Alibaba và Amazon: Cuộc đua đến “mốc” 500 tỷ USD của hai gã khổng lồ
Amazon đã có một năm tốt đẹp, nhưng Alibaba thậm chí có một năm tốt hơn - và bây giờ công ty này đang trên đà vượt qua Amazon trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới theo mức vốn hóa thị trường.
Cổ phiếu của Amazon đã tăng 30% trong năm nay trong khi cổ phiếu của Alibaba tăng gần gấp đôi khi cả hai công ty đang chạy đua đến mức giá trị 500 tỷ USD.
Người đầu cơ giá lên có lý do để yêu thích cả hai. Hai công ty này thống trị thương mại điện tử tại các thị trường của họ (Amazon ở Mỹ và Alibaba ở Trung Quốc) và cả hai đang mở rộng sang các mảng kinh doanh mới như cửa hàng tạp hoá, nội dung gốc và đám mây.
Sự khác biệt là thị trường Trung Quốc - và tầng lớp trung lưu - đang phát triển nhanh hơn nhiều và một số nhà đầu tư coi Alibaba là một đại diện cho sự tăng trưởng đó. Đó là một phần lý do mà công ty Trung Quốc khổng lồ này đang bắt kịp Amazon.
Alibaba cũng thu hút một số tên tuổi lớn trong lĩnh vực quỹ đầu tư thanh khoản như David Tepper và Dan Loeb.
Các chuyên gia phân tích cũng rất lạc quan về triển vọng của Amazon và Alibaba, mặc dù Alibaba có lợi thế hơn. Trong số 47 công ty môi giới chuyên phân tích về gã công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, không một công ty nào đưa ra khuyến nghị bán cổ phiếu. Giá mục tiêu trung bình của Alibaba là 197,51 USD, cao hơn 15% so với mức giá cổ phiếu hiện tại, theo FactSet.
Mặt khác, một trong số 44 nhà phân tích theo dõi Amazon đưa ra khuyến nghị bán cổ phiếu của gã khổng lồ Mỹ, và cổ phiếu của Amazon đang thấp hơn khoảng 17% so với giá mục tiêu trung bình.
Dù cổ phiếu của 2 công ty tăng giá mạnh trong thời gian qua, tuy nhiên đây là những cổ phiếu gây tranh cãi nhất trên thị trường. Đặc biệt là Alibaba, công ty có cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất thế giới.
Công ty phân tích tài chính S3 Partners đã đưa ra những con số tham khảo như sau. Tổng giá trị các vị thế bán khống cổ phiếu Alibaba là gần 23 tỷ USD. Cổ phiếu của Tesla bị bán khống nhiều thứ 2 với giá trị vị thế bán ít hơn một nửa ở mức 10,4 tỷ USD. Sau đó là Apple với 7,1 tỷ USD và AT&T với 6,6 tỷ USD. Vị thế bán khống cổ phiếu Netflix và Amazon có giá trị gần 5 tỷ USD.
Một trong những lý do các nhà đầu tư thích Alibaba như là đại diện cho nền kinh tế Trung Quốc cũng chính là lí do những người khác ghét công ty này. Việc bán khống cổ phiếu Alibaba được xem như một cách để đặt cược vào sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán của nước này.
Nhưng năm nay, những ai bán khống cổ phiếu Alibaba đang trải qua một cơn ác mộng thực sự do sự tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu này. Những người đầu cơ giá xuống này đã mất hơn 10 tỷ USD trong năm này và 2,8 tỷ USD riêng trong tháng 8 vì cổ phiếu Alibaba đã tăng 10%.
Nếu trải qua một tháng tốt đẹp như vậy nữa, Alibaba sẽ vượt qua Amazon trở thành công ty thương mại điện tử vốn hóa lớn nhất toàn cầu.