12 nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống Kho bạc Nhà nước trong năm 2021

Nhật Tân

Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) giai đoạn 2021-2030; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng dịch vụ... là các nhiệm vụ trọng tâm hệ thống KBNN sẽ tập trung triển khai trong năm 2021.

Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Đức Chi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đại biểu Công chức, Viên chức cơ quan Kho bạc Nhà nước năm 2020.
Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Đức Chi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đại biểu Công chức, Viên chức cơ quan Kho bạc Nhà nước năm 2020.

Bám sát kế hoạch, chương trình hành động, năm 2021, KBNN đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm gắn với thi đua thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm các ngày Lễ lớn của dân tộc. Cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 theo lộ trình xây dựng Chiến lược phát triển Tài chính đến năm 2030; trình Bộ Tài chính phê duyệt chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN và triển khai các nhiệm vụ đã đề ra tại Chiến lược theo lộ trình được phê duyệt.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ của hệ thống KBNN năm 2021.

Thứ ba, tổ chức điều hành quản lý Quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) chặt chẽ, an toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công. Theo đó, KBNN phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2021; tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu và thanh toán song phương điện tử tại các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và tập trung nhanh, kịp thời các khoản thu vào NSNN...

Thứ tư, phấn đấu hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2021 do Bộ Tài chính giao, đảm bảo chỉ tiêu kỳ hạn bình quân danh mục phát hành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện chủ trương về tái cơ cấu NSNN và nợ công theo hướng đảm bảo an toàn bền vững nền tài chính quốc gia; gắn kết chặt chẽ giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, giữa quản lý nợ, quản lý ngân quỹ, quản lý ngân sách, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nợ công. Tổ chức điều hành ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống; nâng cao chất lượng dự báo dòng tiền; chủ động triển khai nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả như nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ trên thị trường; triển khai quy trình quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước; tăng cường hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Thứ năm, triển khai thực hiện chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN theo đúng quy định; tổng hợp, lập báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ, đột xuất nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phục vụ điều hành NSNN của Bộ Tài chính, KBNN và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Tổng hợp, lập báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) toàn quốc năm 2019 trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đúng thời hạn theo quy định; tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thiện các chế độ kế toán nhà nước để đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin tài chính cần thiết phục vụ công tác lập BCTCNN.

Thứ sáu, KBNN đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính. Hoàn thành đạt 11/11 thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và bổ sung thêm 02 dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia; gia tăng các tiện ích để hỗ trợ cho người sử dụng; xây dựng chức năng chi lương qua dịch vụ công trực tuyến. Hoàn thành xây dựng, chuyển đổi và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trong hệ thống KBNN.

Thứ bảy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ. Tập trung triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các đề án, dự án hiện đại hóa CNTT trong hệ thống KBNN: Hoàn thiện Kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT của KBNN theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030... và thực hiện các nhiệm vụ về an toàn bảo mật hệ thống, quản trị hệ thống, đảm bảo kỹ thuật công nghệ thông tin của KBNN.

Thứ tám, tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ; chấp hành nội quy cơ quan, quy chế quản lý nội bộ, nhằm duy trì và giữ vững an ninh trật tự an toàn cơ quan, trật tự nội vụ của từng đơn vị KBNN trong toàn hệ thống.

Thứ chín, triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, sáp nhập KBNN cấp huyện vào KBNN cấp tỉnh và thành lập KBNN khu vực liên huyện trực thuộc KBNN cấp tỉnh đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Bên cạnh đó, hệ thống KBNN tiếp tục tăng cường kỷ cương kỷ luật trong thực hiện công vụ của cán bộ công chức; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai sót liên quan đến công tác quản lý cán bộ.

Thứ mười, tổ chức thực hiện công tác quản lý tài chính, tài sản và xây dựng cơ bản nội ngành tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn, chính trị được giao.

Thứ mười một, nâng cao chất lượng công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ và công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Thứ mười hai, thực hiện có hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế. Trong đó đặc biệt tập trung vào các hoạt động tìm kiếm đối tác, nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030. Cùng với các nhiệm vụ chuyên môn, KBNN đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các lĩnh vực hoạt động trọng tâm của hệ thống KBNN.

Hệ thống Kho bạc Nhà nước phấn đấu hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2021 do Bộ Tài chính giao, đảm bảo chỉ tiêu kỳ hạn bình quân danh mục phát hành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện chủ trương về tái cơ cấu ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng đảm bảo an toàn bền vững nền tài chính quốc gia; gắn kết chặt chẽ giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, giữa quản lý nợ, quản lý ngân quỹ, quản lý ngân sách, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nợ công.