Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:

Ngành Thuế đã thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thu thuế phải thu được lòng dân”

Theo Thúy Nga/thuenhanuoc.vn

Đi cùng với chiều dài lịch sử của đất nước, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành Thuế vẫn luôn giữ vai trò là huyết mạch của nền tài chính quốc gia, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước. Nhân dịp Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống ngành Thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Phóng viên: Trải qua 76 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thuế đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào, đóng góp không nhỏ vào sự thành công chung của ngành tài chính nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Bộ trưởng có thể khái quát những thành tích nổi bật của ngành Thuế, đặc biệt là trong những năm gần đây?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước, trong suốt 76 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, ngành Thuế đã vững vàng đi lên, chứng tỏ vai trò huyết mạch của nền tài chính quốc gia, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Trong thời kỳ cách mạng, sự cần mẫn, chắt chiu của những cán bộ thuế đã tạo ra nguồn lực vừa góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời vừa là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến ở miền Nam.  

Bước vào thời kỳ đổi mới, trong công cuộc tái thiết đất nước và hội nhập quốc tế, ngành Thuế lại một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của mình. Dấu ấn lớn nhất của ngành Thuế chính là đã xây dựng được một hệ thống pháp luật về thuế đảm bảo sự minh bạch, công bằng. Sự ra đời của Luật Quản lý thuế đã đánh dấu sự đổi mới toàn diện của ngành Thuế Việt Nam theo hướng hiện đại, minh bạch, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế. Đây cũng là văn bản pháp lý quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thuế một cách toàn diện và thống nhất.

Mặt khác, coi trọng công tác quản lý, ngành Thuế luôn gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, quy trình nghiệp vụ, từ đăng ký kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, xác thực của cơ quan thuế trên hoá đơn, vừa giải quyết bài toán năng suất lao động, vừa thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW; giảm tiếp xúc trực tiếp với người nộp thuế. Trong khí thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ngành Thuế đã không ngừng nỗ lực đổi mới tư duy, sáng tạo, năng động, liên tục cập nhật các xu thế để tìm ra giải pháp quản lý thuế mới, góp phần chống thất thu ngân sách. 

Năm 2017 lần đầu tiên ngành Thuế đạt mức thu kỷ lục, vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng. Một năm sau, năm 2018 lần đầu tiên chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 81 bậc, vươn lên top ASEAN 4. Đến năm 2019, tất cả các cục thuế trên cả nước hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN). Năm 2020, Tổng cục Thuế là một trong những ngành đầu tiên hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy trước thời hạn.

Đặc biệt, trong bối cảnh các cam kết giảm thuế từ các hiệp định có hiệu lực, ngành Thuế đã chủ động tìm các giải pháp để cơ cấu lại nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh, tăng tỷ trọng thu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào tài nguyên khoáng sản. Sự bền vững của nguồn thu nội địa đã giúp bù đắp cho giảm thu từ xuất nhập khẩu và dầu thô.

Kết quả thu NSNN do cơ quan thuế quản lý hàng năm (không bao gồm thu từ thoái vốn) trong 5 năm gần nhất giai đoạn 2016-2020 đạt 5.658.112 tỷ đồng, vượt 7,1% dự toán; tăng trưởng số thu bình quân đạt 9,7%/năm, tăng gấp 1,7 lần so với giai đoạn 2011-2015. Thu nội địa hàng năm đều hoàn thành vượt mức dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ. Tỷ trọng thu nội địa ngày càng tăng trong tổng thu NSNN; tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 đạt 25,2% GDP (mục tiêu 23,5%GDP), trong đó huy động từ thuế, phí xấp xỉ đạt mục tiêu đề ra là 21% GDP.

Những kết quả đó đã đóng góp quan trọng vào thành công chung của toàn ngành Tài chính trong công tác điều hành tài chính - ngân sách; cân đối thu, chi ngân sách quốc gia, đảm bảo nguồn lực cho các nhu cầu chi tiêu công, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế xã hội.

Từ sự chủ động luôn làm hết vai trò sứ mệnh của mình, ngành Thuế đã góp phần quan trọng cho sự ổn định của nền kinh tế. Và điều này đã được thể hiện rất rõ trong tuyên ngôn của ngành: “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”. Đó cũng chính là lời cam kết và sự khẳng định của ngành Thuế trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân. Và tôi có thể khẳng định rằng, bằng tất cả sự tâm huyết, trách nhiệm và trí lực của mình, ngành Thuế hoàn toàn tự hào về những gì đã đạt được trong suốt thời gian qua.

Phóng viên: Từ thuần tuý thực hiện nhiệm vụ thu, ngành Thuế đã chuyển sang là một cơ quan cung cấp dịch vụ, trở thành “đối tác” tin cậy của người nộp thuế. Khi dịch COVID-19 tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, thì vai trò đó lại được thể hiện rõ hơn. Xin Bộ trưởng cho một vài đánh giá, nhận xét về điều này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chúng ta đã có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, trong đó quy định đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế, cùng các chính sách động viên thuế, phí hợp lý. Bên cạnh đó, với quyết tâm đổi mới, thời gian qua, ngành Thuế đã thực hiện theo phương thức cho phép người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp, nói cách khác được toàn quyền chủ động trong kê khai tính thuế, nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi quy trình nghiệp vụ, đã giúp người nộp thuế dù ở bất cứ đâu, vào thời gian nào cũng dễ dàng thực hiện các giao dịch để thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Và sự đồng tình, ủng hộ của người nộp thuế bằng việc đã chấp hành nghiêm túc các chính sách thuế chính là câu trả lời ý nghĩa nhất cho những nỗ lực của ngành Thuế. 

Hiện nay, dịch COVID-19 đã và đang có tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Dư địa nguồn lực của cả khu vực nhà nước, DN và người dân để hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng bị suy giảm, các DN nhỏ và vừa cực kỳ khó khăn, lao động mất việc làm, thu hút đầu tư giảm, làm thu ngân sách khó khăn. Mặt khác, tác động của COVID -19 lần thứ 4 này cũng có thể khiến cho số nợ thuế 2021 có xu hướng tăng do sản xuất kinh doanh thua lỗ, DN và người dân không có khả năng nộp thuế kịp thời. Do đó, cần phải có sự chung tay góp sức của cộng đồng, giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống, chống dịch hiệu quả, phục hồi sản xuất. 

Trước thực tế này, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế, ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục Thuế đã chủ động, kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành các chính sách về thuế, tiền thuê đất.

Ngay khi các chính sách hỗ trợ về thuế được ban hành, Tổng cục Thuế đã nhanh chóng chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền tới người nộp thuế và nâng cấp hệ thống tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế được thụ hưởng các chính sách. Tính chung từ năm 2020 đến 31/7/2021, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí khoảng 189,6 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 155,1 nghìn tỷ đồng.

Tiếp tục các giải pháp hỗ trợ DN và người dân tháo gỡ khó khăn, Chính phủ vừa đồng ý với các đề xuất của Bộ Tài chính về các chính sách giảm thuế trong thời gian tới để hỗ trợ, tháo gỡ cho DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ở tất cả mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn. Trong đó, gói hỗ trợ thuế, phí mới này gồm giảm 30% thuế TNDN (doanh thu năm không quá 200 tỷ đồng), giảm 50% thuế quý III và quý IV/2021 cho tất cả hộ, cá nhân kinh doanh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% thuế GTGT với DN thuộc một số nhóm dịch vụ và miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với DN lỗ liên tục trong ba năm từ 2018 đến 2020... Số tiền thuế, tiền thuê đất, tiền chậm nộp được hỗ trợ có gây áp lực lên cân đối NSNN, nhưng sẽ có tác động lớn, góp phần giúp DN và người dân tháo khó khăn. Các đề xuất của Bộ Tài chính về một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao.

Với những nỗ lực này, tôi đánh giá cao sự vào cuộc chủ động, kịp thời của toàn ngành Thuế, trong việc sẻ chia, trách nhiệm và đồng hành với cộng đồng DN và người dân trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Điều đó cho thấy, ngành Thuế đang thực hiện tốt theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thu thuế phải thu được lòng dân”.

Phóng viên: Trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào nhiệm vụ vừa phải đảm bảo nguồn thu để tăng chi, nhưng đồng thời vẫn phải có các chính sách động viên, nuôi dưỡng nguồn thu hợp lý đã tạo áp lực rất lớn với công tác thuế. Bộ trưởng có chỉ đạo gì để ngành Thuế hoàn thành các nhiệm vụ này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Sau thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cùng với cả nước, ngành tài chính đã khẩn trương bắt tay ngay vào việc triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về tài chính-NSNN đặt ra trong 5 năm, 10 năm tới theo Nghị quyết của Đảng, làm cơ sở để tập trung lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện, sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Nghị quyết số 23/2021/QH15 về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025 vừa được Quốc hội khoá XV ban hành đặt ra mục tiêu tổng thu NSNN giai đoạn này khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13-14% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85-86% tổng thu NSNN.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, bên cạnh những yếu kém nội tại của nền kinh tế vẫn chậm được khắc phục, thì đại dịch COVID-19 đang tác động rất lớn tới công tác thu NSNN. Các cân đối tài chính vĩ mô, cân đối NSNN tuy đã có nhiều cải thiện, nhưng chưa thực sự bền vững và đang chịu thách thức lớn. Trong thu NSNN, các khoản thu thoái vốn, cổ phần hoá DN và thu từ đất đai có tính chất “một lần” còn cao, thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn, khả năng phát triển nguồn thu ngày càng hạn chế, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương có xu hướng giảm. Trong khi đó, chi NSNN còn dàn trải, manh mún...

Giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn 5 năm đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển đất nước từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với ý nghĩa quan trọng đó, công tác quản lý, điều hành thu NSNN cần rất tích cực, quyết liệt, chủ động, nhưng cũng phải đảm bảo khả thi, nuôi dưỡng phát triển nguồn thu, quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN đã đề ra.

Vì vậy, để có thể hoàn thành được nhiệm vụ chính trị về thu NSNN, toàn ngành Thuế phải tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, trong đó tập trung vào hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế; trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng ban hành Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030.

Thứ hai, xây dựng hệ thống thu ngân sách theo hướng mở rộng cơ sở thu, áp dụng mức thuế suất hợp lý và rà soát, thu hẹp các ưu đãi thuế... nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả để tăng nguồn thu ngân sách. Có biện pháp chống chuyển giá, trốn thuế, tăng cường các biện pháp áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong công tác thu ngân sách. Phát hành hóa đơn điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử để áp dụng. Thực hiện quyết liệt thu thuế trên nền tảng số như sàn thương mại điện tử…

Thứ ba, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách. Kịp thời đề xuất các phương án chỉ đạo, điều hành thu phù hợp, hiệu quả.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế; giảm chi phí, thời gian của người dân và DN trong việc thực hiện thủ tục thuế...  

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, trong đó cần đẩy mạnh dựa trên phân tích dữ liệu đánh giá rủi ro, song song với việc dựa vào các thông tin khác, cũng như tăng cường năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, bố trí cán bộ thanh tra một cách chuyên nghiệp…

Trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Thuế hết sức nặng nề, song tôi tin rằng, với truyền thống đoàn kết, sự chung sức đồng lòng, sáng tạo của hơn 4 vạn cán bộ công chức, viên chức và người lao động, Tổng cục Thuế sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao, góp phần cùng toàn ngành tài chính và cả nước hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chặng đường 76 năm đầy vẻ vang và tự hào của ngành Thuế có sự đóng góp của biết bao lớp thế hệ cán bộ kiên cường, bền bỉ cống hiến không ngừng nghỉ cho sự phát triển của ngành Thuế Việt Nam hôm nay. Đó cũng chính là động lực lớn giúp thuế nhà nước tiếp tục vững vàng vươn lên tầm cao mới, với một khát vọng mới. 

Nhân dịp này, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, tôi trân trọng gửi tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thuế qua các thời kỳ những tình cảm và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!