Thoát bẫy thu nhập trung bình

Theo daibieunhandan.vn

Các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia như Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam đang không ngừng tìm cách chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng phụ thuộc vào nguồn vốn và lao động sang mô hình tăng trưởng lấy năng suất và công nghệ làm động lực. Trong bối cảnh ấy, bẫy thu nhập trung bình trở thành một đề tài khá nổi cộm, thu hút nhiều sự quan tâm của các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác và Phát triển Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kẻ thù của tăng trưởng

Trên thực tế, “bẫy thu nhập trung bình” là một đề tài khá nổi cộm đối với nhiều quốc gia thuộc APEC. Trong số 21 nền kinh tế thành viên, hiện có 9 nước được xếp hạng mức thu nhập trung bình; 5 nước có mức thu nhập cao (Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Mexico và Peru), và 4 nước ở mức thu nhập trung bình thấp (Indonesia, Philippines, Việt Nam, và Papua New Guinea). Sau Trung Quốc và Philippines, cương vị Chủ tịch luân phiên APEC sẽ được chuyển giao lần lượt cho Peru, Việt Nam, và Papua New Guinea. Điều này đồng nghĩa với việc “bẫy thu nhập trung bình” sẽ tiếp tục nằm trong các chương trình nghị sự được ưu tiên hàng đầu tại APEC.

Trong tuyên ngôn của mình, APEC cam kết “bảo đảm tăng trưởng và phát triển cho khu vực”, đồng thời “thúc đẩy các lợi ích từ sự tương thuộc về kinh tế”. Các mục tiêu và hoạt động của APEC xoay quanh ba trọng tâm chính là tự do hóa, tạo điều kiện tối đa cho thương mại; thúc đẩy, khuyến khích đầu tư; và hợp tác kinh tế - kỹ thuật.

Nhìn từ trình độ phát triển, thế giới hiện nay có thể chia thành 4 nhóm: nhóm 1 gồm những nước thu nhập thấp, đang hoặc trực diện nguy cơ đói nghèo; nhóm 2 gồm những nước đạt mức tăng trưởng trung bình, song sau đó lại giậm chân tại chỗ trong một thời gian quá dài; nhóm 3 gồm các nước đang phát triển, đã vượt qua mức thu nhập trung bình; và nhóm 4 gồm các nước tiên tiến có mức thu nhập cao, như Mỹ, Nhật Bản hay các nước Tây Âu...

Trong số này, nhóm các nước thứ hai đã chuyển sang giai đoạn trì trệ trong một thời gian dài sau khi đạt được mức thu nhập trung bình bị coi là sập “bẫy thu nhập trung bình”. Việc chuyển từ một nước nghèo sang một nước có thu nhập trung bình là một quá trình kéo dài rất nhiều năm. Tuy nhiên, nếu quá trình phát triển bền vững tiếp tục thì từ mức thu nhập trung bình cao tiến lên mức thu nhập cao chỉ cần một khoảng thời gian ngắn. Mặc dù là khoảng thời gian rất ngắn, song quá trình đó rất khó khăn và cái khó nhất phải vượt qua chính là “bẫy thu nhập trung bình”.

Những nước sập bẫy thường có tỷ lệ đầu tư thấp, ngành sản xuất và chế tạo kém phát triển, các ngành công nghiệp kém đa dạng và thị trường lao động ảm đạm. Điều mà các nhà hoạch định chính sách trăn trở là đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo. Khi bước vào lộ trình công nghiệp hóa, một số lĩnh vực bắt đầu tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực, mức độ chuyên môn hóa gia tăng và nhiều doanh nghiệp thậm chí còn lấn sân sang cả những thị trường nước ngoài quan trọng. Vấn đề mà các quốc gia này đối mặt không còn đơn thuần là thoát đói nghèo mà là làm thế nào để có những chính sách và pháp luật phù hợp giúp thúc đẩy tăng trưởng.

Làm thế nào để thoát “bẫy”?

Kinh nghiệm từ những nền kinh tế phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hong Kong giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về quá trình thường được coi là một cuộc cải tổ cơ cấu này. Nó bao gồm nhiều bước như: dịch chuyển vốn và lao động sang những lĩnh vực có năng suất cao như sản xuất và dịch vụ; tăng cường chất lượng và quy mô ngành xuất khẩu nhờ vào việc chú trọng đa dạng sản phẩm; và triển khai các biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao năng suất.

Sự phát triển bền vững của một nền kinh tế mở đòi hỏi phải thành công trong việc dịch chuyển từ ngành đang hoặc sắp mất lợi thế cạnh tranh sang ngành có chất lượng cao hơn và chuẩn bị điều kiện để chuyển sang các ngành mới hơn, với yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao. Một nước thu nhập trung bình nếu thất bại trong việc chuyển dịch lợi thế này do không bắt kịp xu thế và biến động của thị trường quốc tế hay không có khả năng phát triển các ngành mới hơn sẽ mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình”.

Để thoát bẫy, các quốc gia phải nhanh chóng tìm hướng đi để đa dạng hóa nền kinh tế. Điều này cần đến một môi trường thuận lợi và phù hợp cho các doanh nghiệp cũng như các chính sách và ưu tiên đầu tư. Để xây dựng thể chế chất lượng cao, đủ sức vạch ra các đường hướng tích cực đó rất cần một đội ngũ quan chức có năng lực và tinh thần trách nhiệm, một bộ máy hành chính hiệu quả. Thể chế chất lượng cao còn cần thiết để không ngừng cải thiện nguồn nhân lực nhằm chuyển dịch cơ cấu công nghiệp có kỹ năng cao, và liên tục tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của khu vực tư nhân.

Nói chung, để tập trung tăng trưởng kinh tế, tránh tư tưởng “thỏa mãn” và hoàn thành những mục tiêu đầy tham vọng đã được đặt ra, các nước thành viên APEC cần hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng có kế hoạch hành động đồng bộ, từ đó tạo động lực cải cách phù hợp với yêu cầu và diễn biến của thời đại.

Hai cách xác định “Bẫy thu nhập trung bình”:


1. Lấy tiêu chuẩn thu nhập quốc tế để xác định quốc gia có mức thu nhập trung bình và chỉ rõ các tiêu chí đánh giá khả năng vươn lên mức thu nhập cao, hay tiếp tục duy trì mức thu nhập này. Một thất bại đồng nghĩa với việc rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

2. Tập trung vào các vấn đề cấu trúc mà những nền kinh tế có mức thu nhập trung bình phải đối mặt trong quá trình chuyển giao hướng tới các hoạt động giá trị gia tăng cao hơn.