Xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2019

Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã có nhiều nỗ lực xử lý nợ xấu, đặc biệt từ khi hoạt động này được hỗ trợ về mặt cơ sở pháp lý từ Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Nợ xấu tiếp tục tăng gây không ít lo ngại ở nhiều ngân hàng
Nợ xấu tiếp tục tăng gây không ít lo ngại ở nhiều ngân hàng

Tuy nhiên, tại một số ngân hàng thương mại, nợ xấu vẫn còn cao, ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế và vấn đề giảm lãi suất cho vay. Làm thế nào để xử lý hiệu quả nợ xấu, đảm bảo an toàn trong tăng trưởng tín dụng là vấn đề đặt ra...

Xu hướng gia tăng nợ xấu tại nhiều ngân hàng thương mại

Thống kê được công bố công khai trên các báo cáo tài chính quý I/2019 của các ngân hàng thương mại (NHTM) cho thấy, tổng số nợ xấu nội bảng của 22 ngân hàng đến hết tháng 3/2019 là hơn 84.200 tỷ đồng, tăng hơn 4.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng số nợ xấu đã tăng 5,9% so với thời điểm hết năm 2018. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay của 22 ngân hàng, chỉ đạt 3,46%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của những ngân hàng này tăng từ mức 1,62% lên 1,66%.

Tổng số nợ xấu nội bảng của 22 ngân hàng đến hết tháng 3/2019 là hơn 84.200 tỷ đồng, tăng hơn 4.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng số nợ xấu đã tăng 5,9% so với thời điểm hết năm 2018. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay của 22 ngân hàng ở mức thấp hơn, chỉ đạt 3,46%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của những ngân hàng này tăng từ mức 1,62% lên 1,66%.

Số NHTM có nợ xấu tăng vẫn chiếm đa số, có tới 15 trong 22 ngân hàng có nợ xấu tuyệt đối tăng so với thời điểm đầu năm. Ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất trong 3 tháng đầu năm là VietinBank, tăng tới 2.272 tỷ đồng, lên mức 15.963 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 và nợ nhóm 5 (nợ dưới tiêu chuẩn và nợ có khả năng mất vốn). So với cùng kỳ năm ngoái, tổng số nợ xấu của VietinBank đã tăng hơn 5.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ xấu của VietinBank tăng mạnh trong khi dư nợ tín dụng liên tục sụt giảm 2 quý liên tiếp. Dư nợ cho vay của VietinBank cuối tháng 3/2019 là 845.319 tỷ đồng, giảm 6.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Theo đó tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của VietinBank cũng tăng từ 1,58% lên mức 1,85%. Nợ có khả năng mất vốn đang chiếm tới hơn 65% tổng số nợ xấu của ngân hàng này...

Về phía Ngân hàng TMCP VPBank có nợ xấu tăng mạnh với 610 tỷ đồng trong quý I/2019, lên mức 8.376 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay ở ngân hàng hợp nhất đã lên tới 3,62%, chủ yếu do nợ xấu tăng mạnh ở ngân hàng mẹ. Tính riêng ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu cũng đã lên xấp xỉ tỷ lệ 3% hết quý I/2019 từ mức 2,72% hồi đầu năm.

Các NHTM quy mô lớn khác của Việt Nam như: Sacombank, MBBank, Techcombank, SHB… cũng có số nợ xấu tăng trong quý I/2019. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở những NHTM này lần lượt là 2,14%; 1,41%; 1,78% và 2,4%. Đặc biệt là Sacombank đã có rất nhiều nỗ lực bán tài sản đảm bảo tiền vay tại Long An, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh… nhưng quy mô và tỷ lệ nợ xấu vẫn có chiều hướng tăng.

Phân tích từ số liệu trong báo cáo tài chính hết quý I/2019 của các NHTM cho thấy, 2 ngân hàng nhỏ có tốc độ tăng trưởng cho vay khá cao trong quý I/2019 là OCB và TPBank cũng có nợ xấu tăng mạnh. Nợ xấu nội bảng tại OCB cuối tháng 3/2019 là 1.721 tỷ đồng, tăng 33,6% so với đầu năm; tại TPBank là 1.175 tỷ đồng, tăng 36,5%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của OCB tăng từ 2,29% lên 2,82%; của TPBank tăng từ 1,12% lên 1,39%.

Trong khi, nợ xấu tăng ở hầu hết các NHTM quy mô lớn, thì tại BIDV, một trong những ngân hàng có nhiều nợ xấu nội bảng nhiều nhất trong năm 2018 lại cho thấy có sự chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu. Theo báo cáo tài chính đã được công bố, tổng nợ xấu của BIDV giảm 927 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2019 xuống mức 17.875 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 1,9% xuống mức 1,74%. BIDV là NHTM có các biện pháp triển khai đồng bộ và quyết liệt trong xử lý nợ xấu. Ban lãnh đạo BIDV giao chỉ tiêu xử lý nợ xấu cho từng chi nhánh, có sự phối hợp đồng bộ giữa hội sở chính của BIDV với các chi nhánh trực thuộc, giữa các chi nhánh và cơ quan chức năng ở các địa phương, đặc biệt là cơ quan thi hành án, công an, tài nguyên môi trường,…

Theo báo cáo tài chính của các NHTM đã công bố, ngoài BIDV, còn có 6 NHTM khác của Việt Nam cũng có nợ xấu giảm trong quý I/2019 gồm: Eximbank, HDBank, ACB, SeABank, BaoVietBank, NamABank. Các NHTM này đã chủ động, linh hoạt xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), quyết liệt trong bán tài sản đảm bảo tiền vay đã thu giữ, kiểm soát chặt chẽ hạn chế tới mức thấp nhất phát sinh các khoản nợ xấu mới.

Như vậy, số NHTM có tỷ lệ nợ xấu tăng vẫn nhiều hơn các NHTM có tỷ lệ nợ xấu giảm. Thực tế này cho thấy, sự cần thiết phải nâng cao chất lượng hoạt động của các NHTM Việt Nam, nhất là khi tài sản đảm bảo tiền vay hầu hết là bất động sản.

Những ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng

Về tổng thể, đa số các NHTM công bố công khai báo cáo tài chính theo quy định đều đang kiềm chế được tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% (trong đó chỉ có 7 trong tổng số 22 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao hơn 2%). Tuy nhiên, việc nợ xấu tiếp tục tăng trong quý I/2019 vẫn gây không ít lo ngại, đặc biệt là khi nợ có khả năng mất vốn đang chiếm tỷ lệ khá cao ở nhiều ngân hàng, ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế xét ở cả 3 góc độ: NHTM bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạn chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng; Lãi suất cho vay nền kinh tế khó giảm; Khách hàng có nợ xấu không tiếp tục được vay vốn ngân hàng.

Theo số liệu của Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 17/4/2019, tăng trưởng tín dụng của các TCTD mới chỉ đạt ở mức 3,23% so với đầu năm. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 5% của cùng kỳ năm 2018 và năm 2017, đồng thời cũng thấp hơn so với mức tăng bình quân 3,5% cùng kỳ các năm trước đó.

Tín dụng toàn ngành tăng trưởng chậm lại xuất phát từ chính sách siết chặt tín dụng của NHNN nhằm ưu tiên cho mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát theo chủ trương của Chính phủ trong bối cảnh có những lo ngại về giá điện, giá bán lẻ xăng dầu, giá dịch vụ y tế… tăng, sẽ đẩy chỉ số CPI tăng. Theo đó, NHNN đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2019 chỉ ở mức 14%. Với  định hướng điều hành đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 mà NHNN thông báo cho các NHTM ở mức thấp, mức cao nhất hiện tại là Vietcombank 15%, còn những ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ an toàn vốn CAR chỉ khoảng 7%.

Tín dụng tăng thấp chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh, nguồn thu lợi nhuận của các NHTM vì hiện nay nguồn thu lãi từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm tới 70% trong tổng nguồn thu hàng năm của các NHTM Việt Nam. Thực tế này đã được nhiều NHTM công bố công khai và phản ánh rất rõ trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 và quý I/2019.

VietinBank là ngân hàng điển hình nhất từ ảnh hưởng của chính sách này. Trong riêng quý IV/2018, VietinBank đã bị lỗ trước thuế 853 tỷ đồng do dư nợ tín dụng sụt giảm hơn 26.000 tỷ đồng khiến cho ngân hàng không có nguồn thu từ lãi. Lợi nhuận cả năm 2018 của VietinBank cũng giảm xuống ở mức rất thấp và bị loại khỏi nhóm 5 NHTM có quy mô lớn nhất về lợi nhuận. Trong quý I/2019, dư nợ tín dụng của VietinBank giảm thêm gần 6.600 tỷ đồng, tương đương mức 0,8% so với cuối năm 2018. Mặc dù lợi nhuận quý I/2019 của VietinBank vẫn tăng mạnh nhờ nguồn thu phí từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng tăng đột biến, bên cạnh các khoản vay cũ được hạch toán, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động (NIM) được cải thiện  tốt hơn cùng kỳ nên thu nhập từ lãi của VietinBank vẫn tăng khá, song việc dư nợ tín dụng khó tăng chắc chắn sẽ khiến VietinBank rất khó để đạt được kế hoạch lợi nhuận của năm 2019.

Tại Eximbank, quý đầu năm 2019, tín dụng cũng tăng trưởng âm 2,6% với dư nợ giảm xuống dưới 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm trước. Trong bản thuyết minh gửi kèm báo cáo tài chính, Eximbank lý giải lợi nhuận tăng nhờ NIM cao hơn, song với xu hướng lãi suất huy động tăng từ quý III/2018 đến nay, khiến Ngân hàng không thể tiếp tục chờ NIM, thúc đẩy cho vay trong thời gian tới.

Ở các NHTM quy mô nhỏ, dư nợ tín dụng tăng chậm trong quý I và đầu quý II/2019 đã phản ánh rõ hơn trong kết quả kinh doanh, bởi vì tỷ trọng thu từ hoạt động tín dụng còn quá lớn, trong khi nguồn thu từ dịch vụ phi tín dụng lại không có khả năng tăng trưởng cao như kỳ vọng. Thu nhập lãi thuần ở Saigonbank quý I/2019 chỉ tăng 0,8%, VietCapital Bank giảm 2,6%, còn NCB thậm chí giảm tới 22,7%. Tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng của 3 ngân hàng này cũng khá thấp, thậm chí là tăng trưởng âm. Kết quả là, lợi nhuận của Saigonbank giảm 39%, VietCapital Bank giảm 75% trong khi NCB chỉ ở mức tương đương cùng kỳ năm 2018.

Tín dụng tăng thấp khiến các NHTM lo ngại về việc thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm 2019 theo Nghị quyết Đại hội cổ đông. Một số NHTM kỳ vọng vào việc mở rộng tín dụng, tăng nguồn thu nhưng lại bị khống chế bởi hạn mức tín dụng theo thông báo của NHNN nên có báo cáo giải trình xin NHNN nới rộng hạn mức tín dụng so với chỉ tiêu thông báo.

Các NHTM đã áp dụng sớm Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn (trụ cột thứ nhất của Basel II) kỳ vọng được giao chỉ tiêu lớn để có bước bứt phá trong cả năm 2019, trong khi những ngân hàng đang cận kề Basel II cũng phấn đấu hoàn thiện sớm để được nới rộng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, với chính sách siết chặt tín dụng của NHNN hiện nay, đặc biệt là tín dụng vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, thì tín dụng ngân hàng năm nay chắc chắn sẽ khó có đột biến, kéo theo đó là mức tăng trưởng lợi nhuận cũng không thể đạt được như những năm trước.

Một số khuyến nghị

Từ thực trạng trên, để hệ thống ngân hàng nói chung, các NHTM nói riêng góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ “về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019”, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời thực hiện tái cơ cấu TCTD theo đúng Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” đã được phê duyệt, phát triển bền vững các ngân hàng Việt Nam, tác giả đưa ra một số khuyến nghị sau:

Một là, NHNN nên coi hạn mức tín dụng chỉ là chỉ tiêu định hướng, cần linh hoạt theo diễn biến kinh tế vĩ mô, nhất là trong điều kiện CPI có thể tăng nhưng là do chi phí đẩy (giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế)… tăng chứ không phải do yếu tố tiền tệ). Điều hành tín dụng cần hướng tới tăng trưởng bền vững nền kinh tế. Đối với các NHTM đạt chuẩn Basel II theo quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, NHNN không nên giao hạn mức tín dụng, tiến tới bãi bỏ chỉ tiêu này đối với các NHTM có nợ xấu dưới 2%.

Hai là, Bộ Tài chính và NHNN thống nhất trình Chính phủ, trình Quốc hội cho phép các NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa, hàng năm được để lại cổ tức được chia để đầu tư, đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn theo thông lệ quốc tế, trên cơ sở đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Ba là, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Công an… cần có văn bản hướng dẫn liên quan đến vấn đề thu giữ tài sản, bán tài sản, đăng ký tài sản, thực hiện nghĩa vụ thuế của các khoản tài sản được bán theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội. Cấp ủy và chính quyền các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng ở cơ sở trong phối hợp với NHTM xử lý tài sản đã siết nợ.

Bốn là, các NHTM và chi nhánh NHTM cần cử cán bộ có năng lực, có hiểu biết, có kinh nghiệm tham gia xử lý nợ xấu; chủ động và linh hoạt trong bán tài sản đảm bảo tiền vay thu hồi nợ xấu.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2017), Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng;

2. Ngân hàng Nhà nước (2016), Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn và vốn tự có; tài sản tính theo rủi ro tín dụng; vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động, thị trường đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

3. Tổng hợp từ Báo cáo tài chính quý I/2019 của các ngân hàng thương mại được lựa chọn, tháng 5/2019;

4. Một số website: www.sbv.gov.vn, cafef.vn...