Ẩm thực Việt “dẫn đường” thực phẩm hữu cơ chế biến vào Australia
Tại Australia, các nhà hàng Việt Nam khá nhiều. Đây là lợi thế lớn để nông sản chế biến như mỳ, phở… vào thị trường này.
TS Nguyễn Văn Kiền - Giảng viên chính danh dự của Đại học Quốc gia Australia, Giám đốc công ty TNHH Mekong Organics PTY LTD tại Canberra, Australia chia sẻ về hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ nông sản hữu cơ giữa Việt Nam và Australia.
Theo một khảo sát tại Australia, hơn 6 trong số 10 hộ gia đình ở đây quan tâm và mua sắm thực phẩm hữu cơ. Thị trường thực phẩm hữu cơ tăng trên 5%/năm, có năm tăng trên 10%. Doanh số bán lẻ dòng sản phẩm này tăng hơn 2,5 tỷ đô la Australia trong khi nguồn cung thiếu.
Các sản phẩm hữu cơ được sử dụng trong các nhà hàng, quán cà phê và bày bán ở khắp nơi: trong các hệ thống siêu thị lớn ở Australia như Cole, Woolworths hay Costco; các cửa hàng bán lẻ, chợ nông sản, hay các nông trại nhỏ. Những cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh mặt hàng này hoạt động tốt và không có sự cạnh tranh với các siêu thị lớn vì theo quy định của Australia, không một đơn vị nào được độc quyền bán sản phẩm hữu cơ trên 5%.
Dẫn lời các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Australia, TS Nguyễn Văn Kiền cho biết: Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ vào Australia. Trong đó, thế mạnh là các sản phẩm chế biến như nước chấm, mứt, trái cây đóng hộp (lạnh, sấy khô), nước dừa, nước cốt dừa, đường thốt nốt, mật hoa dừa, cà phê, hồ tiêu, thuỷ hải sản; gạo và các sản phẩm từ gạo như bún khô, mỳ, phở; các loại dược liệu như quế, hồi, gừng, hạt sen…
“Một số thực phẩm hữu cơ của Việt Nam chịu sự cạnh tranh trên thị trường Australia nhưng sự có mặt của ngày càng nhiều nhà hàng Việt Nam tại Australia là lợi thế lớn để đưa hàng nông sản chế biến nói riêng của Việt Nam vào thị trường này” - TS Nguyễn Văn Kiền cho biết.
Trong thời gian qua, theo TS Nguyễn Văn Kiền, công ty TNHH Mekong Organics PTY LTD đã triển khai dự án “Thúc đẩy chứng nhận và thương mại nông sản phẩm hữu cơ Úc - Việt” do Chương trình thí điểm tài trợ cam kết tăng cường kinh tế giữa Australia và Việt Nam (AVEG) thuộc Bộ Ngoại giao và thương mại Australia (DFAT) tài trợ. Thông qua các hoạt động đào tạo, kết nối giao thương, xây dựng diễn đàn số để hỗ trợ quảng bá nông sản phẩm hữu cơ, dự án đã hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và kết nối hợp tác xuất khẩu thực phẩm hữu cơ Việt Nam.
Một điểm khá đặc thù được nhận qua hoạt động của dự án là sự quan tâm và lớn mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, thậm chí là nhóm nông hộ vi mô nhỏ trong sản xuất, xuất khẩu thực phẩm hữu cơ. Theo đánh giá TS Nguyễn Văn Kiền đánh giá: qua đào tạo và thiết lập mạng lưới học viên với hơn 630 người tại Việt Nam khá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường khó tính, thậm chí để tiếp cận thị trường nội địa.
Chẳng hạn như các doanh nghiệp phía Nam đã thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn USDA, EU, JAS cho các sản phẩm lúa gạo, cá tra, hồ tiêu, hạt điều, rau củ quả, dừa hữu cơ, tôm sú hữ cơ; các doanh nghiệp phía Bắc thực hiện các chứng nhận hữu cơ quốc tế trên cây quế, hồi, cây dược liệu và gia vị. Ngoài ra,đang có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm nông hộ vi mô nhỏ cũng đang trong quá trình chuyển đổi, hoặc tìm hiểu hướng đến chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Một số cơ sở đào tạo đại học cũng đề nghị kết nối đào tạo và giao thương nông sản hữu cơ.
Qua các diễn đàn kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Australia, TS Nguyễn Văn Kiền thông tin, ngoài hoạt động kết nối kinh doanh, các doanh nghiệp, hợp tác xã của Việt Nam đàm phán, tìm hướng có hợp tác riêng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm.
Điển hình như một doanh nghiệp tại An Giang đã tiếp cận và được chuyển giao công nghệ chế biến sâu (gạo hữu cơ) để phát triển thị trường gạo ăn liền; các HTX lúa hữu cơ đã tiếp cận với đối tác sản xuất cá tra hữu cơ, tiêu thụ cám và tấm hữu cơ...
“Quan sát tại các kênh siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, nông sản hữu cơ có nguồn gốc từ Việt Nam đã thâm nhập khá nhiều vào thị trường Australia. Đây là những tín hiệu tốt để tiếp tục giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đến người tiêu dùng nước này” - TS Nguyễn Văn Kiền chia sẻ.