Kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững

PV.

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) ngày 25/10/2021, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng, tiếp thu giải trình nhanh chóng, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận. Nguồn: internet
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận. Nguồn: internet

Thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm như các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đồng thời, góp phần kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Các đại biểu đánh giá, hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, các tiếp thu giải trình đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị nhanh chóng với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về các nội dung cụ thể tại dự thảo Luật, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định) đề nghị xem xét kỹ lưỡng về điều khoản quy định các doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp thông tin bên mua bảo hiểm và các thông tin khác có liên quan để xây dựng hệ thống dữ liệu. Nội dung về bảo hiểm vi mô cũng cần rà soát kỹ với các văn bản pháp luật liên quan.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ) cho rằng, bảo hiểm vi mô là hình thức bảo hiểm rất khác so với thông thường, đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế. Mục tiêu là đảm bảo tài chính toàn diện cho các đối tượng trong xã hội có thể tham gia. Đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn về loại hình bảo hiểm này.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ninh) cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu, phân loại, phân nhóm bảo hiểm rõ ràng hơn. Theo ông, lĩnh vực bảo hiểm là nguồn lực rất tốt cho việc tái đầu tư nên cần có những quy định làm sao thu hút đông đảo người dân tham gia bảo hiểm.

Trao đổi về quy định với bảo hiểm vi mô, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bảo hiểm vi mô là hình thức bảo hiểm mang tính đặc thù, lượng người đông, chủ yếu là người yếu thế, người nghèo, hợp đồng bảo hiểm không quá 5 lần thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo Bộ trưởng, Quốc hội cần giao Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn về nội dung này.

Đối với quy định về doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện quy định tại dự thảo Luật rõ hơn. Loại hình kinh doanh bảo hiểm là kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp phải đủ lớn, vốn lớn và chuyên nghiệp, có điều kiện, tính toán được các rủi ro, dự phòng. Do đó, quy định hiện nay là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải có vốn tối thiểu 300 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải có vốn pháp định phải là 600 tỷ đồng...

Các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về các nội dung khác tại Dự thảo Luật như: bố cục của Dự thảo Luật; quy định chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm; trách nhiệm cung cấp thông tin bên mua bảo hiểm; thời gian có hiệu lực của Luật; quy định về bồi hoàn bảo hiểm; biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường...