8 thành công của chính sách tiền tệ trong năm 2012
(Tài chính) Có thể nói năm 2012 là một năm đầy khó khăn thách thức nhưng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Thứ nhất, các chỉ tiêu tiền tệ tăng trưởng hợp lý (tổng phương tiện thanh toán cả năm 2012 tăng khoảng 20%, tín dụng tăng khoảng 7%) phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp 6,81%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức 5,03%.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh về mức định hướng của NHNN đề ra ngay từ đầu năm, nhưng với lộ trình giảm nhanh hơn dự kiến, phù hợp với diễn biến kinh tê vĩ mô, đặc biệt là diễn biến của lạm phát. Lãi suất huy động giảm từ 3 - 6%/năm, lãi suất cho vay giảm 5 - 9%/năm so với cuối năm 2011 và đã trở về với mức lãi suất cuối năm 2007.
Thứ ba, tuy tín dụng tăng trưởng thấp, nhưng cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương của Chính phủ. Đến ngày 20/12/2012, tín dụng tăng 6,45% so với cuối năm 2011, trong đó tín dụng bằng VND tăng 8,92%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 3,51%; tín dụng đối với xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung, tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm so với cuối năm 2011.
Thứ tư, tính đến ngày 20/12/2012 dư nợ cho vay bằng VND có mức lãi suất trên 15%/năm chỉ chiếm tỷ trọng 18,7%, giảm so với mức 65% trước ngày 15/7/2012.
Thứ năm, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) được cải thiện, số dư tiền gửi của TCTD tại NHNN luôn cao hơn so với yêu cầu dự trữ bắt buộc, tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng VND giảm xuống mức khoảng 95%; lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh từ 10 - 11%/năm so với cuối năm 2011 và hiện ổn định ở mức thấp.
Thứ sáu, nợ xấu của các TCTD sau khi tăng mạnh vào những tháng đầu năm đã được khống chế và từng bước xử lý.
Thứ bảy, thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định, đến ngày 21/12/2012 tỷ giá mua trung bình của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm 0,96% so với cuối năm 2011 tình trạng đô la hóa giảm (tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán là 13,2%, thấp hơn mức 15,8% tại thời điểm cuối năm 2011).
Thứ tám, sau một năm quyết liệt triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD, rủi ro hệ thống từng bước được kiểm soát, nguy cơ đổ vỡ hệ thống từng bước đẩy lùi. Hoạt động của các TCTD về cơ bản an toàn, hoạt động lành mạnh, trật tự kỷ cương thị trường đã được khôi phục lại và duy trì ổn định.
Tuy nhiên, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2012 cũng còn những hạn chế: Tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là do các nhân tố bên ngoài cầu tín dụng ngoài lãi suất; nợ xấu gia tăng; thanh khoản của một số NHTM cổ phần gặp khó khăn; một số TCTD chưa chấp hành nghiêm các quy định lãi suất huy động tối đa của NHNN.
Đối với việc giảm lãi suất và áp trần lãi suất cho vay cho tất cả các đối tượng Mục tiêu nền tảng của nước ta vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Trong chiều hướng chung, có thể chúng ta kiềm chế lạm phát, nhưng nguy cơ lạm phát vẫn tăng trở lại là không nhỏ. Do vậy, mỗi bước đi của NHNN về lãi suất phải thận trọng.
Trong năm 2012, NHNN cam kết bình quân mỗi quý giảm 1% lãi suất, song có những giai đoạn giảm rất nhanh xuống 9%/năm do biến động lạm phát không lớn. Đến tháng 9 lạm phát tăng cao bất thường, do đó chỉ khi NHNN đánh giá chắc chắn lạm phát tháng 11, tháng 12 ở mức kiểm soát được thì mới giảm lãi suất xuống 8%/năm.
Do đó, việc trong năm 2013 có giảm được lãi suất nữa không phụ thuộc nhiều vào chúng ta có kiểm soát được lạm phát ở mức nào. Tuy nhiên, NHNN sẽ thường xuyên đánh giá tình hình lạm phát để nhanh chóng điều chỉnh lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Về trần lãi suất cho vay, năm 2012 nếu NHNN thực hiện điều này thì chắc chắn tăng trưởng kinh tế sẽ không đạt mức 5%. Vì sao lại như vậy? Lấy ví dụ lĩnh vực BĐS, trong nhiều năm qua, lĩnh vực này tạo ra lợi nhuận khổng lồ, nên các doanh nghiệp BĐS sẵn sàng vay với lãi suất cao nhất.
Nếu áp trần lãi suất chung thì tín dụng của ngân hàng sẽ bị hút vào đây, và đương nhiên sẽ không thể chảy nhiều vào lĩnh vực khác. Cho nên, có thể khẳng định vấn đề trần lãi suất cho vay chung đã, đang và sẽ không đặt ra trong thời gian tới. Tuy nhiên trong lĩnh vực cụ thể vẫn áp trần, gồm 4 ưu tiên và sẽ xem xét trần lãi suất cho vay với lĩnh vực công nghệ cao.
Đối với việc xử lý nợ xấu. Xử lý nợ xấu phải xử lý càng nhanh càng tốt, nhưng điều này cũng không hoàn toàn đúng nếu xét trong hoàn cảnh của Việt Nam. Chính phủ Mỹ đưa ra một lượng tiền lớn mua đứt luôn các khoản nợ, không cần biết tốt hay xấu. Nhưng tại Việt Nam, nguồn lực trên lấy ở đâu? Trong hoàn cảnh đó, NHNN đã đưa ra chính sách quyết liệt xử lý nợ xấu cũng như tạo điều kiện cho các TCTD tự xử lý nợ xấu, cơ cấu nợ và xử lý các tài sản bảo đảm. Ví dụ, hệ thống ngân hàng triển khai quyết liệt Quyết định 780/QĐ-NHNN từ ngày 23/4/2012 về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, đến nay các khoản nợ được các TCTD cơ cấu đến hết tháng 10 được 250.000 tỷ đồng, tương ứng 8% dư nợ tín dụng. Nếu không xử lý khoản nợ này, nợ xấu sẽ tăng ít nhất thêm 8% so với hiện hành...
Hy vọng trong thời gian tới bên cạnh nỗ lực của NHNN rất cần sự đồng thuận của xã hội để chúng ta cùng đi đến đích tăng trưởng kinh tế bền vững.