Nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính công

PV.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác cải cách tài chính công được Bộ Tài chính triển khai tích cực, đồng bộ và ghi nhận được nhiều kết quả đáng khích lệ. Việc phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính công tiếp tục được hoàn thiện nhằm đảm bảo thực hiện phân bổ các nguồn lực tài chính nhà nước theo hướng minh bạch, ưu tiên cho những nhiệm vụ quan trọng của đất nước.

Thông tin về kết quả phân bổ, sử dụng nguồn lực công, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện 6 tháng chi ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 28,6% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,1% dự toán, chi thường xuyên đạt 45,8% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 518,1 nghìn tỷ đồng, bên cạnh đó, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,...) tăng thêm khoảng 42,7 nghìn tỷ đồng so kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm chậm. Mặc dù số vốn giải ngân tăng 12,3% so cùng kỳ, nhưng tỷ lệ mới đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 29,02%), trong đó giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 8,61% kế hoạch. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đạt 97,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không kể số kế hoạch vốn các địa phương giao tăng thêm, thì đạt 89,22%).

Thực hiện phân bổ các nguồn lực tài chính nhà nước theo hướng minh bạch. 
Thực hiện phân bổ các nguồn lực tài chính nhà nước theo hướng minh bạch. 

Liên quan đến vấn đề đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 05-TTr/BCSĐ ngày 04/11/2021 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, Tờ trình số 171/TTr-BTC ngày 28/02/2022 và Tờ trình số 256/TTr-BTC ngày 22/3/2022 của Bộ Tài chính trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Thường trực Chính phủ về Đề án “Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan”. Theo đó, tập trung xác định mục tiêu tổng quát là đổi mới cơ chế phân cấp và phân bổ ngân sách theo hướng phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa nhà nước và thị trường, giữa NSNN và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, giữa NSNN và nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, chính sách động viên nguồn lực tài chính công theo hướng bền vững sẽ tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện. Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là pháp luật về đất đai, định giá, xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng, khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, tài nguyên, khoáng sản…, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa quy định của pháp luật về đất đai với quy định pháp luật khác. Rà soát, hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, chống thất thoát, gian lận thuế; tăng cường hiệu quả công tác chống chuyển giá.    

Trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý tài chính công nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính công. Theo đó, thực hiện tăng tỷ trọng tiết kiệm tích lũy trong tài chính quốc gia, tài chính công và NSNN để tăng đầu tư xã hội, đầu tư từ tài chính công và NSNN. Thực hiện bội chi NSNN cho đầu tư phát triển và giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN so GDP, đảm bảo an toàn nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia.     

Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phân cấp quản lý NSNN, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi nhằm mục tiêu đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Nghiên cứu đổi mới phương thức phân cấp nguồn thu giữa trung ương và địa phương đối với các sắc thuế chủ yếu, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp điều kiện thực tế và yêu cầu phát triển của Việt Nam.

Thực hiện theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ, Bộ Tài chính quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN, hướng tới hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022.