ADB: 20% nguồn tiền lưu thông ở Việt Nam là USD


Ngày 15/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố cuốn sách với chủ đề “Giải quyết các vấn đề đa tiền tệ tại các nền kinh tế chuyển đổi.” Nghiên cứu trường hợp 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, cuốn sách đưa ra những đề xuất quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác tài chính và tiền tệ trong khu vực.

Đại diện của ADB cho biết, tại Việt Nam, Lào và Campuchia, những đồng tiền của các nước khác, đặc biệt là đồng USD được sử dụng rộng rãi. Tỷ trọng ngoại tệ dao động từ khoảng 20% nguồn tiền lưu thông tại Việt Nam, khoảng 50% tại Lào và hơn 90% tại Campuchia.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, giải quyết tình trạng đôla hóa và đa tiền tệ là một vấn đề thuộc chính sách kinh tế quốc gia và Việt Nam đã có những tiến bộ tốt trong quá trình phi đôla hóa.

Tuy nhiên ông cũng lưu ý các cơ quan quản lý, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, rằng chỉ chú ý đến các giải pháp hành chính thôi thì sẽ không thể đạt hiệu quả để giảm tình trạng đôla hóa nền kinh tế. “Điều quan trọng là cần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với đồng tiền Việt Nam thông qua tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, ổn định tỷ giá, cải cách chính sách tiền tệ và tăng cường năng lực của các thể chế tài chính,” ông Ayumi Konishi nhấn mạnh.

Chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam được các tác giả thảo luận ở Chương 5. Vấn đề đôla hóa ít trầm trọng hơn ở Việt Nam khi so sánh với Campuchia và Lào, tuy nhiên, các cơ quan quản lý kinh tế của Việt Nam lại phải đối đầu với vấn đề ổn định nền kinh tế, vấn đề kém linh hoạt của hệ thống khi chưa chuyển đổi hoàn chỉnh sang nền kinh tế thị trường.

Theo tác giả, mặc dù có nhiều tiến bộ vượt bậc trong thời gian qua, Việt Nam vẫn cần phải cải thiện vai trò của ngân hàng trung ương và khả năng cạnh tranh quốc tế của các ngân hàng thương mại.

Tác giả khuyến nghị một số cải thiện về chính sách tiền tệ của Việt Nam, bao gồm quản lý tốt hơn các dòng tiền tệ, sử dụng hiệu quả hơn các công cụ tiền tệ, nắm bắt tốt hơn các cơ chế chuyển đổi kinh tế thông qua hệ thống giá cả. Những yếu kém hiện tại bao gồm hệ thống thông tin chưa đầy đủ, cải tiến công nghệ của hệ thống thanh toán và hệ thống giám sát chưa hoàn thiện. Cuối cùng, tác giả lập luận, hội nhập khu vực tài chính và ngân hàng với các nước trong khu vực sẽ giúp Việt Nam trong cải cách nền kinh tế quốc nội, đặc biệt từ việc phải áp dụng một hệ thống luật pháp tốt hơn.

Ông Jayant Menon, chuyên gia kinh tế cao cấp của Vụ Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB, đồng biên tập viên của cuốn sách phát biểu: “Quá trình đôla hóa làm giảm hiệu quả của các công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ và tỷ giá mà các nước như Việt Nam cần có để giải quyết các thách thức kinh tế và phát triển như tỷ lệ lạm phát gia tăng. Việc điều chỉnh trước các cú sốc bên ngoài cũng có thể kéo dài hơn và khó khăn hơn khi xuất hiện hiện tượng đôla hóa, thậm chí chỉ một phần hiện tượng này.”

Đồng biên tập viên khác của cuốn sách, ông Giovanni Capannelli, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Học viện ADB bổ sung: “Việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm sẽ giúp các cơ quan quản lý tiền tệ của Lào, Campuchia và Việt Nam tìm ra giải pháp đối với vấn đề đôla hóa. Ba nước có nhiều lợi ích khi tăng cường hợp tác với nhau cũng như với các thành viên khác của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á”./.