Agribank góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam


Nhằm góp phần thực hiện tốt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) của Chính phủ giai đoạn 2021 – 2025, thời gian qua, Agribank đã tăng tốc chuyển đổi, đa dạng hoá hệ sinh thái số; mở rộng cung cấp các dịch vụ thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, từng bước tạo thói quen TTKDTM cho các khách hàng.

Agribank tăng tốc chuyển đổi, đa dạng hoá hệ sinh thái số, mở rộng các dịch vụ thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại.
Agribank tăng tốc chuyển đổi, đa dạng hoá hệ sinh thái số, mở rộng các dịch vụ thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Tăng tốc chuyển đổi, đa dạng hoá hệ sinh thái số

Tiên phong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Agribank đã tăng tốc chuyển đổi, đa dạng hoá hệ sinh thái số; triển khai nhiều giải pháp, hướng đi riêng; mở rộng cung cấp các dịch vụ thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, từng bước tạo thói quen TTKDTM cho các khách hàng… Góp phần thực hiện thành công Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Bên cạnh đó, Agribank đẩy mạnh hợp tác với các công ty công nghệ tài chính cung cấp cổng thanh toán hóa đơn tập trung với trên 15 loại dịch vụ khác nhau; triển khai ký thỏa thuận hợp tác với trên 2000 nhà cung cấp dịch vụ đầu cuối đến tận cùng các địa bàn vùng sâu, vùng xa để thực hiện các dịch vụ thanh toán thu hộ, chi hộ phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng; đặc biệt là phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước triển khai thu ngân sách nhà nước qua hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt, để khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ TTKDTM, chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Agribank đã thực hiện chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước, phát hành thẻ ATM miễn phí cho khách hàng; triển khai nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử; phối hợp với các cửa hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị thực hiện các chương trình ưu đãi khi khách hàng thực hiện thanh toán bằng QR-Pay trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking.

Đặc biệt, Agribank đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực “tam nông” được cấp hạn mức thấu chi lên tới 30 triệu đồng để thanh toán các dịch vụ chi trả tiền điện, nước, cước viễn thông, mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, mua sắm vật tư cho sản xuất…

Đề xuất, khuyến nghị giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Nhằm góp phần thực hiện tốt Đề án TTKDTM của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, Agribank tiếp tục đề ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tập trung nâng cấp hệ thống công nghệ để phát triển các kênh thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ số; tích hợp ứng dụng thanh toán hiện đại, đáp ứng yêu cầu giao dịch 24/7 trong thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương, bù trù điện tử, thanh toán liên ngân hàng nhanh với Napas.

Thứ hai, tiếp tục mở rộng hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty và các trung gian thanh toán để xây dựng hệ sinh thái thanh toán khép kín phục vụ nhu cầu thanh toán theo hướng đa dạng hóa và gia tăng tiện ích các dịch vụ thanh toán đảm bảo an toàn, nhanh chóng, bảo mật thông tin khách hàng.

Thứ ba, cải tiến quy trình nghiệp vụ thanh toán theo hướng đơn giản thủ tục hồ sơ, chứng từ giao dịch theo hướng số hóa và tự động hóa để phù hợp với yêu cầu thanh toán ngày càng cao của khách hàng.

Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của Agribank trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… để khách hàng tại địa bàn “tam nông” hiểu và sử dụng dịch vụ TTKDTM qua hệ thống ngân hàng; Ban hành chính sách thu hút khách hàng mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử thanh toán các hóa đơn thiết yếu như điện, nước, học phí, cước viễn thông…

Thứ năm, đổi mới phong cách giao dịch theo hướng tiếp nhận và xử lý thông tin nhanh chóng, giao tiếp thân thiện, gần gũi với khách hàng theo chuẩn mực văn hóa của Agribank, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương.

Thứ sáu, xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thanh toán trực tuyến kết nối liên thông giữa các tổ chức, đơn vị trung gian thanh toán với các dịch vụ ngân hàng.

Tuy nhiên, để Agribank cũng như, các ngân hàng thương mại chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả Đề án TTKDTM giai đoạn 2021-2025, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Agribank đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, cụ thể gồm:

Một là, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử hiện hành cho phù hợp với nhu cầu thanh toán trên kênh điện tử của người dân, bảo vệ an toàn về tài sản, bảo mật về thông tin của khách hàng trong giao dịch thanh toán.

Hai là, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng song hành với việc hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, hoàn thiện hành lang pháp lý để các ngân hàng triển khai đa dạng, đa kênh thanh toán phục vụ khách hàng. Từ đó, tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận các dịch vụ thanh toán hiện đại của ngân hàng nhanh chóng và tiện lợi.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và tăng cường tiện ích, chất lượng dịch vụ đối với hạ tầng thanh toán quốc gia, hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi người dân và doanh nghiệp.

Bốn là, ban hành chính sách để khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ, trung gian thanh toán đầu tư phát triển công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật, mạng lưới giao dịch để tăng khả năng phục vụ nhu cầu thanh toán của người dân tại khu vực nông nghiệp nông thôn, góp phần thực hiện tốt các dịch vụ TTKDTM qua hệ thống thanh toán của ngân hàng.

(*) Hà Thị Hương Lan

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 6/2022.