7 giải pháp đối với ngành Ngân hàng trước cuộc cách mạng số


Cuộc cách mạng số với sức ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu đã có nhiều tác động đến ngành Ngân hàng Việt Nam. Những tác động này thể hiện trên nhiều phương diện như: Mô hình tổ chức kinh doanh, cung cấp sản phẩm dịch vụ, lĩnh vực thanh toán, vấn đề an ninh an toàn bảo mật, yêu cầu công việc của cán bộ, nhân viên ngân hàng và cả những yếu tố liên quan đến khách hàng…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo nhóm nghiên cứu gồm tác giả Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Phạm Thị Thu Hiền - Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên cho rằng, cuộc Cách mạng số tác động đến nhận thức và hành động của cán bộ, nhân viên ngân hàng, đặt ra yêu cầu đối với mỗi cá nhân phải nỗ lực học tập nâng cao trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ về kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.

Đồng thời, phải thường xuyên cập nhật thông tin, đổi mới, sáng tạo và thích ứng với những yêu cầu mới. Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cho ngành Ngân hàng nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các ngân hàng Việt Nam phải quan tâm.

Thách thức đối với ngành Ngân hàng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cho ngành Ngân hàng nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các ngân hàng Việt Nam phải quan tâm, cụ thể:

Ảnh hưởng của Cách mạng số, cụ thể là internet, internet vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây… giúp các ngân hàng thương mại trong nước định hình lại mô hình kinh doanh, thanh toán điện tử, quản trị… hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh trong tương lai.

Cách mạng số đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng thích ứng với bối cảnh mới.

Cách mạng số đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình quản trị điều hành, mô hình kinh doanh, cấu trúc lại sản phẩm, dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, nền kinh tế số cần thiết lập khuôn khổ, cơ chế hữu hiệu trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng trong kỷ nguyên số.

Thách thức lớn đối với ngành Ngân hàng là việc đầu tư phát triển trang thiết bị để thích ứng với tiến bộ khoa học công nghệ số. Đầu tư cho các thiết bị công nghệ sẽ giúp mang lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên chi phí đầu tư là vấn đề đáng quan tâm của toàn Ngành.

Cách mạng số đặt ra yêu cầu mới về số lượng, chất lượng cán bộ, nhân viên ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều hoạt động có thể được thực hiện bằng rô bốt. Để giải quyết những hạn chế về trình độ, năng lực của cán bộ, nhân viên và sắp xếp công việc cho một số lượng công nhân viên là một bài toán không hề dễ đối với ngành ngân hàng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Giải pháp phát triển ngành Ngân hàng trong bối cảnh Cách mạng số

Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cho ngành Ngân hàng nhưng cũng đặt ra không ít thách thức
Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cho ngành Ngân hàng nhưng cũng đặt ra không ít thách thức

Theo nhóm nghiên cứu, trước những cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng số đặt ra, cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp để phát triển ngành Ngân hàng trong bối cảnh mới. Cụ thể:

Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên ngân hàng hiểu rõ tầm quan trọng, ảnh hưởng của cuộc Cách mạng số đến ngành Ngân hàng. Từ đó, mỗi cá nhân cần chủ động học tập, nâng cao trình độ để thích ứng với những yêu cầu mới của thời đại 4.0.

Hai là, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng, trong đó chú trọng đổi mới, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng đủ năng lực, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu quản lý, kinh doanh ngân hàng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ so với khu vực và thế giới.

Ba là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện chiến lược tài chính toàn diện, khuyến khích sự phát triển hợp tác giữa ngân hàng và các công ty tài chính công nghệ; Thúc đẩy hệ sinh thái phát triển, trở thành một phần của hệ sinh thái trong chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại.

Bốn là, đầu tư, hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin để có thể hiện đại, phát triển dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng công nghệ số, kết nối đa chiều và thông minh hóa của cách mạng số.

Năm là, xây dựng chiến lược phát triển ngành Ngân hàng trong cả ngắn hạn và dài hạn. Chiến lược được xây dựng căn cứ vào thực trạng ngành Ngân hàng và những vấn đề do Cách mạng số đặt ra. Qua đó, đảm bảo ngành Ngân hàng vận hành đồng bộ, hoạt động có hiệu quả, chất lượng, phù hợp với cơ chế thị trường và thích ứng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của cuộc Cách mạng số.

Sáu là, chú trọng đến vấn đề an ninh mạng. Các ngân hàng cần đầu tư, trang bị các giải pháp về an ninh, bảo mật, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an ninh. Bảo đảm bí mật thông tin khách hàng, bảo đảm an toàn về tài sản cho khách hàng.

Bảy là, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động, dịch vụ và sản phẩm mới được hình thành trong bối cảnh cách mạng số; xây dựng cơ chế quản lý giám sát phù hợp với bối cảnh Việt Nam và các chuẩn mực chung, thông lệ tốt của thế giới.