Hải quan Việt Nam: Tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 01/2021

2020 là năm cuối cùng Tổng cục Hải quan thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020 theo Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là năm ngành Hải quan tập trung cao độ để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược.

Lễ nhấn nút công bố Hệ thống một cửa quốc gia và Hệ thống Quản lý, giám sát hải quan tự động  tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (ngày 22/9/2020)
Lễ nhấn nút công bố Hệ thống một cửa quốc gia và Hệ thống Quản lý, giám sát hải quan tự động tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (ngày 22/9/2020)

Song song với đó, ngành Hải quan tiến hành thực hiện đánh giá, tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển, trên cơ sở đó, xác định rõ những kết quả đạt được có tính bền vững, tạo sức lan tỏa lớn để tiếp tục duy trì và phát triển trong giai đoạn tới.

Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020

Trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đã chủ động, tích cực triển khai Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước chủ động hội nhập quốc tế; Cải cách thể chế quản lý nhà nước về Hải quan có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan và các quy trình nghiệp vụ hải quan được xây dựng phù hợp với yêu cầu mục tiêu chung của cải cách nền hành chính quốc gia; đã bao quát hoàn toàn các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan, tạo nền tảng pháp lý để đổi mới toàn diện hoạt động hải quan.

Từ năm 2011 đến nay, Hải quan Việt Nam đã nỗ lực cải cách thủ tục và chuẩn hóa công tác quản lý hải quan, đáp ứng yêu cầu hải quan hiện đại, phù hợp với chuẩn mực hải quan quốc tế. Các chế độ quản lý hải quan đã được chuẩn hóa phù hợp với các quy định tại Công ước Kyoto sửa đổi.

Hệ thống thông quan hàng hóa tự động đã góp phần thiết thực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và công tác quản lý nhà nước về hải quan. Đến nay, thủ tục hải quan thực hiện trên hệ thống VNACCS/VCIS tại 100% các cục hải quan tỉnh, thành phố, 100% các chi cục hải quan trên cả nước, với 100% các loại hình hải quan cơ bản, 99% giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu, 99% doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử; cơ sở dữ liệu được xử lý tập trung tại cấp Tổng cục Hải quan, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với luồng xanh chỉ từ 1-3 giây; đối với luồng vàng thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 02 giờ làm việc.

Về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai thực hiện Cổng thông tin một cửa quốc gia, đáp ứng yêu cầu kết nối với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành tham gia vào cơ chế một cửa quốc gia để xử lý các thủ tục hành chính, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cổng thông tin của các nước thành viên ASEAN. Tính đến ngày 15/12/2020, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 207 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai, với hơn 3,5 triệu hồ sơ của hơn 43,7 nghìn doanh nghiệp.

Trong năm 2020, Việt Nam đã trao đổi chính thức thông tin C/O mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippin thông qua Cơ chế một cửa ASEAN. Tính đến ngày 15/12/2020, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 247.858 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: 313.859 C/O. Đồng thời, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) và các đơn vị có liên quan hoàn thành nhiệm vụ triển khai tích hợp 70 dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực hải quan lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo Thông báo số 482/TB-BTC ngày 21/7/2020 của Bộ Tài chính, nâng số dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 72 dịch vụ công trực tuyến.

Hiện đại hóa công tác giám sát hàng hóa cũng được toàn Ngành tích cực triển khai. Cụ thể, ngành Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.

Việc triển khai hệ thống VASSCM, hàng hóa trong khu vực giám sát của Hải quan được giám sát tự động, nhanh chóng, đơn giản hóa, hài hòa thủ tục hải quan với thủ tục của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng thông qua áp dụng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) được thực hiện đơn giản hơn; giảm tiếp xúc giữa hải quan và doanh nghiệp; giảm thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Về thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 198/223 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 88,8% tổng số thủ tục hành chính do Tổng cục Hải quan thực hiện, trong đó có 192 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 86,1%). Cùng với đó, Tổng cục Hải quan đã chủ động hoàn thành triển khai trên Module tích hợp đối với 70 dịch vụ công trực tuyến đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cơ sở dữ liệu Thủ tục hành chính quốc gia.

Về quản lý thuế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được sửa đổi, bổ sung, thay thế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tổng cục Hải quan đã thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế quan, sử dụng hàng rào kỹ thuật, áp dụng đầy đủ Hiệp định trị giá GATT 1994, Công ước Quốc tế về hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa, nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế... tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan hải quan phối hợp với các ngân hàng thương mại để thực hiện thu nộp thuế thông qua Cổng thông tin điện tử Hải quan.

Với những nỗ lực trên, trong giai đoạn 2011-2019, Tổng cục Hải quan đã thu nộp ngân sách nhà nước 2.383.748,68 tỷ đồng. Từ năm 2014-2019 liên tục thu đạt và vượt số thu theo dự toán.

Năm 2020, mặc dù trong bối cảnh với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra nhưng ngành Hải quan đã nỗ lực vượt khó và đạt được kết quả thu NSNN đáng khích lệ. Tính đến ngày 21/12, số thu toàn ngành Hải quan đạt 304.336 tỷ đồng. Ước thu cả năm 2020 đạt 315.000 tỷ đồng, bằng 93,2% dự toán và bằng 105% con số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

Cùng với đó, công tác quản lý nợ ngày càng được chú trọng và đạt được nhiều kết quả khả quan, hạn chế nợ thuế (tỷ trọng nợ đọng thuế so với số thu hàng năm trong giai đoạn 2011-2020 đều không vượt quá 3%), góp phần huy động đầy đủ và kịp thời số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước, đàm bảo công bằng trong kinh doanh…

Trong thực hiện thanh toán thuế điện tử, đến nay, ngành Hải quan đã ký thỏa thuận hợp tác và thực hiện phối hợp thu với 39 ngân hàng thương mại, trong đó có 25 ngân hàng đã thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7. Đến nay, số thu qua ngân hàng thương mại đạt 97% tổng số thu ngân sách trong đó thực hiện qua phương thức điện tử 24/7 đạt 5,34% tổng số thu ngân sách nhà nước.

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, lực lượng hải quan đã tăng cường quản lý các địa bàn trọng điểm, xác lập nhiều chuyên án, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ, giải quyết dứt điểm nhiều hiện tượng nổi cộm.

Từ năm 2011-2020, toàn Ngành phát hiện bắt giữ 180.872 vụ, trị giá hàng vi phạm ước tính khoảng 11.617.851 triệu đồng; ra 175.190 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, thu ngân sách nhà nước đạt 2.765.753 triệu đồng; Cơ quan hải quan đã ra Quyết định khởi tố 358 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác 889 vụ kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền.

Định hướng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030

Xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn 2021-2030, Tổng cục Hải quan đặt ra một số mục tiêu cụ thể sau:

Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, ổn định, cụ thể, khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, phù hợp các chuẩn mực quốc tế, đồng thời bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Hai là, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, áp dụng đồng bộ phương pháp quản lý hải quan hiện đại tại các khâu trước, trong và sau thông quan.

Ba là, cơ quan hải quan tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đồng thời là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Hải quan Việt Nam: Tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu - Ảnh 1

Bốn là, tiếp tục xây dựng, đổi mới tổ chức bộ máy hải quan phù hợp với yêu cầu hiện đại, cơ cấu gọn nhẹ, tập trung, giảm đầu mối trung gian, đáp ứng được  nhu cầu quản lý của từng địa bàn và yêu cầu tinh giản, sử dụng biên chế hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong việc quản lý cán bộ công chức đồng bộ với tiến trình xây dựng cơ quan hải quan điện tử, hướng đến cơ quan hải quan số.

Năm là, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt. Phát triển nguồn nhân lực tinh nhuệ, có trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, hoạt động liêm chính, được tổ chức, quản lý một cách khoa học, gắn nhu cầu thực tiễn của vị trí công tác với năng lực từng cá nhân.

Sáu là, hoàn thành xây dựng Hải quan điện tử thông minh, đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Hải quan số đảm bảo thống nhất với kiến trúc Chính phủ số trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong quản lý nhà nước về hải quan.

Bảy là, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia kết nối đầy đủ và chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan trong hoạt động quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; Triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế kết nối thông tin với một số đối tác thương mại ngoài ASEAN để trao đổi đầy đủ về phạm vi, số lượng các chứng từ điện tử phục vụ cho tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới.