9 tháng, doanh nghiệp thành lập mới “bơm” thêm cho nền kinh tế trên 963 nghìn tỷ đồng
Theo số liệu Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2018, tính chung 9 tháng, cả nước có 96.611 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 963 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số DN và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 3,8%. Nếu tính cả 1.881,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2018 là 2.845,3 nghìn tỷ đồng.
Trong 9 tháng đã có 22.897 DN quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2017, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên hơn 119.5 nghìn doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, số DN tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018 là 73.103 DN, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 23.053 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,6% và 50.050 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,3%.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng năm 2018 là 11.536 DN, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 10.591 DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,8% và tăng 32%.
Mục tiêu được Chính phủ đặt ra là tới năm 2020, cả nước phấn đấu đạt 1 triệu DN. Số lượng DN tăng thêm để đạt mục tiêu này chủ yếu từ nguồn thành lập mới và khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể có điều kiện chuyển đăng ký sang mô hình DN.
Mục tiêu này cũng có nghĩa rằng, từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm phải có trên 130.000 DN được thành lập mới và không có DN phá sản, giải thể.
Hiện nay, bình quân Việt Nam có 120.000 DN thành lập mới mỗi năm, với tốc độ này để đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 cần có nhiều nỗ lực hơn nữa của Chính phủ và các các bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mục tiêu 1 triệu DN có thể đạt được nếu có giải pháp đầy đủ khuyến khích, hỗ trợ DN mới khởi nghiệp thành công. Để làm được điều đó, giải pháp cơ bản là phải đáp ứng là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, có môi trường kinh doanh bền vững. Đồng thời, phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh cho DN.
Ngoài ra, bên cạnh việc thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cần có cơ chế khuyến khích phát triển các mô hình tư nhân về quỹ khởi nghiệp như các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần, quỹ huy động vốn từ cộng đồng.