AEC mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư
Ông Lee Chian Siong, cố vấn cấp cao của chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Trung Quốc - ASEAN, vừa nhận định Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ có vai trò quan trọng hơn trong việc bình ổn và phát triển kinh tế khu vực.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã đề ra kế hoạch kiến lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trước cuối năm 2015, mà theo ông Lee, sẽ mang đến nhiều cơ hội cho cả các nước thành viên lẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời giúp các doanh nghiệp khu vực mở rộng thị trường ở hải ngoại.
Ngành công nghiệp chế tạo của các nước thành viên như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam có thể tiếp cận toàn bộ thị trường ASEAN và có thêm các cơ hội mới. Còn với Singapore, AEC sẽ giúp thúc đẩy lĩnh vực tài chính và dịch vụ của “đảo quốc Sư tử”.
Trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra từ ngày 18 đến 22/11 tại Kuala Lumpur (Malaysia), ông Lee lưu ý rằng có thể AEC sẽ phải đối mặt với các thách thức lớn khi mức độ phát triển kinh tế và xã hội của các nước trong khu vực là không đồng đều. Mặc dù vậy, sự trao đổi thông tin cũng như tương tác thường xuyên giữa các nước thành viên sẽ giúp loại bỏ những khó khăn đó.
Trong khi theo một số học giả Campuchia, Cộng đồng Kinh tế ASEAN - dự kiến chính thức hình thành vào cuối năm nay - sẽ giúp nâng tầm ảnh hưởng của ASEAN trên "sân khấu toàn cầu". Ông Chheang Vannarith, Chủ tịch Viện nghiên cứu chiến lược Campuchia và là một giảng viên đại học, cho rằng ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc duy trì nền hòa bình và ổn định, cũng như thúc đẩy phát triển cộng đồng khu vực ở Đông Á.
Theo ông Vannarith, các nước ASEAN sẽ hưởng lợi từ nỗ lực hiện thực hóa AEC với các nền kinh tế phát triển hơn sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ sự hội nhập trong khu vực.
Tuy nhiên, một số nước thành viên có vẻ vẫn chưa sẵn sàng cho AEC bởi đang phải đối mặt với những thách thức như chậm trễ trong cải cách luật lệ quy định quốc gia cho phù hợp với chương trình của ASEAN, sự tham gia không tích cực của người dân, vấn đề chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên...
ASEAN lên kế hoạch thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào ngày 31/12 tới, điều đồng nghĩa với việc sẽ có một dòng chảy tự do các loại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động lành nghề trong khối.
Bên cạnh đó, việc hình thành Cộng đồng ASEAN cũng sẽ đem đến nhiều cơ hội để ngành du lịch tăng tốc trong bối cảnh "ngành công nghiệp không khói" đang trở thành một mũi nhọn phát triển kinh tế tại nhiều nước ASEAN, do có nhiều thế mạnh về cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa đa dạng.
Mey Kalyan - cố vấn cấp cao của Hội đồng kinh tế quốc gia tối cao ở Phnom Penh - cho rằng AEC sẽ mở ra một thị trường khu vực với 600 triệu dân cho các sản phẩm của Campuchia và các nước khu vực thâm nhập, thay vì chỉ 15 triệu người (dân số Campuchia hiện nay).
Tuy vậy, các nước nghèo hơn như Campuchia cần được hỗ trợ trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao kiến thức và công nghệ và xây dựng thể chế.