp tục đảm bảo trong năm 2018, riêng nợ được Chính phủ bảo lãnh sẽ giảm nhẹ theo xu hướng giảm của năm 2017 (dư nợ Chính phủ bảo lãnh đến cuối năm 2017 giảm xấp xỉ 500 triệu USD so với năm 2016).
Số liệu thống kê của Bộ Tài chính trước đó cho biết, các chỉ tiêu nợ 2017 nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép với nợ công/GDP khoảng 61,4%, nợ Chính phủ khoảng 51,8% GDP, nợ được Chính phủ bảo lãnh khoảng 9% GDP.
Cũng theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước của nước ta ở mức thấp, bằng 1,9% dự toán, chủ yếu do thu ngân sách nhà nước đạt khá, qua đó giúp cân đối ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm diễn biến khá ổn định.
Trước đó, tháng 2/2018, chia sẻ với báo giới về tình hình nợ công, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, nợ công của nước ta nằm trong giới hạn an toàn và ngày càng tích cực. Có được kết quả trên là nhờ chúng ta đã bắt đầu có tầm nhìn dài hạn với lĩnh vực tài chính, ngân sách, với yêu cầu tối thiểu phải có kế hoạch tài chính 3 năm, 5 năm. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã thực hiện rất tốt nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại toàn bộ nợ công. Từ chỗ tỷ lệ nợ ngắn hạn, lãi suất cao, không được ưu đãi dồn ép, thì bây giờ đảo lại và chuyển thành chiếm tỷ trọng lớn là nợ trung và dài hạn. Ngoài ra, thời gian vừa qua, đáng lẽ phải phát hành trái phiếu quốc tế, nhưng chúng ta đã tự giải quyết được thông qua cơ cấu các khoản nợ vay, mà không cần tính đến phương án phát hành vay nợ...
Liên quan đến nợ công, mới đây Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 94/2018/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công, bao gồm: Các chỉ tiêu an toàn nợ công; Xây dựng và thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm, chương trình quản lý nợ công 03 năm, kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm; Quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công; Báo cáo và công bố thông tin về nợ công.
Về xây dựng chỉ tiêu an toàn nợ công, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác định mức trần và ngưỡng cảnh báo đối với chỉ tiêu an toàn nợ công, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét quyết định trong kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng các chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Về giám sát thực hiện chỉ tiêu an toàn nợ công, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công báo cáo Chính phủ trong kế hoạch vay, trả nợ hằng năm để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước hằng năm.
Đồng thời, khi chỉ tiêu an toàn nợ công đạt đến ngưỡng cảnh báo về an toàn nợ công, Bộ Tài chính trình Chính phủ thực hiện hoặc báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các biện pháp để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công không vượt trần nợ công được Quốc hội quyết định, bao gồm: Giảm mức vay về cho vay lại đối với ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ; Giảm hạn mức bảo lãnh Chính phủ; Giảm mức vay của chính quyền địa phương; Giảm bội chi ngân sách nhà nước để giảm mức vay nợ của Chính phủ.
Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp này mà chỉ tiêu an toàn nợ công vượt giới hạn trần đã được Quốc hội quyết định, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội quyết định các biện pháp và lộ trình điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm hoặc điều chỉnh mức trần chỉ tiêu an toàn nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Nghị định số 94/2018/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rõ về: Kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm; chương trình quản lý nợ công 03 năm; Kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm; Quản lý việc huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ; Quản lý rủi ro đối với nợ công; báo cáo và công bố thông tin về nợ công...