Dấu hiệu khả quan về số lượng doanh nghiệp mới
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2018 vừa công bố ngày 29/7 của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 7, cả nước có 11.262 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 122,1 nghìn tỷ đồng, tuy giảm về số doanh nghiệp so với tháng trước nhưng tăng về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp (đạt 10,8 tỷ đồng) và tăng về tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới (đạt 115 nghìn người) .
Bên cạnh đó, trong tháng 7 ghi nhận trên cả nước có 2.970 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 9% so với tháng 6. Con số trên đưa tổng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tính từ đầu năm đến hết tháng 7 là 18.696 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm nay lên gần 94,5 nghìn doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu trong các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 33,9% tổng số doanh nghiệp thành lập mới); Xây dựng với 10,1 nghìn doanh nghiệp (chiếm 13,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo 9,4 nghìn doanh nghiệp (chiếm 12,4%); Khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác với 5,7 nghìn doanh nghiệp (chiếm 7,6%)…
Tháng 7 cũng ghi nhận giảm về số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Cụ thể, có 7.972 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (bao gồm: 2.442 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 5.530 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể), giảm 9%. Trong khi đó, có 1.085 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1%. Tính chung, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng năm 2018 là 59.910 doanh nghiệp.
Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, tình hình doanh nghiệp đăng ký kinh doanh 5 năm gần đây có những dấu hiệu khả quan về số lượng doanh nghiệp mới (xem biểu đồ).
Nguồn: Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam |
Sự gia tăng mạnh mẽ này cho thấy, khung khổ pháp lý thông thoáng, những giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nỗ lực triển khai của các bộ, ngành, địa phương thực sự đã có tác động tích cực lên niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh trong nước.
Hiện nay, Chính phủ cũng đã xác lập nguyên tắc doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành, nghề pháp luật không cấm; Minh bạch hóa điều kiện kinh doanh, cùng với việc đơn giản hóa và giảm rào cản gia nhập thị trường; Tiết giảm thủ tục đăng ký đầu tư; Chú trọng chuyển công tác nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm...