98% số hộ sẽ phải trả ít tiền điện hơn khi thay đổi cơ cấu biểu giá
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, các hộ có mức sử dụng điện từ 710 kWh/tháng trở xuống (chiếm khoảng 98% số hộ) sẽ có tiền điện phải trả giảm đi so với cách tính cũ là 6 bậc.
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, vừa diễn ra chiều nay (06/12), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời làm rõ một số nội dung báo chí quan tâm liên quan đến việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện bậc thang.
Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém. Khi huy động các nhà máy điện phát điện, về nguyên tắc, ngành điện sẽ huy động các nhà máy điện có giá rẻ phát điện trước, nhà máy điện có giá đắt phát điện sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
Hiện nay, để khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… đều áp dụng giá điện cho mục đích sinh hoạt theo các bậc với giá điện của bậc thang sau cao hơn so với bậc thang trước, tương tự như Việt Nam đang tiến hành.
Việc thiết kế giá bán lẻ điện cho sinh hoạt theo các bậc phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần nhằm khuyến khích các hộ dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
“Thực tế áp dụng trong những năm gần đây cho thấy, việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng, nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và tương đối phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay ở nước ta” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Sẽ nghiên cứu, đề xuất áp dụng thử nghiệm giá điện 2 thành phần
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, kinh nghiệm áp dụng tại các nước trên thế giới cho thấy, giá bán điện 2 thành phần gồm giá công suất (tính theo kW) và giá điện năng (tính theo kWh) chỉ áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất và kinh doanh. Cơ chế giá này không áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt.
“Do đây là cơ chế mới, cần có nghiên cứu, thử nghiệm kỹ lưỡng, tránh tác động quá lớn tới các nhóm khách hàng sử dụng điện” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Thời gian tới, căn cứ đặc điểm sử dụng điện của khách hàng sử dụng điện tại Việt Nam và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm áp dụng tại các nước trên thế giới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và đề xuất áp dụng thử nghiệm giá bán điện 2 thành phần gồm giá công suất và giá điện năng cho một số nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất để có cơ sở đánh giá tác động đến giá bán lẻ điện bình quân, cũng như chi phí sản xuất của khách hàng sử dụng điện.
Tổng thể của phương pháp tính vẫn giữ nguyên
Phân tích ưu - nhược điểm của biểu giá điện 5 bậc , Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, cách tính này đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện nay xuống còn 5 bậc.
Việc ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn; đồng thời hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.
Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội không thay đổi so với khi áp dụng cơ cấu biểu giá điện hiện hành là 6 bậc.
Mức tăng giá giữa các bậc là tương đối hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối là 2 lần, phù hợp khi so sánh với xu thế chung của các nước trên thế giới, như tại Nam California (Mỹ), mức chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2,2 lần; Hàn Quốc là 3 lần; Lào là 2,88 lần; Thái Lan là 1,65 lần.
“Các hộ có mức sử dụng điện từ 710 kWh/tháng trở xuống (chiếm khoảng 98% số hộ) sẽ có tiền điện phải trả giảm đi so với cách tính cũ là 6 bậc” - Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Về nhược điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, tiền điện của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.
“Như vậy, tổng thể của phương pháp tính vẫn giữ nguyên, chỉ là có sự tăng lên, giảm xuống tương ứng giữa các thành phần khách hàng sử dụng điện” - ông Hải nhận định.
Áp dụng giá giờ cao điểm, thấp điểm góp phần tối ưu vận hành hệ thống
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện nay, việc áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày đối với nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh vẫn còn phù hợp.
Thứ nhất, đặc điểm của hệ thống điện luôn có sự chênh lệch giữa cao điểm và thấp điểm của biểu đồ phụ tải. Sự chênh lệch lớn giữa giờ cao điểm và thấp điểm làm cho hệ thống điện phải có dự phòng lớn.
Một số nhà máy điện được đầu tư chỉ cho vận hành cao điểm có số giờ vận hành ít nên giá rất cao, việc điều hành hệ thống điện rất khó khăn, làm gia tăng tổn thất điện năng, tạo ra áp lực vốn đầu tư rất lớn để xây dựng nguồn điện mới chạy cao điểm, tính kinh tế toàn hệ thống giảm thấp.
“Biện pháp áp dụng giá điện theo giờ bình thường, cao điểm và thấp điểm đã được áp dụng tại rất nhiều nước trên thế giới để giảm bớt nhu cầu phụ tải đỉnh của hệ thống, điều chỉnh biểu đồ phụ tải sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, đem lại lợi ích cho vận hành hệ thống điện và nền kinh tế quốc dân” - ông Hải nêu rõ.
Thứ hai, trong các giờ cao điểm, để đảm bảo đủ công suất, hệ thống điện quốc gia phải huy động các nhà máy tua bin khí chạy dầu hoặc nhà máy chạy dầu có giá phát điện rất cao. Vì vậy, giá phát điện là cao nhất và giá bán lẻ điện cũng sẽ là cao nhất vào giờ cao điểm hệ thống.
“Để phản ánh đúng thực tế chi phí sản xuất điện, biểu giá điện vào các giờ cao điểm cần phải cao hơn giá giờ bình thường hoặc giá giờ thấp điểm” - lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc áp dụng biểu giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng trong ngày nhằm khuyến khích các khách hàng tiết kiệm chi phí dùng điện bằng cách dịch chuyển một phần những phụ tải không cần thiết từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm hay giờ bình thường, giảm nhu cầu phụ tải toàn hệ thống trong các giờ cao điểm, góp phần giảm áp lực vốn đầu tư xây dựng nguồn mới.
“Nếu không áp dụng giá cao điểm vào những giờ cao điểm của hệ thống, nhu cầu công suất của hệ thống sẽ còn tăng cao hơn nữa và sẽ dẫn tới khó khăn trong việc cung cấp điện giờ cao điểm”- ông Hải phân tích.
Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định, thực tế trong những năm vừa qua cho thấy, việc áp dụng giá điện theo khung thời gian sử dụng điện trong ngày là phù hợp trong giai đoạn hiện nay để góp phần tối ưu vận hành hệ thống và đảm bảo khuyến khích các hộ sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả./.