Quản lý, điều hành giá thận trọng, linh hoạt, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra


Nhằm thực hiện mục tiêu giữ ổn định mặt bằng giá, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý, điều hành giá chủ động, linh hoạt.

Nhờ đó, mặt bằng giá cả các mặt hàng trong những tháng đầu năm 2021 diễn biến trong phạm vi cho phép, góp phần quan trọng vào kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (4%) trong năm 2021. Trong những tháng cuối năm, công tác điều hành giá tiếp tục tăng cường bám sát diễn biến thị trường, quản lý chặt chẽ, điều hành linh hoạt và chủ động.

Diễn biến mặt bằng giá cả các mặt hàng trong 5 tháng đầu năm 2021

Trong những tháng đầu năm 2021, kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các làn song bùng phát tiếp theo của đại dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, do tình trạng vắc xin vẫn còn thiếu hụt trên toàn cầu. Cùng với đó, nhiều chủng loại nguyên vật liệu tăng giá do thiếu hụt nguồn cung đã tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước.

Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương và các giải pháp về triển khai mục tiêu kép của Chính phủ “vừa phòng, chống dịch dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”, công tác quản lý, điều hành giá đã được triển khai quyết liệt, toàn diện hướng đến hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% mà Quốc hội và Chính phủ đề ra trong năm 2021.

Quản lý, điều hành giá thận trọng, linh hoạt, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra - Ảnh 1

Thực tế, diễn biến giá cả các mặt hàng thời gian qua cho thấy, mặt bằng giá cả các mặt hàng diễn biến theo xu hướng thường tăng cao theo quy luật vào các háng 1, 2 trong dịp lễ, Tết Nguyên đán, giảm dần trở lại mức bình thường trong các tháng 3, 4 và tăng nhẹ trở lại trong tháng 5.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 1 tăng 0,06% so với tháng trước,tháng 2 tăng 1,52%, tháng 3 giảm 0,27%, tháng 4 giảm 0,04%, tháng 5 tăng 0,16%. Diễn biến CPI này đã cộng hưởng dẫn tới CPI 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Trong đó, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá cả các mặt hàng trong 5 tháng đầu năm 2021 có thể kể tới như: Giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng; Giá xăng dầu và giá gas tang theo giá thế giới; Giá thức ăn chăn nuôi tăng do nhu cầu chăn nuôi tăng; Giá nguyên vật liệu xây dựng (đặc biệt là giá thép) tăng do nguyên liệu đầu vào và nhu cầu xây dựng tăng.

Mặt khác, một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Các gói hỗ trợ cho người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Việc giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý IV/2020 và được giảm trừ trong giá điện tháng 01/2021 đã góp phần làm CPI chung giảm; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các hãng hàng không và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đưa ra hàng loạt chương trình giảm giá hấp dẫn để kích cầu du lịch và đi lại của người dân; Giá các dịch vụ bưu chính viễn thông cơ bản được giữ ổn định, không tăng giá…

Thực trạng quản lý , điều hành giá cả thị trường

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý,điều hành và bình ổn giá cả thị trường

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ Tài chính luôn bám sát định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-BTC ngày 21/12/2020 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, trong đó đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý, điều hành, bình ổn giá cả thị trường và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo trong dịp Tết Nguyên đán.

Đồng thời, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành đánh giá, dự báo tình hình giá cả và tính toán các kịch bản, giải pháp điều hành báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quán triệt triển khai đồng bộ, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến giá cả thị trường, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 3025/VPCP-KTTH ngày 08/5/2021 về công tác điều hành giá năm 2021, Bộ Tài chính đã có Công văn số 4896/BTC-QLG ngày 14/05/2021 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn, để vừa thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Theo ước tính của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), mức tăng CPI 6 tháng cuối năm 2021 (so với tháng trước) còn có dư địa trong khoảng 1% mỗi tháng để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân cả năm dưới 4%. Như vậy, nếu không có những yếu tố đột biến xảy ra, thì việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

Tuy nhiên, với các kịch bản mà CPI bình quân năm 2021 tiệm cận mức 4% thì CPI tháng 12/2021 so với cùng kỳ năm 2020 sẽ ở mức rất cao và sẽ tác động đến việc tính toán phương án điều hành các mặt hàng do Nhà nước quản lý; đồng thời, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát.

Tăng cường điều hành giá cả các mặt hàng quan trọng, thiết yếu

Công tác điều hành giá cả một số mặt hàng thiết yếu và hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 cũng được Bộ Tài chính chú trọng triển khai nhằm góp phần vào "mục tiêu kép” của Chính phủ. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ Tài chính đã hối hợp với các bộ, ngành theo chức năng, tổ chức thực hiện những biện pháp đối với một số mặt hàng cụ thể để bình ổn giá thị trường, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và gắn với yêu cầu đặt ra cho công tác phòng, chống dịch.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã tập trung thực hiện tốt công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường, nhất là giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, vật tư y tế, vật liệu xây dựng để kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời trên cơ sở yêu cầu kiểm soát lạm phát để điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng nguyên tắc thị trường; Đồng thời, đã tính toán sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá phù hợp nhằm tránh biến động giá đột ngột trong các kỳ điều hành, góp phần hỗ trợ đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với việc quản lý, điều hành các mặt hàng trên, Bộ Tài chính đã chủ động quản lý, điều hành giá cả các mặt hàng như: Điện, dịch vụ chứng khoán và sách giáo khoa. Cụ thể, đối với mặt hàng điện, tiếp tục thực hiện chủ trương giữ ổn định giá điện bán lẻ bình quân để đảm bảo hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Qua đánh giá tác động tích cực từ 2 lần hỗ trợ giá điện trong năm 2020, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương trình Chính phủ phương án giảm giá điện đợt 3.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 02/6/2021 về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 cho khách hàng sử dụng điện như các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở đang thực hiện cách ly, khám bệnh tập trung, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19; ước tính số tiền hỗ trợ giảm đợt 3 là khoảng 1.200-1.300 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành các chính sách miễn, giảm giá nhiều dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (Thông tư số 30/2021/TT-BTC ngày 14/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

Đối với mặt hàng sách giáo khoa, qua theo dõi diễn biến giá cả thị trường, Bộ Tài chính đã kịp thời có công văn đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kiểm soát, tiết giảm các chi phí trong cơ cấu giá thành sách giáo khoa, để giảm giá sách giáo khoa theo nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, chủ động tiết kiệm chi phí, xác định giá sách giáo khoa đảm bảo cân đối, hài hòa lợi ích kinh tế. Đến nay, các nhà xuất bản đã nhiều lần thực hiện kê khai và kê khai lại điều chỉnh giảm giá các cuốn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới...

Giải pháp quản lý, điều hành giá trong thời gian tới

Trên cơ sở diễn biến giá cả các mặt hàng trong những tháng đầu năm, để đảm bảo đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2021 ở mức dưới 4% theo chỉ tiêu của Quốc hội giao, thời gian tới cần triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm 2021 cần thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động; đồng thời, triển khai nghiêm túc định hướng chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ và Công văn số 3025/VPCP-KTTH ngày 08/5/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Thứ hai, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp, từ đó kịp thời tham mưu các biện pháp để ổn định mặt bằng giá cả thị trường, không để xảy ra các biến động bất thường.

Thứ ba, tiếp tục đánh giá, cập nhật kịch bản điều hành giá cho những tháng cuối năm 2021, nhất là việc tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền các chủ trương, điều hành, quản lý giá của Chính phủ, Bộ Tài chính để hạn chế những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Đồng thời, chủ động tuyên truyền về công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân; thực hiện công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng và tạo sự đồng thuận trong dư luận.

Thứ năm, tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật về giá; triển khai các hoạt động chuyên sâu tổng kết đánh giá thi hành Luật Giá và các văn bản hướng dẫn; Nghiên cứu xây dựng các chính sách và đánh giá tác động để làm cơ sở cho việc báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về đề xuất xây dựng Luật Giá (sửa đổi).

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Báo cáo tổng quan thị trường và giá cả (kèm theo công bố Chỉ số CPI);

2. Báo cáo giá cả thị trường-Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính;

3. Báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá quản lý giá quý I/2021;

4. Báo cáo phân tích chỉ số giá tiêu dùng của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính.

*TS. Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính).

**Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.