Ai Cập đang đi đúng hướng

Theo daibieunhandan.vn

Quyết định mới đây của Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu (EBRD) trao cho Ai Cập quy chế “quốc gia của các chiến dịch” (country of operations) được coi là sự ghi nhận những kết quả tích cực mà nước này đạt được trong lộ trình chuyển tiếp chính trị và kinh tế.

Nền kinh tế Ai Cập đang hồi phục tích cực. Nguồn: internet
Nền kinh tế Ai Cập đang hồi phục tích cực. Nguồn: internet

“Chứng chỉ” cho Cairo

Tuyên bố của Đoàn chủ tịch EBRD nêu rõ, Ai Cập đã có những chuyển biến tích cực trên phương diện chính trị và kinh tế, và thể chế tài chính đa phương sẵn sàng nâng cấp mức độ hợp tác hiện nay với quốc gia Bắc Phi này. Theo các chuyên gia, đây là một tin vui đối với Ai Cập. Những đánh giá tích cực của EBRD là “chứng chỉ” về khả năng của Cairo trong thực hiện các cam kết, nghĩa vụ quốc tế và các cuộc cải cách.

Ngay sau khi EBRD thông báo quyết định, vị trí của Ai Cập trong báo cáo xếp hạng nền kinh tế cạnh tranh thế giới đã được cải thiện, nhảy ba bậc, lên thứ 116.

Về phần mình, Bộ Hợp tác quốc tế Ai Cập nhận định, quyết định của EBRD là “giấy chứng nhận” cho những thành công trong lĩnh vực chính trị và kinh tế của Ai Cập giai đoạn nhạy cảm này. Điều đó phản ánh những tiến bộ trong nỗ lực cải thiện uy tín và hình ảnh của chính quyền Cairo, đặc biệt trong lĩnh vực chống tham nhũng và cải cách kinh tế trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi đang chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên kể từ cuộc chính biến tháng 6 năm ngoái, lật đổ Tổng thống (lúc bấy giờ) Mohamed Morsi.

Con thuyền đúng hướng

Thực tế, một năm cầm quyền của Tổng thống Abdel-Fattah Al-Sisi đã đưa đến những chuyển biến tích cực.

Về quan hệ đối ngoại, Tổng thống Al-Sisi đã nỗ lực tái thiết lập sự cân bằng và sức sống cho nền ngoại giao Ai Cập, xây dựng mạng lưới các mối quan hệ chiến lược với nhiều nước. Cairo cũng tiến hành xem xét lại mối quan hệ với các nước Ảrập như tham gia liên minh Ảrập chống người Houthi ở Yemen - đồng minh lớn của Iran và bị coi là những người đe dọa an ninh vùng Vịnh; thúc đẩy thành lập lực lượng quân sự Ảrập chung. Trong quan hệ với châu Âu, Ai Cập được nhiều nước châu Âu coi là đối tác lớn trong cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực.

Với châu Phi, Ai Cập đánh dấu sự trở lại thành công với chiến lược mới dựa trên sự cân nhắc về phát triển chung như đăng cai hội nghị cấp cao của 3 khối kinh tế châu Phi là: Thị trường chung miền Đông và miền Nam châu Phi (COMESA), Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) và Cộng đồng Đông Phi (EAC) để hướng tới một khu vực tự do thương mại, bao gồm 26 nước châu Phi.

Nền kinh tế Ai Cập cũng đang hồi phục tích cực. Tỷ lệ tăng trưởng đã tăng trở lại, và riêng quý I năm nay đạt 4,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong báo cáo công bố tháng 1.2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo về tăng trưởng cho năm 2015 của Ai Cập cao hơn mức 3,2% được đưa ra trước đó.

An ninh vẫn là vấn đề gai góc nhất trong năm đầu tiên cầm quyền của ông Al-Sisi, song hoạt động khủng bố đã giảm đáng kể những tháng qua. Tuy bán đảo Sinai vẫn còn là hang ổ của các tổ chức, phe nhóm khủng bố, song sự thay đổi triệt để trong chiến lược quân sự của cuộc đấu tranh chống khủng bố đã giúp đất nước này đạt được những bước tiến lớn. Quyết định thành lập vùng đệm ở dọc biên giới với Dải Gaza của Palestine để ngăn chặn sự thâm nhập của các tay súng khủng bố; lập ra bộ chỉ huy quân sự thống nhất, đảm nhận việc đấu tranh chống khủng bố ở bán đảo Sinai, tạo thuận lợi cho sự trao đổi thông tin, phối hợp tác chiến giữa các cơ quan tình báo... là những biện pháp rất hiệu quả giúp mặt trận an ninh của đất nước được cải thiện rõ rệt.

EBRD được thành lập năm 1991 với mục tiêu ban đầu là hỗ trợ xây dựng một kỷ nguyên mới tại Trung và Đông Âu trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh. Tổ chức này gồm 4 nước thành viên đến từ thế giới Ảrập là Ai Cập, Tunisia, Morocco và Jordan. EBRD được coi là bản sao thu nhỏ của Ngân hàng Thế giới và các nước hỗ trợ đang dần được mở rộng ra khỏi lãnh thổ châu Âu nhằm thúc đẩy hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Ai Cập là thành viên sáng lập của EBRD với vốn đóng góp khiêm tốn khoảng 25 triệu USD. Quy chế thành viên cho phép Chính phủ và các công ty nước này tham gia vào các vụ đấu thầu quốc tế tại các nước thành viên khác của EBRD. Hiện ngân hàng này đang triển khai 21 dự án tại Ai Cập, chủ yếu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, gồm tàu điện ngầm, nhà máy điện...