8 vấn đề khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp
Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang phải đối diện với 8 vấn đề khó khăn liên quan đến đơn hàng, doanh thu giảm, giá thành sản xuất tăng và khó khăn trong tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Ngành nào cũng ... khó
Trong Văn bản số 3683/BKHĐT-PTDN về dự thảo báo cáo tình hình phát triển DN năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi các bộ, ngành, địa phương mới đây nêu rõ, cộng đồng DN Việt Nam với sức cạnh tranh còn thấp, chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 94%) nên đang gặp rất nhiều khó khăn.
Các khó khăn của cộng đồng DN tập trung vào 8 vấn đề chính, bao gồm: Thứ nhất, đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của tất cả các DN đều giảm; Thứ hai, doanh thu DN giảm; Thứ ba, giá thành sản xuất hàng hóa tăng do chi phí đầu vào, chi phí lưu thông tăng trong khi giá bán hàng giảm; Thứ tư, DN rất khó khăn trong việc thu xếp dòng tiền để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn; Thứ năm, khó khăn trong việc vay, trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi; thứ sáu, khó khăn trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị; thứ bảy, lưu thông hàng hóa khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa các tỉnh, thành phố do có sự kiểm soát không thống nhất giữa các tỉnh, thành trên cả nước; thứ tám, khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do các điều kiện khắt khe, không hợp lý, quy định hướng dẫn còn chung chung và nhiều điểm chưa rõ ràng, bất cập.
Trong đó, Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch Covid-19. Theo phản ánh của Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), hiện có đến 90% DN trong Ngành không hoạt động, còn lại 10% DN hoạt động cầm chừng. Các DN siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý bán vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động, đối với DN lữ hành quốc tế, hiện 60-90% nhân sự của DN đang nghỉ việc không lương.
Đối với các DN ngành Dệt may, đơn hàng vẫn có nhưng giảm mạnh do nhu cầu giảm. Theo dự báo của các DN trong Ngành, phải đến quý II/2022 hoặc chậm nhất là quý IV/2023 thị trường dệt may mới phục hồi về ngưỡng của năm 2019, với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát và DN tận dụng tốt các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do.
“Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn về tài chính, DN vẫn phải đóng 2% chi phí công đoàn. Một số quy định mới sắp được ban hành của Chính phủ về tiêu chuẩn xử lý môi trường, xử lý nước thải trong ngành chế biến thủy sản quá khắt khe so với các nước trong khu vực, khiến DN không đáp ứng được và có nguy cơ dẫn đến mất thị trường, mất khách hàng quốc tế do vi phạm các quy định trong nước”- văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ khó khăn mà DN chế biến thủy sản đang phải đối mặt.
Ngành Hàng không cũng vô cùng khó khăn. Theo đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) dự kiến lỗ quý I/2021 ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên tới 10.000 tỷ đồng.
Hiện số nợ phải trả quá hạn của DN này đã lên tới 6.249 tỷ đồng và đang rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn, trên bờ vực phá sản, trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho VNA giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.
Kéo dài, bổ sung các gói hỗ trợ
Trên cơ sở tổng hợp các khó khăn của cộng đồng DN cũng như các kiến nghị, đề xuất của DN, Hiệp hội DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 12 nhóm giải pháp kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết.
Trong đó, bên cạnh rà soát, sửa đổi một số quy định tại các chính sách hỗ trợ, nhằm tạo thuận lợi hơn cho DN tiếp cận, Bộ còn đề xuất Chính phủ kéo dài, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho đến hết năm 2021. Cùng với đó, khẩn trương bổ sung, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, đặc biệt là các chính sách thuế như miễn, giãn, hoãn, khoanh thuế cho DN.
Cụ thể, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập DN, tiền thuê đất cho DN; giảm tối thiểu 50% các khoản nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020 cho các DN và xem xét tiếp cho năm 2021… Bên cạnh đó, cho phép DN được hoãn đóng kinh phí công đoàn 2%, hoặc giảm 50% mức phí (còn 1%) nhằm hỗ trợ DN trong bối cảnh nguồn vốn hoặc doanh thu bị hạn chế.
Trong bối cảnh giá nguyên, nhiên liệu đầu vào nhiều mặt hàng tăng cao như hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù hỗ trợ DN cắt giảm các chi phí đầu vào, giảm thiểu dòng tiền ra của các DN. Rà soát, sửa đổi các chính sách mới ban hành làm tăng chi phí của DN.
Cụ thể, xem xét, cắt giảm giá điện cho khu vực DN, các hộ kinh doanh để giảm chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho DN và hộ sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cho phép các DN du lịch áp dụng giá điện sản xuất thay vì áp dụng giá điện dịch vụ như hiện nay.
Để hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số để thúc đẩy DN tham gia hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất, từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hóa như: Thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục, y tế.
Để làm được điều đó, trước mắt cần bố trí ngân sách cho công tác truyền thông chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, DN về vai trò của chuyển đổi số. Hỗ trợ 100% ngân sách đào tạo cho các DN tham gia chương trình đào tạo về chuyển đổi số, hoàn thiện các chính sách, quy định, thông tư về tài chính cho mô hình đào tạo online kết hợp offline thay vì chỉ đào tạo offline như các năm trước.