AEC và những tác động đối với kinh tế - xã hội Thủ đô
Đó là chủ đề Hội thảo do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với báo Kinh tế & Đô thị tổ chức ngày 22/9/2015. Mục đích nhằm đánh giá những tác động tích cực cũng như hạn chế của việc gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN đối với kinh tế, văn hóa, xã hội của TP. Hà Nội, từ đó đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cho Thành phố, các sở, ngành, cộng đồng doanh nghiệp trong việc ban hành chính sách, nắm bắt cơ hội, hợp tác đầu tư…
Hội thảo là một diễn đàn khoa học có ý nghĩa và tầm quan trọng thiết thực trong bối cảnh Hà Nội đang cùng cả nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và khu vực. Định hướng chung của Thành phố trong thời gian tới được xác định là: Tiếp tục phát triển kinh tế Thủ đô theo hướng nhanh và bền vững, gắn với hội nhập khu vực và quốc tế; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và khu vực ASEAN; Mở rộng quan hệ đối ngoại của Thủ đô với các thành phố trong khu vực ASEAN, trọng tâm là hợp tác kinh tế, văn hóa – xã hội, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, nâng cao vị thế của Thủ đô, góp phần cùng cả nước tích cực tham gia AEC.
Chính vì vậy, tại Hội thảo, các diễn giả tập trung thảo luận các nội dung: AEC 2015, cơ hội, thách thức và giải pháp cần có cho doanh nghiệp; Thủ đô Hà Nội và vấn đề hội nhập kinh tế ASEAN; Nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp Hà Nội trong quá trình tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN; Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN và tác động đến sự phát triển của thị trường bất động sản Hà Nội…
Từ đó, đánh giá những tác động của việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN đến các ngành thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ và du lịch, đầu tư, phát triển đô thị… Đồng thời, chỉ ra những cơ hội cho Việt Nam khi AEC hình thành như: Mở rộng thị trường với 600 triệu dân, cơ hội cho các thành viên tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn là những đối tác của ASEAN, đẩy mạnh tiến trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...
Trên cơ sở đó, đưa ra những đề xuất và kiến nghị các chính sách cụ thể nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, của các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung vào các giải pháp cải cách thể chế kinh tế cho phù hợp với cơ chế thị trường đầy đủ khi hội nhập hoàn toàn vào khu vực; Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; Tạo sức ép nhằm cải tiến quy trình, thủ tục kinh doanh theo hướng đơn giản và thuận tiện hơn; Tăng cường liên kết vùng, liên kết khu vực; Đề xuất những giải pháp giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh trạnh của nền kinh tế Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng.
Việc hình thành AEC vào cuối năm 2015 này được dự báo sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng GPD của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5%... Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội khi tham gia AEC cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các nước ASEAN, nhất là với những nước đi sau có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn như: Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.