Agribank hành động xử lý dứt điểm nợ xấu

PV.

Ngay sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14) được ban hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020” và được hệ thống Ngân hàng thương mại (NHTM) hưởng ứng mạnh mẽ. Trong số đó, Agribank là ngân hàng đầu tiên công bố “chiến dịch” bài bản và có những hành động cụ thể về xử lý nợ xấu với quyết tâm xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Xử lý dứt điểm nợ xấu, gắn liền với hỗ trợ khách hàng

Chưa đầy 01 tháng ngay sau ngày Quốc hội công bố Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, ngày 20/7/2017, Thống đốc NHNN đã ra Chỉ thị và Kế hoạch hành động của toàn ngành về xử lý nợ xấu để thực hiện Nghị quyết này.
Ngay sau chỉ đạo của NHNN, Agribank đã ban hành Chương trình hành động với những giải pháp rất cụ thể, quyết liệt, đồng thời triệu tập Hội nghị toàn hệ thống để quán triệt tinh thần, nội dung chỉ đạo, cũng như triển khai những cơ chế để xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Hiện nay, toàn hệ thống Agribank, đặc biệt là các đơn vị liên quan đến nhiệm vụ xử lý nợ xấu đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện nhằm tạp trung toàn lực trong guồng quay xử lý nợ xấu, từ xây dựng quy trình cho đến xây dựng phương án xử lý đối với từng món nợ xấu và cách thức, biện pháp triển khai thực hiện…Tất cả được tiến hành ráo riết cùng hướng đến mục tiêu xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế.
Với mục tiêu được Agribank quán triệt ngay từ đầu đó là quyết tâm “dọn” nợ xấu nhanh, dứt điểm, gắn với việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trong các phương án xử lý nợ, có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để góp phần hỗ trợ khách hàng trả nợ. Bên cạnh đó, Agribank phối hợp với Công ty quản lý tài sản VAMC và các đơn vị có liên quan triển khai một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng có nợ xấu, nợ đã bán cho VAMC, đã được ngân hàng xử lý rủi ro. 
Theo đó,  Agribank thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về cùng một mức lãi suất cho vay của từng lĩnh vực, đối tượng khách hàng, loại cho vay theo quy định về lãi suất của Agribank đối với các khoản nợ đã xử lý rủi ro.
Đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC đối với các khách hàng vay tại Agribank có lãi tồn đọng từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm 15/8/2017 (thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết 42 của các khoản nợ đã xử lý rủi ro (XLRR), nợ đã bán cho VAMC) Agribank sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất theo các nội dung đã được VAMC ủy quyền, trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của khách hàng và khi khách hàng đáp ứng các điều kiện như:
Khách hàng vay hợp tác tốt với VAMC và Agribank; có phương án trả nợ khả thi hoặc phương án cơ cấu lại tài chính, hoạt động khả thi;
Khách hàng vay thực sự khó khăn tạm thời về tài chính và việc giảm lãi suất của khoản nợ xấu góp phần giúp khách hàng vay giảm bớt khó khăn tài chính, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Về mức lãi suất điều chỉnh đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC và nợ xử lý rủi ro thông thường sẽ được Agribank thực hiện trên cơ sở thông báo của VAMC từng thời kỳ và theo quy định của Agribank.
Bắt đầu chặng đường phát triển mới
Với gần 30 năm phát triển, Agribank hiện là NHTM duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đến 30/9/2017, Agribank tiếp tục dẫn đầu các NHTM về tổng tài sản, nguồn vốn đều đạt trên 01 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 813.000 tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 73,9% tổng dư nợ và chiếm trên 51% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.
Agribank là NHTM có mạng lưới rộng lớn nhất bao phủ khắp mọi vùng miền, huyện đảo, tuy nhiên để duy trì vận hành mạng lưới lớn đồng nghĩa với duy trì chi phí cao. Ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, món vay thường nhỏ lẻ; Hạ tầng công nghệ thông tin hạn chế; Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt thấp, thói quen sử dụng tiền mặt và điều kiện cơ sở vật chất, đời sống người dân đã được cải thiện nhưng vẫn thua khá xa so với khu vực đô thị.
Agribank phải bỏ ra một lượng chi phí không nhỏ để dự trữ điều hòa tiền mặt, chưa kể chi phí kiểm đếm, bảo hiểm tiền, hệ thống kho tàng, thiết bị. Agribank thực hiện nhiệm vụ chính trị của NHTM Nhà nước khi thực hiện chính sách lãi suất cho vay ưu đãi khu vực nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, triển khai các chương trình tín dụng và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với lãi suất thấp...  trong khi đó Agribank tuân thủ nghiêm túc thực hiện cạnh tranh lãi suất huy động trên thị trường bình đẳng với các ngân hàng khác.
Agribank nhận thức rằng, việc nỗ lực triển khai Nghị quyết 42 trước mắt có thể khiến tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng bị ảnh hưởng, song về lâu dài, điều này sẽ giúp ngân hàng tạo lập nền tảng tài chính vững mạnh và minh bạch, triển khai thành công Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cũng là tái cơ cấu giai đoạn II, hướng tới cổ phần hóa theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Song song với việc ráo riết xử lý nợ xấu, Agribank triển khai nhiều biện pháp hạn chế phát sinh nợ xấu mới, quyết liệt trong khắc phục những nguyên nhân chủ quan làm nợ xấu phát sinh. Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ; luân chuyển cán bộ làm công tác tín dụng, luân chuyển người đứng đầu, quy định thời hạn giữ chức vụ tối đa đối với các lao động giữ chức danh chức vụ; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra giám sát, đặc biệt là kiểm tra đột xuất; xử lý nghiêm minh những trường hợp làm phát sinh nợ xấu, trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu…
Với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, sự đồng hành, hỗ trợ của các ngành, các cấp liên quan hỗ trợ xử lý nợ xấu và tài sản thế chấp, Agribank tin tưởng rằng sẽ sớm xử lý dứt điểm nợ xấu, khơi thông dòng vốn phục vụ phát triển kinh tế, chuẩn bị mọi tiền đề vững chắc sẵn sàng lộ trình cổ phần hóa khi có chỉ đạo của Chính phủ, bắt đầu một chặng đường mới trên hành trình phục vụ “Tam nông” và nền kinh tế đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.