Từ ngày 1/7/2018, tổ chức, cá nhân phải bồi thường nếu làm phát sinh rủi ro nợ công
Đó là một trong những nguyên tắc xử lý rủi ro đối với nợ công được quy định tại Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công.
Theo Nghị định số 94/2018/NĐ-CP, việc quản lý rủi ro đối với nợ công nhằm đảm bảo cơ cấu nợ công hợp lý, phù hợp với mục tiêu, định hướng đặt ra trong kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm đã được Quốc hội quyết định; Đảm bảo khả năng trả nợ trong trung hạn và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ công; Giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra trong tình huống xấu nhất với chi phí phát sinh hợp lý.
Về nguyên tắc xử lý rủi ro đối với nợ công, việc xem xét xử lý rủi ro được thực hiện cho từng trường hợp cụ thể căn cứ vào mức độ tổn thất có thể xảy ra và nguyên nhân dẫn đến rủi ro.
Đồng thời, việc phòng ngừa và xử lý rủi ro phải căn cứ vào thoả thuận vay hoặc công cụ nợ gốc trong danh mục nợ công hiện hành, nguyên nhân phát sinh rủi ro, phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế; Phòng ngừa rủi ro đối với danh mục nợ công phải thực hiện phù hợp với kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ hằng năm.
Đặc biệt, Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân sử dụng vốn vay sai mục đích, cố ý làm trái quy định làm phát sinh rủi ro nợ công phải chịu trách nhiệm xử lý và bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nghị định trên được áp dụng đối với Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý nợ công và có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.