Đảm bảo giá xăng dầu phù hợp với nguyên tắc thị trường

Trần Huyền

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Luật Giá (sửa đổi), một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật là đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Đề xuất này nhằm đảm bảo giá xăng dầu phù hợp với nguyên tắc thị trường, cùng với đó là sử dụng các nguyên tắc bình ổn giá khác để ổn định giá mặt hàng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng cường phân công, phân cấp, rõ trách nhiệm triển khai bình ổn giá

Theo Bộ Tài chính, Luật Giá phải là một trong những công cụ pháp lý quan trọng để tham gia điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần phát triển kinh tế bền vững và tăng trưởng xanh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Công tác quản lý, điều hành giá của Nhà nước được thực hiện theo cơ chế thị trường, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, khắc phục những mặt tồn tại như lợi ích nhóm, trục lợi, tiêu cực lãng phí; Đồng thời, phải có tính linh hoạt trong các trường hợp để ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh trong thực tiễn có tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Bình ổn giá được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế - xã hội nhất định. Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất, danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá sẽ được giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở các nguyên tắc chặt chẽ được quy định tại Luật. Đồng thời, tăng cường phân công, phân cấp, rõ trách nhiệm trong việc triển khai bình ổn giá trên phạm vi cả nước và trên địa bàn.

Bám sát nội dung chính sách đã xây dựng, tại dự án Luật đã quy định chi tiết hơn các nguyên tắc bình ổn giá và cụ thể hóa các trường hợp áp dụng bình ổn giá bao gồm: trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai hoặc khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo quy định tại Luật tình trạng khẩn cấp.

Trên cơ sở đó, để khắc phục hạn chế hiện nay, tại Luật chỉ quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện. Cơ bản Danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá chi tiêt sẽ được rà soát trên 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện nay để kế thừa, điều chỉnh phù hợp.

Đồng thời, dự thảo Luật quy định cơ chế để xử lý tình huống trong các trường hợp khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, cho phép Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quyết định hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục để áp dụng trong thời hạn nhất định trên cơ sở đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh...

Bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, đảm bảo nguyên tắc thị trường

Theo dự thảo Luật Giá (sửa đổi), các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách; trong đó, bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá.

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay chỉ tồn tại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Điều 17 Luật Giá quy định 7 biện pháp bình ổn giá, trong đó lập Quỹ Bình ổn giá chỉ là một biện pháp để bình ổn giá. Về nguyên tắc, khi phát sinh trường hợp bình ổn giá phải triển khai ngay các biện pháp để ổn định giá. Vì vậy, biện pháp lập Quỹ để thực hiện bình ổn giá này không còn phù hợp, do đó, bỏ biện pháp lập Quỹ và gắn với đó đề nghị có thể xem xét bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu là phù hợp để giá trong nước có thể tiệm cận hơn với giá thế giới.

Quy định của Luật Giá hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi cho thấy, có nhiều biện pháp khác nhau để bình ổn giá như: điều hòa cung cầu hàng hóa, các công cụ về tài chính, tiền tệ và quyết định giá cụ thể/giá tối đa hoặc khung giá trong một khoảng thời gian nhất định. Hiện nay, tâm lý người tiêu dùng đã dần thích ứng được với việc điều chỉnh tăng/giảm giá xăng dầu theo biến động của giá xăng dầu thế giới. Do vậy, thời điểm này là thích hợp để xem xét bỏ công cụ Quỹ Bình ổn giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, thời gian qua đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Việc thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá là khi có sự biến động về giá. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, khi có sự biến động về giá mới lập Quỹ Bình ổn giá thì sẽ có độ trễ, không đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Theo đó, cần đảm bảo giá xăng dầu phù hợp với nguyên tắc thị trường, cùng với đó là sử dụng các nguyên tắc bình ổn giá khác để ổn định giá xăng dầu là mặt hàng chiến lược. Do đó, trong dự thảo Luật Giá sửa đổi hiện nay, Bộ Tài chính đưa phương thức Quỹ Bình ổn giá ra khỏi Luật Giá để xin ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan. Sau khi có ý kiến, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ và báo cáo Quốc hội để sửa đổi Luật Giá.

Trên thực tế, thời gian qua đã có nhiều ý kiến đề xuất xem xét bãi bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và sử dụng các biện pháp khác để bình ổn giá mặt hàng này. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Quỹ Bình ổn giá chỉ có tác dụng tại thời điểm nhất định chứ không phải dài hạn. Khi giá xăng dầu thực sự tuân theo diễn biến thị trường sẽ trở nên minh bạch và dễ dự báo hơn, tạo sự đồng thuận và hiệu quả xã hội cao hơn, khi đó việc giá lên hay xuống không phải can thiệp nhiều. Quan trọng nhất là đẩy mạnh sản xuất trong nước, tăng cường nguồn cung xăng dầu; đồng thời, có thể xem xét nâng mức dự trữ quốc gia với xăng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng.