Nâng cao hiệu quả thu hút FDI vào Việt Nam

Thùy Dương

Làm thế nào để phát huy tốt hơn nữa vai trò của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững là vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu thỏa đáng.

Ttrong 5 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Ttrong 5 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Vai trò của FDI đối với kinh tế Việt Nam

Với số liệu nghiên cứu, tổng hợp và theo các chỉ tiêu đã xác định, tác giả đánh giá hiệu quả khu vực FDI trong giai đoạn 2011-2019 như sau: Giai đoạn 2011-2019, khu vực FDI đóng góp khoảng 25,7% cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 13% GDP năm 2010 và 19,6% GDP năm 2019.

Đến năm 2019, lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn FDI vào khoảng 6,1 triệu người. Năng suất lao động của khu vực FDI đạt mức khoảng 118 triệu đồng (giá 2010), đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8,7%/năm (cao hơn rất nhiều so với năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp trong nước: 8,7/4,6). Theo Sách trắng doanh nghiệp 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, thu nhập trung bình 1 lao động của khu vực doanh nghiệp FDI đạt khoảng 11,2 triệu đồng/tháng, cao hơn mức trung bình của nền kinh tế khoảng 1,2 lần (11,2/9,6).

Đối với thu ngân sách nhà nước, thu trong nước chiếm tỷ trọng lớn, chủ yếu. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách nhà nước trong những năm gần đây (tỷ lệ 10,8% năm 2010 tăng lên khoảng 13,6% năm 2019). Đây là xu thế tốt nhưng ở góc độ khác vẫn chưa tương xứng với tiềm lực thực tế của khu vực FDI.

Điều này cho thấy, đóng góp của FDI cho nền kinh tế Việt còn hạn chế. Khu vực FDI chiếm khoảng 23-24% vốn đầu tư xã hội nhưng chỉ đóng góp khoảng 19,6% vào tổng GDP của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, khu vực FDI đóng góp lớn vào gia tăng độ mở của nền kinh tế do tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong suốt giai đoạn 2011-2018, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp FDI đạt trung bình khoảng 6,2%, trong khi mức trung bình doanh nghiệp của cả nước chỉ đạt khoảng 3,85%. Tuy nhiên, do chưa tính toán được thất thoát do chuyển giá của nhiều doanh nghiệp FDI nên thực chất hiệu quả của khu vực FDI chưa thể được khẳng định.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2021 (đến 20/5/2021), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, trong gần 5 tháng đầu năm 2021, có 613 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 8,83 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn FDI đăng ký điều chỉnh tăng thêm đạt 3,86 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ, trong khi tổng giá trị vốn góp mua cổ phần giảm hơn một nửa xuống còn 1,31 tỷ USD.

Dòng vốn FDI chảy vào 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,14 tỷ USD, chiếm 43,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,43 tỷ USD, chiếm 38,8%. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 1,05 tỷ USD và gần 522 triệu USD.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút và phát huy vốn FDI

Chủ trương, định hướng mới trong thu hút vốn FDI để tăng tốc nền kinh tế

Gia tăng thu hút các dự án FDI có quy mô vốn lớn, nắm giữ công nghệ cao đến từ các nước phát triển hàng đầu trên thế giới là chủ trương xuyên suốt được đặt ra. Theo đó, để thực hiện tốt điều này, Việt Nam cần có chính sách đảm bảo thu hút vốn FDI chiếm khoảng 25-27% vốn đầu tư xã hội để bứt tốc thêm nền kinh tế. Mỗi năm phấn đấu thu hút khoảng 20 tỷ USD và tỷ lệ vốn thực hiện khoảng 70-75% số vốn đăng ký.

Cùng với đó, nâng tỷ lệ vốn FDI đến từ các nước phát triển hàng đầu thế giới để phát triển mạnh hơn nữa công nghiệp điện tử, chế tạo máy móc thiết bị với công nghệ cao, có nhiều giá trị gia tăng và có khả năng xuất khẩu lớn. Đồng thời, làm cơ sở thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trong nước để tạo nên các chuỗi giá trị trong nước.

Dự báo đến năm 2030, Việt Nam là có khoảng trên 120 triệu dân, tiếp tục ổn định về chính trị, kinh tế; Việt Nam cần phát triển mạnh các lĩnh vực tự động hóa, cơ điện tử, máy móc phục vụ sản xuất hàng hóa–điện–vận tải, viễn thông, thuốc chữa bệnh, vận tải biển, logistics, chữa bệnh, du lịch.

Hoàn thiện chính sách thu hút vốn FDI, đảm bảo đồng bộ, nhất quán

Từ Trung ương đến địa phương cần đưa ra các cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng nhà đầu tư FDI, tạo thuận lợi để các nhà đầu tư làm ăn có hiệu quả, lâu dài và ổn định. Theo lý thuyết, lợi nhuận là đòi hỏi hàng đầu đối với các nhà đầu tư nói chung.

Vì thế, cần cam kết, nếu đến Việt Nam làm ăn sẽ thu được lợi nhuận ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, cần có các chính sách hạn chế đến mức tối thiểu tình trạng chuyển giá và khai báo “lỗ giả lãi thật” gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần ban hành các chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong môi trường đầu tư của Việt Nam như: hỗ trợ nhân lực chất lượng cao, giảm hoặc miễn tiền thuê đất, giảm thuế nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu và các nhà đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ khi vào Việt Nam làm ăn.

Mặt khác, hạn chế những dự án chỉ có công nghệ trung bình, sử dụng nhiều đất và tiêu tốn nhiều điện lại có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển

Việt Nam hiện nay cần tập trung đào tạo nhân lực quản lý bậc trung và nhân lực làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi số. Chính phủ ưu tiên hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực cho những dự án sử dụng công nghệ cao, quy mô lớn phù hợp với hình thành các lĩnh vực mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực của Việt Nam.

Phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước nhằm hình thành chuỗi giá trị

Phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam cả về số lượng, quy mô và chất lượng có năng lực kết nối với doanh nghiệp FDI là yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập, thu hút FDI. Theo đó, thời gian đầu nên phát triển mạnh hình thức liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước để hình thành đội ngũ đủ năng lực chế tạo thiết bị, linh kiện phục vụ lắp ráp cho các doanh nghiệp FDI lớn. Sau đó thực hiện từng bước mua lại doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của người nước ngoài

Việt Nam là quốc gia vừa thiếu công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại, vừa thiếu nguyên liệu theo yêu cầu của các nhà lắp ráp lớn đã đầu tư vào Việt Nam nên Nhà nước cần có kế hoạch khả thi, thực tế để phát triển được lực lượng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh.

Đánh giá hiệu quả kinh tế FDI trên phạm vi cả nước

Hàng năm cần tổ chức triển khai đánh giá hiệu quả kinh tế của FDI trên phạm vi cả nước. Để thực hiện nội dng này, Nhà nước nên có hướng dẫn đánh giá hiệu quả FDI thống nhất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong đó, cần xây dựng các chỉ tiêu định lượng và cách đánh giá thiệt hại do chuyển giá của doanh nghiệp FDI; Nên hình thành cổng thông tin điện tử về FDI và công khai kết quả đánh giá hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân được biết một cách công khai minh bạch.

Việc đánh giá vai trò FDI đối với sự phát triển của nền kinh tế có thể tiến hành được, đây là công việc có cơ sở khoa học vững chắc. Đối với các chỉ tiêu mà tác giả đã xác định để đánh giá hiệu quả khu vực FDI thể hiện vai trò của FDI là khả thi và có thể tính toán được.