Thêm 2 rủi ro khiến kinh tế thế giới bấp bênh

Theo Chinhphu.vn

Bên cạnh các rủi ro bất ổn địa-chính trị, khủng hoảng nợ châu Âu, triển vọng kinh tế thế giới trở nên bấp bênh hơn bởi 2 rủi ro lớn liên quan tới 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: kelownachamber.org
Ảnh minh họa. Nguồn: kelownachamber.org

Trong bối cảnh diễn biến tài chính quốc tế rất khó lường và thương mại thế giới trì trệ, các tổ chức quốc tế đều nhận định kinh tế thế giới chịu nhiều áp lực suy giảm tăng trưởng trong năm 2015-2016.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 và năm 2016 xuống tương ứng 3% và 3,6%; trong đó Mỹ tăng trưởng 2,4% và 2,6%, khu vực đồng euro tăng trưởng 1,6% và 1,9%, Nhật Bản tăng trưởng 0,6% và 1,2%, Trung Quốc chỉ tăng 6,7% và 6,5%, Ấn Độ tăng 7,2% và 7,3%...

Bên cạnh các rủi ro bất ổn địa-chính trị, khủng hoảng nợ châu Âu, các báo cáo cập nhật kinh tế toàn cầu trong tháng 9/2015 đều nhấn mạnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên bấp bênh hơn bởi các rủi ro.

Thứ nhất, tác động khó lường cả trước mắt và lâu dài của suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. OECD cho rằng với tầm ảnh hưởng lớn trong kinh tế-tài chính thế giới, suy giảm kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động lớn hơn dự báo trước đây, đặc biệt là tác động trực tiếp đến thương mại và đầu tư quốc tế.

Suy giảm kinh tế Trung Quốc nếu kết hợp với biến động mạnh trên thị trường tài chính quốc tế có thể làm gián đoạn tiến trình phục hồi của kinh tế thế giới sau khủng hoảng.

Thứ hai, động thái tăng lãi suất của Mỹ có thể gây biến động nhất định trên thị trường tài chính-tiền tệ quốc tế, đặc biệt là có khả năng thúc đẩy tăng giá đồng USD, kích hoạt dòng vốn rút khỏi các nền kinh tế đang nổi.

Lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng trong vài tuần qua đã phần nào phản ánh xu hướng đầu tư tìm kiếm trú ẩn an toàn do tâm lý bất an, lo ngại trước rủi ro bất ổn và triển vọng bấp bênh của kinh tế-tài chính toàn cầu.