Agribank hướng tới ngân hàng phục vụ "tam nông" hiện đại


Xác định phương châm “Nông thôn là thị trường, nông nghiệp là đối tượng cho vay, nông dân là khách hàng chính”, Agribank đang từng ngày nỗ lực đổi mới theo hướng hiện đại, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hình thành ngân hàng số để gia tăng tiện ích cho khách hàng, nhất là khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Luôn đổi mới để phục vụ khách hàng tốt hơn là mục tiêu Agribank hướng tới mỗi ngày.
Luôn đổi mới để phục vụ khách hàng tốt hơn là mục tiêu Agribank hướng tới mỗi ngày.

Thời gian qua, Agribank được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chủ lực trong cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chương trình mục tiêu quốc gia. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank luôn chiếm tỷ trọng khoảng 70% dư nợ cho vay nền kinh tế, chiếm 40% thị phần cho vay nông nghiệp, nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, tín dụng Agribank “phủ kín” đến 100% số xã trên cả nước. Agribank còn được biết đến là tổ chức tín dụng luôn phát huy vai trò tích cực trong phát triển kinh tế biển, là ngân hàng duy nhất có phòng giao dịch tại 9/13 huyện đảo, hỗ trợ cho 24.000 tàu cá ở 28 địa phương ven biển, phát triển đội tàu công suất lớn hiện đại đánh bắt xa bờ…

Với vai trò chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, hoạt động của Agribank thực sự gắn với làng bản, xóm thôn và gần gũi với bà con nông dân. Đồng vốn của Agribank đã góp phần tạo thêm nghề mới, khôi phục các làng nghề truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển hàng hóa, công nghiệp, dịch vụ… Agribank đã trở thành người bạn đồng hành, hỗ trợ vốn đắc lực cho bà con nông dân vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, tạo nên những thành tựu nổi bật về sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Quyết tâm cùng ngành Ngân hàng hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công, Agribank chú trọng nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân thông qua việc không ngừng sáng tạo trong cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, kênh phân phối.

Agribank luôn nỗ lực để đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa của đất nước, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Năm 2017, Agribank triển khai thí điểm Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa.

Đến tháng 01/2018, Agribank đã chính thức triển khai Điểm giao dịch lưu động trên 62 tỉnh, thành phố với tổng số 68 xe. Ngoài ra, Agribank còn triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng, đến nay doanh số cho vay chương trình đạt trên 7.400 tỷ đồng với 193.000 hộ gia đình, cá nhân được bổ sung vốn phục vụ nhu cầu hợp pháp và cấp thiết, nâng cao đời sống của người dân tại các địa bàn nông thôn.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay và dịch vụ tài chính, Agribank tăng cường cải tiến, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cho vay, đơn giản hóa hồ sơ vay vốn, niêm yết công khai minh bạch chính sách tín dụng. Bên cạnh đó, Agribank kết hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai trên 68.000 tổ vay vốn, với gần 1,5 triệu thành viên.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng chuyển đổi số trong nền kinh tế, việc chuyển đổi số có ý nghĩa sống còn đối với ngành Tài chính - ngân hàng nói chung và quá trình phát triển của Agribank nói riêng.

Với mục tiêu phát triển sản phẩm dịch vụ và kênh thanh toán hiện đại, lấy khách hàng là kim chỉ nam, làm định hướng cho phát triển bền vững, thời gian qua, Agribank đã luôn chú trọng đầu tư nâng cấp, trang bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ; đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, cũng như các kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng mới dựa trên nền tảng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là khách hàng khu vực nông thôn.

Quyết tâm cùng ngành Ngân hàng hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công, Agribank chú trọng nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân thông qua việc không ngừng sáng tạo trong cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, kênh phân phối.

Đến nay, Agribank là ngân hàng đi đầu trong hiện đại hóa kênh thanh toán nông thôn bằng việc đầu tư gần 2.530 thiết bị POS được lắp đặt mới, phát triển trên 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng. Nhằm đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, Agribank đã triển khai Đề án phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn từ tháng 9/2019. Với lợi thế về chính sách hỗ trợ ưu đãi, thủ tục đơn giản, linh hoạt, đến nay, hạn mức thấu chi đã cấp trên 1.756 tỷ đồng với 266.853 thẻ.

Vừa qua, để hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi đại dịch COVID-19, đồng thời thực hiện chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 5/2021, Agribank đã triển khai chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trong nước đối với tất cả khách hàng có tài khoản thanh toán tại Agribank. Theo đó, dự kiến có khoảng 18 triệu khách hàng của Agribank được áp dụng chính sách ưu đãi lớn, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Có thể nói, với những nền tảng trên, Agribank có thể tự hào về những đóng góp tích cực đối với nền kinh tế đất nước, đặc biệt là trong khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân khi mở ra cơ hội thoát nghèo và tạo cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mỗi địa phương, thực sự là đòn bẩy hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. 

(*) Nguyễn Thanh Phong

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1+2 tháng 1/2022