Bình ổn giá cả thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Trần Huyền

Với vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp bình ổn giá cả thị trường trong thời điểm dịch Covid có những diễn biến ngày càng phức tạp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đảm bảo đời sống nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trên cơ sở tham mưu, báo cáo của Bộ Tài chính, Lãnh đạo Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo bộ, ngành, địa phương các biện pháp quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát để hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Đồng thời, bình ổn mặt bằng giá để vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh; không để thừa thiếu hàng hóa, ách tắc lưu thông. Các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt trong tổ chức triển khai các giải pháp về quản lý, điều hành giá thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bộ Tài chính đã có các văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành theo chức năng tổ chức thực hiện những biện pháp quản lý giá đối với một số mặt hàng cụ thể để kịp thời bình ổn giá thị trường, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội gắn với yêu cầu đặt ra cho công tác phòng chống dịch.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), vừa qua, các cơ quan chức năng, quản lý thị trường đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và xử lý nghiêm các hiện tượng tăng giá bất hợp lý, nhất là trong thời điểm một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19. Qua đó, kịp thời bảo đảm đời sống người dân trong tình trạng giãn cách xã hội do dịch bệnh.

Cùng với đó, một số hàng hóa dịch vụ quan trọng thiết yếu tiếp tục được đề xuất giảm giá để hỗ trợ nền kinh tế như: kéo dài quy định miễn thu hoặc giảm giá đối với một số dịch vụ chứng khoán, giảm giá tiền điện cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid 19; tăng chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trước biến động tăng của giá thế giới...

Nhờ các biện pháp bình ổn giá được quyết liệt chỉ đạo triển khai, mặt bằng giá 7 tháng đầu năm 2021 đã được kiểm soát ở mức hợp lý, vừa đảm bảo đời sống nhân dân, vừa hỗ trợ phát triển kinh tế; đồng thời, tạo dư địa thuận lợi cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2021 ở mức dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, những tháng còn lại của năm 2021 vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát do tình hình thế giới do xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược; dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm giá cả một số mặt hàng biến động cục bộ tại một số thời điểm tại các địa phương bị ảnh hưởng.

Do đó, để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phòng chống dịch bệnh, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Đồng thời, tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả, tiếp tục đánh giá, cập nhật kịch bản điều hành giá để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là việc tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, đánh giá thực hiện và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chính sách quản lý, điều hành giá cho phù hợp với thực tế hiện nay; xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp và đẩy mạnh công khai minh bạch trong quản lý điều hành giá các mặt hàng.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, quản lý kê khai giá, niêm yết giá theo quy định pháp luật.