61.000 doanh nghiệp giải thể: Không hẳn là do khủng hoảng kinh tế...
(Tài chính) Để tồn tại và phát triển bền vững, doanh nghiệp (DN) phải tránh xa cách kinh doanh chộp giật, kiểu làm ăn chạy theo phong trào bởi cách làm đó chỉ thu được lợi ích trước mắt và sẽ nhanh chóng thất bại trước thay đổi của thị trường.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ và khuyến cáo DN như vậy tại Tọa đàm "Cạnh tranh toàn cầu và hướng đi cho người khởi nghiệp" do Vietnam New Media Group phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Nhà xuất bản Tri thức và Trung tâm Pháp - Việt đào tạo về quản lý CFVG và Alphabooks vừa tổ chức tại Hà Nội.
Phá sản không chỉ bởi khủng hoảng kinh tế
Tại cuộc Tọa đàm, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng nguyên nhân của con số khổng lồ gần 61.000 DN giải thể và ngừng hoạt động trong năm 2013, không hoàn toàn do khủng hoảng kinh tế mà chủ yếu là do những yếu kém, bất cập của DN. Chính vì vậy mà nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện mức độ khủng hoảng dữ dội hơn cũng như chậm phục hồi hơn hẳn so với nhiều quốc gia trong khu vực.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: Phần lớn các DN thất bại trong năm 2013 là các DN thiếu vốn lưu động và không chịu bỏ chi phí đổi mới do ảnh hưởng nặng nề của tâm lý kinh doanh chộp giật.
Trao đổi về những giải pháp cho DN, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: DN, nhất là các DN trẻ, phải tự mình chủ động và linh hoạt trước mọi diễn biến của thị trường thay vì trông mong sự hỗ trợ của Chính phủ hay những thay đổi từ cải cách thể chế.Thiếu sự chủ động, DN sẽ bị cạnh tranh quyết liệt và nhanh chóng thất bại.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ, bên cạnh việc thay đổi kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh của chính phủ, các DN phải tự là "phao cứu sinh" cho chính mình và nền kinh tế bằng những thay đổi, cải cách đầy sáng tạo và khả thi của mình. Sáng tạo, đổi mới là chìa khóa để cạnh tranh thành công.
"DN phải chấp nhận trải qua thử thách, chủ động tiếp cận phương thức kinh doanh mới, sáng tạo và đổi mới công nghệ, để tự mình tìm ra con đường phát triển", bà Phạm Chi Lan chia sẻ thêm.
Vốn quan trọng nhất chính là con người
Trong tham luận tại cuộc Tọa đàm, các chuyên gia kinh tế cũng đã khái quát tình hình nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai gần. Trong đó, nhấn mạnh về sự kiện Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP với những cơ hội và thách thức.
Các chuyên gia kinh tế đều kỳ vọng, việc gia nhập TPP sẽ mang lại cho Việt Nam những bước hội nhập sâu và rộng hơn đối với kinh tế thế giới. Đặc biệt, tại chính sân chơi này, Việt Nam sẽ không gặp phải sự cạnh tranh của các đối thủ truyền thống với những mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với nước ta như Thái Lan, Malaisia…
Bên cạnh đó, triển vọng lớn sẽ đến với các mặt hàng xuất khẩu ngành nông sản, chế biến. Đối với lĩnh vực này, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội vươn lên hàng đầu Đông Nam Á.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng sẽ gặp phải nhiều thách thức. Điển hình như: Yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, vấn đề về sở hữu trí tuệ, dược phẩm, lao động trẻ em, tổ chức công đoàn…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đã có sự hội nhập sâu rộng nên đã đến lúc DN phải có tư duy mới với cách tiếp cận mới, góc nhìn mới về tình hình kinh tế thị trường, tránh tình trạng "chờ sung rụng".
Bàn sâu về vấn đề đổi mới, các chuyên gia đánh giá, từ trước tới giờ DN vẫn than vãn nhiều về vốn, thiếu vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, máy móc lạc hậu…Song, vấn đề quan trọng không chỉ ở tiền, cũng không phải chỉ ở máy móc. Quan trọng hơn chính là khả năng và trí tuệ của con người. Đó mới là nhân tố sống còn quyết định sự thành bại của DN.
"Chỉ có những sáng tạo, ý chí vượt khó và đoàn kết của đội ngũ nhân sự vững vàng mới tạo nên sức mạnh và thành công cho DN. Vốn quan trọng nhất chính là con người và tư duy của con người", bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Tham gia TPP, hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ thuế suất giảm xuống còn 0% thay vì 17,8% như hiện nay. Kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể lên đến lên 20 tỉ USD vào năm 2020 và 50 tỉ USD vào năm 2030, nên khi thuế suất bằng 0%, đó sẽ là triển vọng lớn cho ngành này, TS Lê Đăng Doanh phân tích tại cuộc Tọa đàm.