Afghanistan đối mặt với cú sốc kinh tế
Trong bối cảnh Taliban đã tiếp quản đất nước, không ít chuyên gia cảnh báo Afghanistan sẽ phải đối mặt với một nền kinh tế kiệt quệ với nhiều rủi ro như siêu lạm phát và nghèo đói ngày một gia tăng.
Cạn kiệt nguồn tiền
Theo The Guardian, Afghanistan đang phải đối mặt với một "cơn bão lớn" quét qua nền kinh tế khi các ngân hàng phải đóng cửa, thiếu ngoại tệ mạnh, cũng như kiều hối không thể gửi về nước. Với việc hàng loạt máy ATM ở các thành phố trống rỗng, các ngân hàng và sàn giao dịch tài chính Sarai Shahzada ở Kabul vẫn đóng cửa, quốc gia này phải đối mặt với hàng loạt cú sốc kể từ khi Taliban nắm chính quyền một tuần trước.
Không có quyền truy cập vào 9 tỷ USD trong dự trữ của Ngân hàng Trung ương hiện đang bị đóng băng và do Mỹ quản lý; cùng với các hoạt động giao hàng chủ yếu bằng USD bị hủy bỏ khi Chính phủ cũ sụp đổ, thường dân Afghanistan đang phải đối mặt với xu hướng giá hàng hóa cơ bản tăng mạnh trong khi giá trị của đồng nội tệ giảm nhanh, ngay cả khi đồng tiền trên bắt đầu cạn kiệt.
Lương cho nhân viên Chính phủ, mà nhiều người trong số họ đang "ở ẩn" kể từ khi Taliban tiếp quản, không được trả, trong khi đám đông xếp hàng đợi tại các ngân hàng để mong rút được tiền tiết kiệm sau sự sụp đổ của Chính phủ cũ. Các chuyên gia đã phải lên tiếng cảnh báo nguy cơ lạm phát phi mã và gia tăng khó khăn ở đất nước vốn đã nghèo khó này.
Trong số những người cảnh báo nguy cơ lạm phát tăng vọt là ông Ajmal Ahmady, cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương của Afghanista, người đã bỏ trốn vào tuần trước. Theo ông, lạm phát có thể sớm chạm mức hai con số.
Giải thích về cuộc khủng hoảng, ông Graeme Smith, một nhà nghiên cứu của Viện Phát triển hải ngoại của Anh cho biết: “Đồng afghani từng được bảo vệ bởi những chuyến bay chở USD đáp xuống Kabul một cách rất thường xuyên, đôi khi hàng tuần. Và nếu Taliban không sớm bơm tiền để bảo vệ đồng afghani, tôi nghĩ rằng có nguy cơ thực sự là đồng tiền mất giá khiến dân thường khó mua bánh mì trên đường phố Kabul”.
Ông Ed Dolan thuộc Trung tâm Niskanen có trụ sở ở Washington, cũng từng nêu quan điểm này vào tuần trước. Theo ông, “dòng chảy của USD vào Afghanistan thông qua viện trợ nước ngoài và kiều hối tư nhân hầu hết đã bị dừng… Những người giữ tiền tiết kiệm dưới dạng đồng nội tệ afghani, sẽ đổ xô đổi chúng sang USD. Nếu không tìm được USD, họ sẽ cố gắng đổi đồng afghani của mình để lấy hàng hóa. Giá cả sẽ còn bị đẩy lên cao hơn nữa”.
Trong khi đó, ông Justin Sandefur, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển toàn cầu của Anh, nhận định với tờ New York Times rằng: “Trong ngắn hạn, nó có thể là thảm họa tiềm tàng. Nhiều khả năng tiền tệ sụp đổ ở Afghanistan sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính có thể gây ra nỗi đau thực sự cho thường dân”.
Quyết định đình chỉ dịch vụ của Western Union và MoneyGram vào tuần trước cũng được cho là sẽ có ảnh hưởng sâu sắc, bởi Afghanistan là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất trên thế giới vào chuyển tiền của các thành viên trong gia đình từ nước ngoài. Theo Ngân hàng Thế giới, kiều hối chiếm 4% GDP của Afghanistan, tương đương 800 triệu USD/năm.
Thông báo về động thái này vào tuần trước, bản thân Western Union cũng thừa nhận tác động của việc đình chỉ. Ít rõ ràng hơn, nhưng cũng không kém phần quan trọng, tình hình bất ổn dường như còn tác động đến hệ thống chuyển tiền hawala của Hồi giáo, kênh chuyển tiền ngầm từ nước ngoài, ít chính thức hơn, vốn dựa vào ngoại tệ mạnh để củng cố hoạt động và thường được sử dụng rộng rãi hơn ở những vùng nông thôn nghèo.
Tác động sâu rộng
Tình trạng thiếu tiền mặt có khả năng gây ra nhiều tác động sâu rộng trừ khi Taliban có thể tìm ra cách để đưa nền kinh tế Afghanistan hoạt động trở lại. Nhiều tờ báo từng đăng bài về việc người Afghanistan ở các thành phố không thể trả tiền thuê nhà, trong khi số khác phàn nàn về việc không thể tìm thấy thức ăn và nhiên liệu. Ngoài ra vấn đề nạp tiền điện thoại cũng rất quan trọng. Bởi nhiều dịch vụ chuyển tiền sử dụng tin nhắn văn bản để cho người dùng biết họ đã được gửi tiền từ nước ngoài.
Thực tế, ngay cả trước khi Taliban tiếp quản, giá các mặt hàng chủ lực như bánh mì đã tăng mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Giá trị của đồng afghani cũng giảm xuống kể từ khi Taliban tiếp quản đất nước. Nhiều nguồn tin vừa qua cho biết, các sàn giao dịch đường phố mở cửa trở lại đang đổi một USD lấy 86 đồng afghani, tăng so với khoảng 80 afghani trước khi Kabul sụp đổ.
Triển vọng ảm đạm càng được nhấn mạnh bởi dự đoán của Hãng dự báo Fitch Solutions hôm thứ Sáu tuần trước rằng, nền kinh tế Afghanistan có thể thu hẹp tới 20% trong năm nay và đồng nội tệ có thể trượt giá hơn nữa.
Bà Anwita Basu, người đứng đầu bộ phận rủi ro châu Á của hãng, cho biết: “Có khả năng nền kinh tế sẽ suy giảm mạnh trong năm nay... Các quốc gia đang đối mặt với hoàn cảnh tương tự, như Myanmar và Syria, từng chứng kiến GDP của mình giảm khoảng 10 - 20%, vì vậy điều đó cũng không thể loại trừ đối với Afghanistan”.
Theo bà Anwita Basu, đồng afghani suy yếu hơn 7% trong tháng này so với đồng USD, có thể giảm nhiều hơn do hầu hết tài sản do nước ngoài nắm giữ của nước này đã bị đóng băng để ngăn Taliban tiếp cận. Theo đó, không thể loại trừ siêu lạm phát.
Số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á cho thấy, khoảng 2/3 dân số Afghanistan sống dưới mức nghèo đói, ít hơn 1.90 USD/ngày. Tỷ lệ trên đã tăng lên từ 55% trong năm 2017. Do đó, thách thức đối với một trong những nền kinh tế nhỏ nhất thế giới này trong thời gian tới là không hề nhỏ. Cho tới nay, nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của phần lớn người dân và các sản phẩm nông nghiệp cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước.
Còn theo Tổ chức Thương mại thế giới, Afghanistan xuất khẩu khoảng 783 triệu USD hàng hóa vào năm 2020, chủ yếu là sang Ấn Độ và Pakistan, với các mặt hàng chủ đạo là hoa quả khô, lạc, thảo dược làm thuốc. Trong khi đó, trên thực tế, Afghanistan sở hữu một lượng lớn khoáng sản chưa được khai thác.
Năm 2010, các quan chức quân sự và nhà địa chất Mỹ ước tính, Afghanistan đang nằm trên các mỏ khoáng sản trị giá gần 1.000 tỷ USD, bao gồm sắt, vàng, đồng, khoáng chất đất hiếm và một trong những mỏ lithium lớn nhất thế giới. Trong nhiều năm, người ta từng có hy vọng, các khoáng sản tự nhiên có thể làm thay đổi bộ mặt cho Afghanistan. Nhưng dưới thời Taliban hiện nay, không rõ nguồn tài nguyên này sẽ được khai thác như thế nào.