Đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước ở tỉnh Thái Bình


Những năm qua, công tác đầu tư phát triển từ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) tại tỉnh Thái Bình đã có nhiều thay đổi, hiệu quả công trình, dự án ngày được nâng cao. Hoạt động quản lý dự án đầu tư đã tuân thủ nghiêm các quy định về công tác đầu tư và xây dựng. Trong bài viết này, tác giả phân tích thực trạng đầu tư phát triển từ vốn ngân sách nhà

Thái Bình luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
Thái Bình luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Khái quát về đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước

Đầu tư phát triển bằng nguồn vốn NSNN là việc Nhà nước sử dụng NSNN tiến hành thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và một số lĩnh vực khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Vốn đầu tư phát triển từ NSNN có nhiều đặc điểm khác biệt về bản chất so với các nguồn vốn khác, cụ thể như:

- Quyền sở hữu, quyền quản lý và quyền sử dụng bị tách biệt. Nhà nước nắm quyền sở hữu nhưng quyền quản lý được thực hiện thông qua các bộ, ngành và chủ đầu tư được trao quyền sử dụng vốn.

- Gồm nhiều loại khác nhau, theo đó là cơ chế quản lý sử dụng cũng khác nhau và rất phức tạp như: Vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA, vốn thuộc trung ương quản lý, vốn thuộc địa phương quản lý, vốn chương trình mục tiêu quốc gia…

- Vốn đầu tư từ NSNN luôn hướng tới những lợi ích chung, lợi ích công cộng.

- Vốn đầu tư từ NSNN chịu sự quản lý, chi phối của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương từ khâu huy động vốn, lập kế hoạch dự toán, giải ngân đến thanh quyết toán vốn đầu tư và được thực hiện trên quy mô rộng lớn.

- Việc đo lường hiệu quả chủ yếu dựa trên các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và các thước đo định tính, vì vốn NSNN hầu hết là tập trung đầu tư vào các lĩnh vực không có khả năng thu hồi vốn.

- Phạm vi của cơ chế quản lý vốn đầu tư từ NSNN là rất rộng, từ khâu lập quy hoạch, thẩm định dự án đầu tư đến khâu thiết kế kỹ thuật, lập dự toán, tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng kinh tế, triển khai thực hiện đầu tư... việc thất thoát, lãng phí vốn có thể xảy ra ở bất cứ khâu nào nếu ở đó cơ chế quản lý bị buông lỏng hoặc không chặt chẽ.

Thái Bình đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng nông thôn mới, hạ tầng giao thông kết nối và các trục giao thông đầu mối kết nối các đô thị trong tỉnh với trung tâm kinh tế vùng và tỉnh, thành phố lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên. Qua đó, Thái Bình đã thu hút được làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh như: Hòa Phát, Trường Hải, Lộc Trời, Vingroup...

Thực trạng đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước ở tỉnh Thái Bình

Ngoài lợi thế là tỉnh đồng bằng ven biển, nằm trong tuyến hành lang kinh tế ven biển kết nối với các khu kinh tế của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Thái Bình còn là địa phương có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, đường bờ biển dài 54km, diện tích đất nông nghiệp hơn 100.000ha và có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao với số người trong độ tuổi lao động trên 1 triệu người, trong đó hơn 50% lao động qua đào tạo.

Thái Bình còn là địa phương luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 235.500 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, tăng bình quân 7,8%/năm, trong đó tỷ trọng vốn NSNN chiếm khoảng 9%.

Từ nguồn vốn này, Thái Bình đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng nông thôn mới, hạ tầng giao thông kết nối và các trục giao thông đầu mối kết nối các đô thị trong tỉnh với trung tâm kinh tế vùng và tỉnh, thành phố lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên.

Qua đó, Thái Bình đã thu hút được làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh như: Hòa Phát, Trường Hải, Lộc Trời, Vingroup… đóng góp không nhỏ cho ngân sách địa phương, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Thu NSNN của Thái Bình những năm gần đây tăng mạnh, năm 2020, thu đạt hơn 19.078 tỷ đồng, bằng 118,4% dự toán.

Kết quả trên là nhờ tỉnh Thái Bình đã quản lý tốt việc quản lý sử dụng vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN qua các năm, việc lập kế hoạch vốn đầu tư cũng đã từng bước phù hợp với yêu cầu của thực tế và vốn đầu tư thực hiện cũng bám sát kế hoạch vốn đầu tư được phê duyệt vào đầu năm.

Về cơ bản, công tác quản lý nhà nước đối với nguồn vốn đầu tư phát triển từ NSNN là tương đối chặt chẽ, tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa phát hiện được việc nguồn vốn đầu tư phát triển từ NSNN bị thất thoát, lãng phí ở quy mô lớn, để lại hậu quả nghiêm trọng.

Mặc dù vậy, thực tiễn cho thấy, ở tỉnh Thái Bình vẫn còn xảy ra tình trạng công tác quy hoạch, chủ trương đầu tư chưa nhất quán. Chất lượng công tác lập, thẩm định dự toán chưa cao, chưa phát hiện được hết các lỗi về giải pháp kiến trúc kết cấu và dự toán. Công tác lập dự án đầu tư và thiết kế công trình thực tế vẫn còn có dự án do khảo sát không kỹ lưỡng đã phải thay đổi, điều chỉnh thiết kế.

Mặt khác, công tác thanh quyết toán vốn đầu tư chưa được thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để chủ trương thanh toán trực tiếp cho đối tượng được thụ hưởng. Việc quyết toán vốn đầu tư chưa được chủ đầu tư thực sự quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được chú trọng đúng mức, các sai phạm gây thất thoát, lãng phí phát hiện được xử lý chưa nghiêm. Việc thực hiện giám định đầu tư và nghiệm thu công trình chưa thực sự nghiêm túc, dẫn đến tình trạng một số công trình vừa quyết toán xong đã xuất hiện các hiện tượng lún, nứt, thấm dột, xuống cấp...

Nguyên nhân của những hạn chế như trên là do năng lực chủ đầu tư chưa theo kịp yêu cầu. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động đầu tư cũng như phẩm chất đạo đức nghề nghiệp còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, Thái Bình là một tỉnh nông nghiệp, tỷ lệ tiết kiệm thấp nên khối lượng vốn đầu tư huy động được tương đối hạn chế, tạo áp lực rất lớn đối với NSNN (bao gồm cả ngân sách địa phương và hỗ trợ từ trung ương).

Nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư phát triển từ vốn ngân sách nhà nước

Để hoạt động đầu tư phát triển từ vốn NSNN ở tỉnh Thái Bình đạt hiệu quả, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý đầu tư phát triển từ nguồn NSNN theo hướng đồng bộ và theo kịp với thực tế. Hiện nay, cơ chế quản lý vừa cồng kềnh, vừa chồng chéo, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quy hoạch xây dựng cần phải đi trước một bước, tránh trùng chéo, hiệu quả đầu tư thấp.

Công tác kế hoạch vốn đầu tư cần phải được xây dựng một cách phù hợp, hợp lý, hiệu quả, không bị động, khai thác tối đa các nguồn vốn có thể huy động, đảm bảo đủ vốn để phục vụ các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản kinh tế - xã hội, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, công tác tư vấn cũng cần phải thực hiện một số giải pháp sau: Đơn vị tư vấn phải được tổ chức lại theo hướng chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kinh nghiệp đội ngũ cán bộ tư vấn, giám sát, thẩm định dự án. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tư vấn, đặc biệt là tư vấn xây dựng thiết kế và có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Đối với công tác lập lập dự án của chủ đầu tư, mặc dù lập dự án là nhiệm vụ của các chủ đầu tư, song cơ quan quản lý phải có nhiệm vụ chuẩn hóa hoạt động này phù hợp với điều kiện địa phương; đồng thời, phải có những hướng dẫn chi tiết cụ thể cho các chủ đầu tư để họ nâng cao chất lập lượng dự án; Đối với thẩm định dự án cần phải thay đổi để nâng cao chất lượng thẩm định.

Ba là, tổ chức thực hiện đầu tư phát triển sử dụng vốn NSNN một cách hiệu quả.

- Công tác đấu thầu phải được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn bằng NSNN thông qua đấu thầu trên địa bàn tỉnh Thái Bình cần phải thực hiện các giải pháp sau:

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu với UBND Tỉnh tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tiến tới chuyên nghiệp hoá việc lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu; thực hiện tốt các quy trình đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện phân cấp trong việc lựa chọn nhà thầu.

+ UBND Tỉnh chỉ đạo chấm dứt việc chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu như hiện nay. Cần có quy định một cách công khai, minh bạch đối với việc xử lý các tình huống và kiến nghị trong quá trình đấu thầu; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đấu thầu, đặc biệt là đối với việc chỉ định thầu đối với các gói thầu theo quy định không được phép chỉ định thầu.

- Về quản lý thi công công trình, trước hết cần phải tuân thủ chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Kế tiếp là phải nâng cao chất lượng thẩm định dự án đầu tư, thẩm định đồ án thiết kế, cán bộ thẩm định phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có đạo đức nghề nghiệp. Làm tốt việc giám sát cộng đồng. Từng bước khắc phục tình trạng một cán bộ thực hiện giám sát nhiều công trình.

- Thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định về nghiệm thu giai đoạn, nghiệm thu hạng mục và nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng phải có ý kiến của các bên có liên quan là chủ đầu tư, đơn vị thi công và giám sát công trình. Nếu trong quá trình nghiệm thu phát sinh vấn đề cần phải xử lý thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý chất lượng công trình xây dựng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình, củng cố và kiện toàn bộ máy quản lý; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xây dựng trên địa bàn Tỉnh, tăng cường đội ngũ cán bộ thanh tra xây dựng cả về số lượng và chất lượng; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm nguyên tắc quản lý xây dựng cơ bản, gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư NSNN.

- Về quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình cần thực hiện các nguyên tắc quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình; Thực hiện tốt quy trình kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư từ nguồn NSNN; Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án đầu tư hoàn thành.

Bốn là, kiểm soát việc sử dụng vốn đầu tư phát triển từ NSNN.

Cần tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát tạo sự gắn kết chặt chẽ nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực đầu tư; chú trọng việc phản biện, giám sát của xã hội…

Bên cạnh đó, nâng cao trình độ và quy định rõ trách nhiệm của các thành viên tham gia nghiệm thu, xử lý nghiêm minh những hành vi gian lận, không trung thực, thông đồng nghiệm thu.

Ngoài ra, thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thẩm tra, quyết toán vốn và trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác thẩm tra. Gắn trách nhiệm cá nhân trong công tác quyết toán vốn đi kèm với chế độ khen thưởng, kỷ luật rõ ràng, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Trong trường hợp cần thiết có thể thuê đơn vị kiểm toán độc lập để đảm bảo tính chính xác, khách quan.

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Thống kê tỉnh Thái Bình, Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2019 của tỉnh Thái Bình;

2. Lương Tuấn Đức (2020), Huy động vốn để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn ở tỉnh Bắc Ninh, Luận án Tiến sỹ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;

3. Đặng Thị Hoài (2018), Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nông nghiệp tỉnh Thái Bình, Luận án Tiến s, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội;

4. Hương Khánh, Phương Tú (2021), Tạo đột phá từ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/tao-dot-pha-tu-cai-cach-hanh-chinh-cai-thien-moi-truong-dau-tu-631378;

5. Minh Hương (2020), Triển vọng đầu tư ở Thái Bình, https://baothaibinh.com. vn/tin-tuc/208/114191/trien-vong-dau-tu-o-thai-binh.

(*) NCS. Trần Vân Anh - Trường Đại học Thương mại

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021