Ngành Tài chính bứt phá về đích

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Với sự nỗ lực của toàn ngành cùng những quyết sách mang tính đột phá từ các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, ngành Tài chính đã hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2013, đồng thời tiếp tục hoàn thiện bộ máy và các công cụ quản lý tài chính theo hướng hiệu quả hơn.

Ngành Tài chính bứt phá về đích
Ngành Tài chính tiếp tục hoàn thiện bộ máy và các công cụ quản lý tài chính theo hướng hiệu quả hơn. Nguồn: internet
Còn nhớ, trong 9 tháng đầu của năm 2013, thu ngân sách mới đạt 66% dự toán, trong khi con số trung bình của các năm trước đạt khoảng 75%. Nhiều người đã cho rằng năm 2013 sẽ hụt thu ngân sách. Tuy nhiên, đến những ngày cuối cùng của năm, toàn ngành Tài chính đã nỗ lực hoàn thành dự toán thu. Tính đến hết ngày 31/12/2013, kết quả thu ngân sách đạt 100,4% dự toán.

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, ngành Tài chính vừa phải tăng cường các biện pháp tăng thu, vừa phải triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, việc hoàn thành dự toán thu ngân sách là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Thu ngân sách hoàn thành dự toán một phần lớn nhờ các chính sách mang tính đột phá thông qua các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, sau khi rà soát lại các khoản thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã đề xuất Quốc hội và Chính phủ đưa một số khoản thu của nhà nước ngoài ngân sách vào ngân sách nhà nước.

Cụ thể như tiến hành thu cổ tức được chia năm 2013 của các doanh nghiệp, các công ty cổ phần có vốn góp nhà nước mà các bộ, ngành, địa phương làm chủ sở hữu; thu lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sau khi thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và sau khi phân chia các quỹ của doanh nghiệp; thu 75% tiền lãi dầu khí nước chủ nhà được chia của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

Ngoài ra, sự phối hợp triệt để, thông suốt giữa Bộ Tài chính và các địa phương chính cũng đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện nhiệm vụ tài chính năm vừa qua. Từ sự phối hợp chặt chẽ, các địa phương đều chủ động đưa ra các biện pháp đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước.

63/63 địa phương đều có chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của tỉnh ủy, thành ủy, UBND tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách nhà nước cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương đối với ngân sách quốc gia. Năm 2014, sự phối hợp này cần phải được tiếp tục phát huy nhằm tăng thu và chi tiêu tiết kiệm, hoàn thành các nhiệm vụ tài chính được giao.

Trong công tác chống chuyển giá, Ngành cũng đã từng bước hoàn thiện các cơ sở pháp lý cũng như cơ sở dữ liệu nhằm ngăn ngừa, phát hiện xử lý hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp có các giao dịch liên kết. Ngành đã yêu cầu hơn 3 nghìn doanh nghiệp có các giao dịch liên kết thực hiện kê khai thông tin, đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá đã từng bước xây dựng và phục vụ công tác thanh tra chuyển giá.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để có thể ngăn ngừa cũng như phát hiện và xử lý các hành vi chuyển giá, sự phối hợp giữa các bộ ngành hết sức quan trọng. Cùng với các cơ quan thuế, hải quan thì các ngành khoa học công nghệ, công thương cũng cần phối hợp trong việc kiểm soát đầu vào đầu ra của các doanh nghiệp, từ đó hạn chế các hành vi chuyển gia, chống thất thu cho ngân sách.

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2013, toàn Ngành đã quyết liệt triển khai các biện pháp chống thất thu, gian lận thuế, trốn thuế; đẩy nhanh việc xử lý, giảm nợ thuế và chấn chỉnh hoàn thuế giá trị gia tăng. Bộ đã kiểm tra 60.273 doanh nghiệp và xử lý thu vào ngân sách nhà nước 13.186 tỷ đồng. Công tác thu hồi nợ cũng được đẩy mạnh, kết quả thu nợ đạt 52% tổng số nợ ngân sách tính đến hết năm 2013.

Cơ quan thuế cũng đã thanh tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, truy thu ngân sách cũng như chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý. Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra việc hoàn thuế tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, từ đó hạn chế được nhiều tiêu cực trọng hoàn thuế, giảm rõ rệt số thuế phải hoàn. Ngoài ra, Ngành cũng tăng cường kỷ cương kỷ luật tài chính, kiên quyết xử lý những cán bộ thuế, hải quan liên quan đến tiêu cực trong hoàn thuế và trốn lậu thuế của doanh nghiệp.

Năm 2014, theo dự toán thu, chi ngân sách đã được Quốc hội giao, tổng thu ngân sách 782.700 tỷ đồng, tổng số chi ngân sách là 1.006.700 tỷ đồng, bội chi ngân sách nhà nước là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP. Có thể nói, nhiệm vụ của ngành Tài chính năm mới tiếp tục nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, tiếp thu các kết quả, cách làm của năm 2013, đồng thời liên tục đổi mới hoạt động, xây dựng và đề xuất thêm nhiều giải pháp đột phá để nhằm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước theo quy định, góp phần bảo đảm sự ổn định, an toàn của ngân sách quốc gia, tạo nguồn lực cho đất nước phát triển.