Agribank chi nhánh Đồng Tháp: Sẵn sàng làm ăn lớn cùng nông dân
Với sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng (NH), nhất là Agribank, việc triển khai Nghị định 41 trước đây và nay là Nghị định 55 được tiến hành rộng khắp đã hỗ trợ Đồng Tháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…
Ở Đồng Tháp hoa sen được trồng ở giữa… đường, biến dải phân cách trên nhiều con phố thành bức tranh thủy mặc nên thơ. Cũng dễ hiểu, khi “Tháp Mười đẹp nhất bông sen…”. Nhưng hình ảnh này cũng phản ánh một thực tế: Đồng Tháp đất chật người đông, dù rằng sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Vì thế một trong những khó khăn của Agribank khi triển khai Nghị định 55/2015/NĐ-CP là khó cho vay mô hình sản xuất lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.
“Một cô con gái mà gả cho nhiều người…”
Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Đồng Tháp nói vui như vậy khi bầu không khí buổi làm việc giữa NH với Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp có vẻ… nóng lên.
Trong chuyến công tác lần này về các tỉnh miền Tây, chúng tôi may mắn bố trí được buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp. Nói là may vì nhà nông có bao giờ hết việc, dễ gì “kiếm” được một buổi hẹn với người “miệng nói tay làm” như ông Hồ Ngọc Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp.
Chương trình được gửi xuống trước, nên khi mọi người chưa kịp yên vị tại phòng họp của Hội, thì đại diện NH và Hội Nông dân đã đối thoại với nhau bằng những câu “hỏi xoáy đáp xoay”: Điều kiện được vay tín chấp? Tại sao dân chưa được vay tín chấp nhiều? Lãi suất cho vay có thể thấp hơn không? Tại sao vẫn chưa thành lập được tổ vay vốn...
Trả lời về việc tại sao cho vay tín chấp nhưng khách hàng vẫn phải nộp sổ đỏ cho NH, Phó giám đốc Agribank Chi nhánh Đồng Tháp Châu Văn Út giải thích: NH giữ sổ đỏ là để làm tin, tránh trường hợp khách hàng đã vay tín chấp ở Agribank rồi lại mang sổ đỏ đi thế chấp để vay vốn ở NH khác, gây khó khăn, phức tạp cho việc thu hồi nợ sau này.
“Việc này cũng giống như anh có một cô con gái mà hứa gả cho nhiều người thì phức tạp quá!”- ông Út nói vui. Lại nữa, về việc xây dựng tổ tiết kiệm vay vốn dù đã lên ý tưởng từ lâu, nhưng giờ vẫn chưa thực hiện được do còn khúc mắc trong xây dựng nội quy hoạt động. Ví dụ, dự thảo quy định mỗi tổ sẽ có 10 hội viên. Nếu 2/10 hội viên nợ quá hạn thì các hội viên khác không được vay vốn. Do đó các hộ nông dân không muốn bị liên đới, ai cần cứ đến thẳng NH. “Chúng tôi cũng rất muốn xây dựng mô hình tổ tiết kiệm vay vốn này. Vì như vậy sẽ có thêm người hỗ trợ NH…”, ông Út khẳng định.
Trong khoảng 30 phút đối thoại, nhiều khúc mắc về các chính sách tín dụng giữa NH và các hội viên Hội Nông dân tỉnh phần nào được giải quyết.
Ông Hồ Ngọc Lợi cho biết, tỉnh Đồng Tháp có gần 280 ngàn hộ nông dân, trong đó có hơn 200 ngàn là hội viên của Hội Nông dân tỉnh. Được sự quan tâm của Chính phủ, các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp được triển khai tốt nên đời sống nông dân dần được cải thiện.
Đặc biệt với sự hỗ trợ của hệ thống NH, nhất là Agribank, việc triển khai Nghị định 41 trước đây và nay là Nghị định 55 (về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn) được tiến hành rộng khắp, đã hỗ trợ Đồng Tháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới… Nhờ đồng vốn của Agribank, trong năm 2015 đã có 1430 hội viên của hội thoát nghèo.
“Quan điểm của Hội Nông dân là cần tiếp tục triển khai sâu rộng các chính sách của Nghị định 55. Tuy nhiên NH cũng cần quan tâm đến một số vấn đề như điều kiện xét cơ cấu lại nợ cho khách hàng, nhất là trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp có nhiều khó khăn như hiện nay…”, ông Lợi kiến nghị.
Ngân hàng luôn cùng phối hợp
Ở gần cuối dải đất hình chữ S, Đồng Tháp là tỉnh rất năng động. Lãnh đạo tỉnh sớm nhận thức rõ áp lực cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, mở cửa. Điểm dễ nhận thấy nhất là Đồng Tháp có các chỉ số PCI, PAPI… đứng ở thứ hạng cao, nhất là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhiều năm liền xếp trong tốp 5 của cả nước (năm 2015 Đồng Tháp ở vị trí thứ 2).
Áp lực này đòi hỏi người nông dân phải nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, với giá cả cạnh tranh. Muốn vậy phải áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chuỗi sản xuất… Đặc điểm của Đồng Tháp là đất hẹp, người đông nên sản xuất nhỏ chiếm phần lớn.
Phó Giám đốc Châu Văn Út cho biết: Vốn tín dụng của Agribank đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn chiếm tỷ lệ cao, hiện vào khoảng 95% tổng dư nợ. Nhưng xét về dư nợ theo thành phần kinh tế thì dư nợ cho vay hộ gia đình, cá nhân của Agribank Đồng Tháp hiện chiếm trên 97% tổng dư nợ; dư nợ cho vay DN, HTX chiếm chưa đến 3%.
Vì thế, mặc dù vốn NH đã giúp hình thành một số mô hình liên kết giữa các khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ, nhưng nhìn chung các sản phẩm của nông nghiệp chủ yếu chưa qua chế biến, giá cả không ổn định nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của nông dân, khiến họ càng khó khăn trong việc triển khai sản xuất quy mô lớn.
Thị trường đầu ra cho hàng hóa nói chung và nông sản Đồng Tháp nói riêng đang có nhiều thách thức. Đặc biệt người nuôi cá tra, trồng lúa lâu nay vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn: được mùa mất giá…
Vì thế, nói như ông Hồ Ngọc Lợi: Nếu đứng trước khó khăn mà người vay vốn không được NH xem xét kỹ thì “sống cũng nhờ NH, mà chết cũng vì NH”. Ví dụ, đối với những người làm ăn giỏi, chẳng may gặp rủi ro, nếu NH không xem xét kỹ, cứ quy định mà áp thì họ sẽ “chết”. Ngược lại, nếu được NH hỗ trợ, cho cơ cấu lại nợ, khách hàng sẽ có cơ hội vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất…
Để phát triển mô hình sản xuất lớn, hiệu quả, lãnh đạo Agribank đề xuất: trong quá trình xây dựng triển khai các dự án của tỉnh, nên có sự tham gia của NH. Qua đó NH sẽ có kế hoạch chuẩn bị nguồn vốn đầu tư đáp ứng kịp thời, hợp lý nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Đồng Tháp cũng cần có quy hoạch cụ thể từng vùng, xác định từng dự án trọng điểm để có chỉ đạo đồng bộ từ chính quyền đến các Ban, ngành, trong đó có NH phối hợp thực hiện.
Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành như nông nghiệp, khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật… để giúp nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học, nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng.
Đại diện Agribank cho biết, NH sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong việc lồng ghép, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hộ nông dân, từ đó giúp họ sử dụng vốn hiệu quả.