Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:

Hoàn thành Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 (*)


Năm 2020 là năm hoàn thành Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 để bước vào một giai đoạn phát triển mới cao hơn.

Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các đơn vị có liên quan bấm nút khai trương Hệ thống một cửa quốc gia và Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài ngày 29/9/2020. Ảnh: Ngọc Linh
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các đơn vị có liên quan bấm nút khai trương Hệ thống một cửa quốc gia và Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài ngày 29/9/2020. Ảnh: Ngọc Linh

Qua 10 năm thực hiện, về tổng thể, toàn Ngành đã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược, trong đó có nhiều nội dung về đích sớm. Một số thành tựu nổi bật, mang tính đột phá như:

Thứ nhất, cải cách hiện đại hóa hải quan đã đáp ứng các yêu cầu của quản lý hải quan hiện đại, tạo nền tảng cho Hải quan Việt Nam hoàn thành suất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, theo kịp sự phát triển của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.

Thứ hai, Hệ thống thể chế quản lý nhà nước về Hải quan đã tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế, hoàn thành các mục tiêu cải cách phát triển hiện đại hóa Hải quan.

Thứ ba, thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức thủ công sang phương thức điện tử. Thủ tục hải quan ngày càng đơn giản, hài hòa, theo chuẩn mực của Hải quan thế giới, tạo cơ sở quan trọng để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong quản lý nhà nước về Hải quan.

Thứ tư, tăng cường áp dụng các phương thức quản lý hải quan hiện đại, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương quốc tế, trong đó, quản lý rủi ro đã được áp dụng toàn diện trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan, công tác kiểm tra sau thông quan đã được triển khai mạnh mẽ, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin đã có bước tiến nhảy vọt, ngành Hải quan đã xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin, cốt lõi là hệ thống thông quan điện tử tự động VNASSC/VCIS và các hệ thống e-Manifest (trao đổi thông tin trước khi hàng đến), e-Payments (thanh toán thuế điện tử), e-C/O, e-Permits (thực hiện qua NSW và ASW), VASSCM (giám sát tự động). Các hệ thống công nghệ thông tin đã cơ bản bao phủ toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ của ngành Hải quan.

Thứ sáu, đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan bằng hệ thống camera, seal định vị, máy soi container, hệ thống tàu, thuyền công suất lớn, hiện đại...

Đặc biệt, việc triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã làm thay đổi căn bản phương thức giám sát từ thủ công sang điện tử, tăng cường vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.

Đến năm 2019, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới đối với hàng xuất khẩu chỉ còn 105 giờ, giảm 35 giờ so với năm 2015 và Việt Nam đứng vào nhóm 5 quốc gia hàng đầu ASEAN về thời gian thông quan hàng hóa.

(*) Trích lược theo bài "Quyết tâm xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại ngang tầm các nước phát triển trên thế giới" - Thái Bình/haiquanonline.vn. Tựa đề do Tapchitaichinh.vn đặt.