Thúc đẩy phát triển tài chính số trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 02/2021

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến nền kinh tế và cuộc sống của người dân trên toàn thế giới, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC trực tuyến năm 2020 (25/9/2020), các Bộ trưởng Tài chính APEC đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh vai trò của dịch vụ tài chính và khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy tài chính số để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh bình thường mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Công nghệ kỹ thuật số đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới, tạo ra nhiều cơ hội để tăng cường khả năng phục hồi, cũng như cải thiện năng lực thực hiện chính sách, bao gồm cả quản lý rủi ro bởi đại dịch Covid-19 và thảm họa thiên tai.

Đại dịch Covid-19 là một trong những minh chứng sinh động về sự cần thiết phải thúc đẩy tài chính số. Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh sự thâm nhập của công nghệ, kỹ thuật số (KTS) và thúc đẩy đổi mới công nghệ, sáng tạo để tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro, thiên tai và đại dịch trong tương lai.

Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong những năm gần đây đã nhận ra sự cần thiết phải tăng cường khả năng phục hồi tài chính đối với thảm họa rủi ro. Năm 2015, Kế hoạch hành động Cebu được phê duyệt bởi các Bộ trưởng Tài chính APEC.

Kế hoạch này để cập nhật các vấn đề cụ thể liên quan đến nỗ lực tăng cường khả năng phục hồi tài chính trước những cú sốc kinh tế. Các khuyến nghị của APEC nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của đổi mới công nghệ, cũng như việc mở rộng áp dụng các cơ chế bảo vệ tài chính mới.

Theo đó, APEC tiếp tục tập trung đặc biệt vào sự phát triển trong việc tiếp cận dữ liệu thông qua công nghệ quan sát trái đất, hình ảnh ở cấp độ đường phố, các thiết bị được kết nối và thông tin địa lý; Cải thiện năng lực xử lý và phân tích dữ liệu này thông qua nền tảng điện toán đám mây và kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn như trí tuệ nhân tạo; Tăng cường khả năng truyền thông tin và quản lý rủi ro...

APEC với nỗ lực thúc đẩy tài chính số

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC trực tuyến năm 2020 do Malaysia chủ trì, các Bộ trưởng Tài chính APEC đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng các cơ hội để thúc đẩy tài chính toàn diện, trọng tâm là tài chính kỹ thuật số.

Trên cơ sở đó, chương trình hỗ trợ của các Chính phủ và các sáng kiến trong hợp tác đa phương đều tập trung tái phục hồi hoạt động kinh tế và dân sinh. Khi các doanh nghiệp (DN) vừa, nhỏ và siêu nhỏ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về khả năng thanh khoản, các nền kinh tế thành viên APEC đã kịp thời triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính của Chính phủ; hợp lý hóa khả năng mất khả năng thanh toán của từng cá nhân, DN.

Tuy nhiên, để có thể đạt độ bao phủ và tăng khả năng tiếp cận tài chính của người dân và DN, nhất là khu vực nông thôn, vùng hẻo lánh, đòi hỏi các nền kinh tế thành viên cần xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở các khu vực kém phát triển và áp dụng kỹ thuật số nhận diện. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý tài chính, ngân hàng, nhà cung cấp công nghệ cân nhắc triển khai một số dự án thí điểm để phát triển các sản phẩm tài chính.

Các cơ quan quản lý tài chính, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính và các bên liên quan khác cũng có thể xem xét triển khai sáng kiến thí điểm về tài chính toàn diện kỹ thuật số xuyên biên giới trong khu vực.

Hiện nay, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang nghiên cứu xây dựng chiến lược thúc đẩy quá trình số hóa. Sáng kiến này dự kiến được đệ trình các Bộ trưởng Tài chính APEC xem xét vào năm 2021.

Theo lộ trình, các nhà hoạch định và quản lý chính sách châu Á-Thái Bình Dương có thể bắt đầu bằng việc tham vấn các bên liên quan trong khu vực tư nhân và các bên liên quan. Thảo luận sâu hơn các quy tắc, sáng kiến về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng mở trong khu vực.

Điều này khiến ESG trở thành một công cụ hiệu quả góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi của khu vực, sang các hoạt động bền vững hơn. Trên cơ sở định hướng phân loại tiêu chuẩn ESG, các cơ quan quản lý ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ lương hưu và kế toán hướng tới thực thi các tiêu chuẩn toàn cầu dựa trên các khuôn khổ, nguyên tắc và thực tiễn tốt nhất.

Cùng với đó, các Bộ trưởng Tài chính APEC xem xét cho phép thiết lập một nền tảng ứng dụng như Mạng lưới Phát triển Tài chính Bền vững cho xây dựng lộ trình phát triển tài chính bền vững. Lộ trình này cần đưa ra một chiến lược dài hạn, thúc đẩy sự nhất quán trong các phương pháp tiếp cận tài chính gắn với ESG của các nền kinh tế thành viên và tăng cường tiếng nói của khu vực APEC trong việc phát triển các tiêu chuẩn và khuôn khổ toàn cầu...

Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình tái phục hồi dịch vụ tài chính, APEC đã thông qua lộ trình tài chính bao trùm, trong đó tập trung vào các hành động cụ thể sau:

Thứ nhất, thu thập và giám sát cơ sở dữ liệu: Việc thu thập và giám sát dữ liệu đảm bảo xác định được các cơ hội thúc đẩy tài chính số và đánh giá các rủi ro liên quan, cũng như đưa ra các chẩn đoán để cung cấp thông tin cho việc thiết kế và thực hiện các biện pháp. Dữ liệu thu thập được nhìn nhận ở cả 2 góc độ cung và cầu của tài chính toàn diện, cũng như các rủi ro hiện có trong thị trường dịch vụ tài chính số. Đồng thời, thúc đẩy cách tiếp cận KTS cho tài chính toàn diện thông qua thiết lập cơ chế điều phối, sự điều hành của khu vực công và sự hợp tác với khu vực tư nhân.

Các chiến lược quốc gia nhằm thúc đẩy tài chính số bao trùm cần nhận thức được tầm quan trọng của tài chính số bao trùm và xác định được ý nghĩa phạm vi của nó ở cấp độ quốc gia; xác định cơ quan điều phối và các nguồn lực cần thiết; cung cấp các nền tảng cho sự tham gia của các đối tượng liên quan.

Thứ hai, đề ra các mục tiêu của chính sách tài chính số bao trùm: Các mục tiêu này cần xác định dựa trên những bằng chứng thực tế thu thập được. Trong số các mục tiêu tổng quát cần xem xét đến việc đảm bảo sự nhận thức của khu vực công với tài chính số, cũng như khuyến khích các chính sách nhằm thu thập dữ liệu phù hợp và kịp thời. Bên cạnh đó, cần xem xét các mục tiêu bổ sung như sự liên hệ với các mục tiêu chính sách khác, tính thực tế, bền vững.

Thứ ba, thiết lập môi trường pháp lý và đổi mới các dịch vụ tài chính số: Các yếu tố chính được xem xét bao gồm: Tạo điều kiện cho nhận dạng kỹ thuật số, đảm bảo tính trung lập về công nghệ và tính tương xứng trong các định hướng nền tảng cho khuôn khổ pháp lý; đảm bảo khả năng đáp ứng và giám sát; sử dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và các cơ chế khác để tạo điều kiện đổi mới.

Thứ tư, đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng vật lý và công nghệ. Nhiều khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, hầu hết các nền kinh tế APEC có đủ năng lực cơ sở hạ tầng và mức độ phát triển tổng thể của lĩnh vực tài chính cho phép dịch vụ tài chính số tăng trưởng.

Thứ năm, tập trung bảo vệ người tiêu dùng tài chính trong kỷ nguyên số. Theo đó, việc xây dựng một khuôn khổ bảo vệ người tiêu dùng tài chính toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường kỹ thuật số. Đồng thời, đảm bảo sử dụng an toàn và hiệu quả dựa trên tăng cường hiểu biết về tài chính và tăng cường phúc lợi cho người dân và DN, cũng như hướng tới nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng tài chính, nhất là tài chính số để tăng cường hiệu quả của nguồn lực tài chính cho xã hội.

Thứ sáu, các nền kinh tế APEC có thể xem xét các hành động để thúc đẩy tài chính số bao trùm cho các nhóm mục tiêu cụ thể, hoặc hỗ trợ các cá nhân và DN. Các lĩnh vực chính sách liên quan đến tài chính số bao trùm có thể kể đến như: Thanh toán, tiết kiệm, tín dụng, tài sản tiền điện tử.

Ở góc độ quản lý của Chính phủ, các nền kinh tế APEC cần đánh giá về hiệu quả của các chính sách tài chính số bao trùm thông qua giá trị mang lại, cũng như cách thức tác động, đánh giá hiệu quả theo các mục tiêu đã đề ra thông qua các công cụ định tính và định lượng như: Đo lường mức độ bao trùm tài chính, mức độ hiểu biết về tài chính, xác định các chỉ tiêu hiệu quả, thúc đẩy các mối liên kết công tư, liên kết quốc tế.

Hàm ý đối với Việt Nam trong phát triển tài chính số

Đối với Việt Nam, phát triển tài chính toàn diện bao gồm đẩy mạnh phát triển tài chính số là một trong các ưu tiên trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ. Cụ thể như sau:

Thúc đẩy phát triển tài chính số trong bối cảnh đại dịch Covid-19 - Ảnh 1

Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể như: (1) Tạo sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế; (2) Làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán; (3) Đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh quyết toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; (4) Tạo lập cơ chế hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; (5) Thúc đẩy việc sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán giữa cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ; (6) Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế.

Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công (gồm: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội) với mục tiêu đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 cũng yêu cầu: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; Cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; Tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình; Đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó đặt nhiều kỳ vọng trong phát triển tài chính số ở Việt Nam. Chính phủ đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế.

Phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; Tiến tới mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030; Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20%-25% hàng năm; Ít nhất 70% người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Để có thể đạt độ bao phủ và tăng khả năng tiếp cận tài chính của người dân và doanh nghiệp, nhất là khu vực nông thôn, vùng hẻo lánh, đòi hỏi các nền kinh tế thành viên cần xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở các khu vực kém phát triển và áp dụng kỹ thuật số nhận diện.

Qua quá trình triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng và tài chính kỹ thuật số nói chung cơ bản được kiện toàn; Cơ sở hạ tầng và công nghệ tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; Hoạt động quản lý, giám sát cũng được tăng cường đảm bảo sự hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả.

Để tiếp tục đạt được các mục tiêu đề ra trong phát triển tài chính số, hướng tới thực hiện thành công các chiến lược phát triển tài chính toàn diện, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho đảm bảo cho sự phát triển tài chính kỹ thuật số, phù hợp với thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng sản phẩm tài chính kỹ thuật số; Tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng của ngành Ngân hàng với các bộ, ngành, lĩnh vực để mở rộng hệ sinh thái số; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong các hoạt động tài chính-ngân hàng; Nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại, phát triển thanh toán bán lẻ.

Thứ ba, đẩy mạnh tài chính kỹ thuật số trong lĩnh vực công, hành chính công. Tiếp tục thúc đẩy thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với các dịch vụ giáo dục, y tế, điện, nước, môi trường…; Nghiên cứu các giải pháp về mô hình kết nối phù hợp, hiệu quả giữa các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục cho người dân trong tiếp cận dịch và sử dụng dịch vụ tài chính, nâng cao kỹ năng về quản lý tài chính cũng như ứng dụng công nghệ trong thực hiện các giao dịch tài chính. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, thích ứng với đổi mới sáng tạo, có khả năng khai thác, tận dụng các mô hình kinh doanh sáng tạo, công nghệ mới.

Thứ năm, nghiên cứu, triển khai, phát triển các mô hình, phương tiện thanh toán mới, hiện đại, dễ sử dụng, phù hợp cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc triển khai Chiến lược Quốc gia về Tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ, rủi ro phát sinh.               

Tài liệu tham khảo:

 Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC;

Tài liệu Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC của ADB và OECD;

Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020;

Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020;

Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.