Agribank - Chi nhánh Ninh Hải (Ninh Thuận):
Gỡ nút thắt về vốn lưu động cho ngư dân
Agribank - Chi nhánh Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) vừa phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương nhằm bàn thảo và tìm ra các giải pháp tổ chức các chuỗi liên kết từ khâu đánh bắt đến khâu tiêu thụ hải sản.
Nghị định 67/2014/NĐ-CP đi vào cuộc sống đã được một thời gian và đã góp phần hỗ trợ ngư dân các vùng ven biển phần nào về vốn, vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì trong quá trình giải ngân nguồn vốn hỗ trợ ngư dân đóng "tàu 67" ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn.
Chia sẻ về vấn đề cho vay vốn lưu động đối với ngư dân, ông Đinh Thế Mẫn, Giám đốc Agribank chi nhánh Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) cho biết, mặc dù trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định các ngân hàng thương mại được phép cho vay tối đa 70% chi phí chuyến khai thác với lãi suất 6,5%/năm và điều kiện đặt ra là ngư dân phải chứng minh được rằng mình có hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nghề cá, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Tuy nhiên, khi đi vào triển khai thực tế, các ngân hàng thương mại khó có thể giải ngân cho ngư dân vay vốn lưu động, bởi vì hầu hết các ngư dân đều đã dùng tài sản (bất động sản, tàu thuyền…) để thế chấp vay vốn trước đó. Hơn nữa, việc chứng minh hiệu quả kinh doanh của chuyến đánh bắt thực sự là rất khó khăn.
Giải quyết nút thắt về vốn lưu động cho ngư dân, đầu tháng 3/2016, Tổng giám đốc Agribank đã ban hành Quyết định số 220/QĐ-NHNo-HSX. Văn bản quy định rõ, phần cho vay vốn lưu động được nới thêm về điều kiện vay vốn.
Theo đó, nếu chủ tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu cung cấp dịch vụ hậu cần tham gia liên kết theo chuỗi sản xuất từ khâu khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, Agribank cho vay kiểm soát được dòng tiền trong chuỗi giá trị thì được xem xét cho vay vốn lưu động không có bảo đảm bằng tài sản.
Triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, ông Đinh Thế Mẫn cho biết, hiện Agribank - Chi nhánh Ninh Hải đã và đang phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương để bàn thảo và tìm giải pháp tổ chức các chuỗi liên kết từ khâu đánh bắt đến khâu tiêu thụ hải sản.
“Khi các chuỗi này được thành lập, chủ tàu, ngư dân và các chủ vựa thu mua, chế biến sẽ có sự gắn kết với nhau, dòng tiền ngân hàng đầu tư sẽ được đưa thẳng vào tài khoản đi từ chủ vựa đến ngư dân. Mọi thanh toán giữa ngư dân với chủ vựa, đại lý thu mua sẽ thông qua ngân hàng. Từ đó, ngư dân sẽ tiếp cận được vốn vay ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất 6,5-7%/năm mà không phải có tài sản đảm bảo”, ông Mẫn nhận định.