Kỳ vọng sự bứt phá của thị trường IPO Việt Nam

Minh Lâm

Thị trường IPO của Việt Nam được kỳ vọng sẽ bứt phá trong năm 2025, nhờ động lực tăng trưởng kinh tế, khung khổ pháp lý hoàn thiện cùng sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài.

Thị trường Việt Nam năm 2024 chỉ có một thương vụ IPO thành công.
Thị trường Việt Nam năm 2024 chỉ có một thương vụ IPO thành công.

Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) dùng để chỉ hoạt động lần đầu phát hành cổ phiếu và đưa lên sàn chứng khoán của một công ty với mục đích huy động vốn từ các nhà đầu tư để mở rộng phạm vi hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển với quy mô lớn hơn.

Theo báo cáo của Deloitte, năm 2024, khu vực Đông Nam Á (ASEAN) có 135 thương vụ IPO được thực hiện và huy động được khoảng 3,7 tỷ USD, giảm khá mạnh so với con số 163 thương vụ IPO vào năm 2023. Tổng số vốn IPO huy động năm 2024 giảm 36% so với năm 2023 và tổng vốn hóa thị trường IPO giảm 54% so với năm 2023.

Bất chấp sự bất ổn kinh tế toàn cầu do những thay đổi chính trị đáng kể gây ra thách thức cho thị trường vốn trên toàn cầu, Malaysia vẫn nổi lên như một điểm sáng ở Đông Nam Á. Nước này dẫn đầu khu vực về số lượng thương vụ IPO thành công (55 thương vụ) và tổng số vốn IPO huy động được (7,2 tỷ USD).

Trong khi đó, Việt Nam chỉ chứng kiến ​​một thương vụ IPO vào năm 2024, huy động được khoảng 37 triệu USD (của Công ty Chứng khoán DNSE). Đáng chú ý, đợt IPO duy nhất này, cũng là đợt IPO đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực Công nghệ tài chính, đã vượt qua hiệu suất thị trường của Việt Nam trong cả năm 2023 và cao gấp khoảng 5 lần so với mức vốn trung bình huy động được từ một đợt IPO trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023.

Năm 2023, thị trường Việt Nam có 3 thương vụ IPO thành công, huy động được 7 triệu USD. Lượng vốn huy động trung bình từ năm 2021 đến năm 2023 chỉ là 7,09 triệu USD. Lần gần nhất, Việt Nam ghi nhận một giá trị giao dịch duy nhất cao hơn 30 triệu USD là vào năm 2019 (Viglacera – huy động được 68 triệu USD).

Ông Bùi Văn Trịnh - Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết, mặc dù nền kinh tế Việt Nam có thể gặp nhiều thách thức, nhưng vẫn được cho là thời điểm tốt để cả nhà đầu tư tham gia thị trường. Hỗ trợ cho kỳ vọng tăng trưởng vốn IPO không chỉ đến từ điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi bao gồm tỷ lệ lạm phát được kiểm soát và lãi suất thấp, mà còn đến từ những thay đổi về quy định tiến bộ để thu hút thêm đầu tư nước ngoài và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường IPO của Việt Nam sẽ có nhiều động lực để bứt phá trong năm 2025. Động lực chính đến từ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam: Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025 ở mức tăng trưởng GDP là 7,5 – 8% và thậm chí phấn đấu ở mức 2 con số. Đồng thời, kỳ vọng về phục hồi của thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2025 nhờ vào cuộc mạnh mẽ giải quyết tính pháp lý của Chính phủ, thúc đẩy nhu cầu huy động vốn qua thị trường chứng khoán.

Nhiều chính sách mới được ban hành và các luật mới được sửa đổi trong năm 2024 sẽ có hiệu lực và thực thi trong năm 2025, đây cũng là các động lực thúc đẩy thị trường IPO.

Xu hướng lãi suất tăng hoặc duy trì mặt bằng cao khi Fed có thể chỉ giảm nhẹ lãi suất trong năm 2025 khi lo ngại về lạm phát tăng trở lại và Ngân hàng Nhà nước cũng có thể sẽ sớm thúc đẩy lãi suất tăng trở lại để kiểm soát áp lực tỷ giá cũng như lạm phát tăng trở lại trong tương lai sau các biện pháp kinh thích kinh tế của Chính phủ.

Nhà đầu tư nước ngoài có thể sớm trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025, đặc biệt làn sóng niêm yết các doanh nghiệp Nhà nước và chuyển sàn từ UPCoM (sàn HNX) sang HOSE cũng là động lực để các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh việc mua ròng trở lại. Đồng thời, xúc tác đến từ việc nâng hạng thị trường cũng là động lực cho thị trường IPO tìm kiếm cơ hội trên thị trường vốn.