Agribank với phát triển bền vững ngành Thủy sản Việt Nam

Trương Thu Hương

Trong suốt 35 năm hình thành và phát triển, Agribank luôn tích cực cùng người dân tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất nông nghiệp. Năm 2022, Agribank dành trên 65% dư nợ cho vay của Ngân hàng phục vụ phát triển “tam nông”. Trong đó, tổng dư nợ ngành Thủy sản tại Agribank tính đến 31/12/2022 là trên 40 nghìn tỷ đồng, tập trung vào khai thác nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống thủy sản, cụ thể là đầu tư nuôi tôm, cá tra, cá basa, cua; khai thác cá ngừ, các loại thủy sản biển khác…

Agribank là NHTM tiên phong, chủ lực triển khai chính sách phát triển thủy sản. Nguồn: Agribank
Agribank là NHTM tiên phong, chủ lực triển khai chính sách phát triển thủy sản. Nguồn: Agribank

Trong những năm qua, ngành Thủy sản Việt Nam luôn là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và đạt được những bước phát triển khả quan. Đặc biệt, năm 2022, ngành Thủy sản đạt mức tăng trưởng cao 23,6%, xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát gia tăng; cạnh tranh ngày càng gay gắt đã đặt ra nhiều thách thức đối với ngành hàng này. Vậy đâu là động lực mới cho thủy sản Việt Nam sau 3 thập niên tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, thị trường mới hay sản phẩm mới?

Chung tay cùng với bộ, ngành, địa phương, thời gian qua, Agribank đã và đang triển khai nhiều giải pháp để cùng các cấp chính quyền, địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế biển, hiện thực hóa các mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, thông qua cho vay phát triển thủy sản, với mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch phủ rộng, xuống tận xã, phường, thị trấn và huyện đảo, Agribank đồng hành cùng ngư dân cả nước triển khai nhiều hoạt động hướng về biển đảo quê hương. Các cán bộ tín dụng của Ngân hàng bám sát địa bàn, gặp gỡ trực tiếp với ngư dân có nhu cầu vay vốn, nhiệt tình hướng dẫn thủ tục, hồ sơ một cách nhanh gọn, đồng hành cùng khách hàng trong quá trình sử dụng nguồn vốn trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từ tiên phong, nghiêm túc triển khai chủ trương của Đảng về chiến lược biển Việt Nam và chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ, Agribank cùng hệ thống chính trị đã tạo điều kiện, mở ra cơ hội thuận lợi để ngư dân cả nước có đủ năng lực vươn ra khơi xa đánh bắt thủy sản, làm giàu từ biển, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Dư nợ cho vay ngành Thủy sản tại Agribank theo đó tăng trưởng đều đặn qua các năm, đặc biệt trong giai đoạn 2020-2023, điều này minh chứng cho nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, khơi thông nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thủy sản Việt của Agribank.

Thống kê đến nay, dư nợ cho vay doanh nghiệp ngành Thủy sản của Agribank là 1.506 tỷ đồng (chiếm 3,7% tổng dư nợ cho vay ngành Thủy sản); dư nợ cho vay khách hàng cá nhân là 38.729 tỷ đồng (chiếm 96,3%/tổng dư nợ cho vay ngành Thủy sản). Tây Nam Bộ (chiếm 56%), Duyên hải Miền Trung (18%) và phân bổ đều ở một số khu vực khác (Khu 4 cũ, Đồng bằng sông Hồng, TP. Hồ Chí Minh và các khu vực khác)… là những khu vực tập trung dư nợ cho vay ngành Thuỷ sản của Agribank.

Ngoài nhóm khách hàng cá nhân, Agribank đồng hành, thủy chung với nhiều doanh nghiệp thủy sản tại Kiên Giang (Công ty TNHH Huy Nam, Công ty TNHH MTV Long Phú), An Giang (Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản P&H, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Mỹ), Cà Mau (Công ty TNHH một thành viên Quốc Đạt, Công ty Cổ phần Camimex), Bạc Liêu (Công ty TNHH thủy sản Thái Minh Long, Công ty TNHH chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Trang Khanh)...

Đặc biệt, để góp phần phát triển bền vững ngành Thủy sản nói riêng và Nông nghiệp Việt Nam nói chung, Agribank không ngần ngại dành nguồn vốn lớn cho những dự án nông nghiệp xanh, trong đó có các dự án thủy sản, tiêu biểu như: Dự án nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi bò sữa tại Ninh Thuận (doanh số cho vay hơn 3.700 tỷ đồng); các dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi sạch tại Tỉnh Hà Nam (doanh số cho vay gần 5.000 tỷ đồng); các dự án chế biến thủy, hải sản tại Hải Phòng, Kiên Giang (doanh số cho vay của Agribank trên 3.500 tỷ đồng).

Ảnh 1: Agribank đồng hành cùng người nông dân nuôi trồng thủy hải sản. Nguồn: Agribank
Ảnh 1: Agribank đồng hành cùng người nông dân nuôi trồng thủy hải sản. Nguồn: Agribank

Cùng với đó, Agribank đồng hành cùng các tổ chức; các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần phát triển bền vững ngành Thuỷ sản, nổi bật như: Đồng hành cùng Diễn đàn “Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: Khai thác bền vững – đẩy mạnh nuôi trồng”; Phối hợp tổ chức các hội thảo: “Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới” năm 2022 tại Sóc Trăng; hội thảo “Nghề nuôi biển - Chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại” năm 2023 tại Bình Định; hội thảo phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt năm 2023 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại các diễn đàn, hội thảo, đại diện ngân hàng Agribank đã cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Thuỷ sản, đại diện các sở, ban, ngành địa phương thảo luận các giải pháp nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt Nam. Tại đây nhiều các giải pháp về công nghệ nuôi trồng, chế biến sâu, vấn đề môi trường, thị trường, vốn, vấn đề liên kết, kết nối, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm thủy sản, xây dựng chuỗi liên kết đủ chuẩn quốc tế... đã được các đại biểu quan tâm, chia sẻ, góp phần thiết thực vào phát triển bền vững ngành Thuỷ sản Việt Nam.