Ẩn số đằng sau "cú bắt tay" EU - Nhật Bản
Việc Liên minh châu Âu và Nhật Bản ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng mới đây được cho là cạnh tranh trực tiếp với Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker cho biết, thỏa thuận này sẽ "hỗ trợ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng mà không cần thiết phải bị nhấn chìm trong núi nợ hoặc bị phụ thuộc vào một quốc gia nào đó”.
EU và Nhật Bản sẽ cùng nhau thực hiện những dự án về phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vận tải và công nghệ số có tác dụng và hiệu ứng kết nối châu Âu với châu Á trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia quan ngại về mô hình đầu tư theo kiểu Trung Quốc trong Sáng kiến "Vành đai và Con đường".
Cả hai bên cũng đồng thuận trong việc thúc đẩy thương mại, đầu tư khu vực và quốc tế tự do và công bằng, không phân biệt đối xử; đảm bảo tính bền vững và các tiêu chuẩn cao về kinh tế, tài chính, xã hội. Đồng thời siết chặt các tiêu chuẩn về môi trường thông qua các dự án này.
Ngoài ra, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã ký một biên bản ghi nhớ để tăng cường hợp tác và thúc đẩy đầu tư vào các nước đang phát triển.
Có thể thấy, thỏa thuận này là một phần trong chiến lược "kết nối châu Á" được EU đưa ra vào năm 2018 để xây dựng một liên minh toàn cầu và tăng cường tầm ảnh hưởng trong bối cảnh Mỹ đang ngày một gia tăng chính sách bảo hộ thương mại và một Trung Quốc không ngừng bành trướng sự hiện diện trên thế giới.
Trong khi Nhật Bản giúp EU có được mối quan hệ kinh tế cân bằng hơn với Trung Quốc, mở ra thị trường khổng lồ và bảo vệ các công ty châu Âu trong vấn đề sở hữu trí tuệ. Ngược lại, EU giúp Nhật Bản tăng cường năng lực ganh đua với Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và vươn tới thị trường đầy tiềm năng đang bế tắc do những ảnh hưởng tiêu cực từ Brexit.
Giới chuyên gia nhận định, thời gian trước đây, một phần do các chính sách tài chính không mấy hiệu quả của các nước trong khu vực cùng những quy định nghiêm ngặt khiến nguồn vốn đầu tư từ châu Âu bị hạn chế và tầm ảnh hưởng của khu vực này bị suy yếu trước Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thông qua các thỏa thuận thương mại tự do, các quốc gia trong EU đang trở lại khu vực châu Á, cụ thể là nhắm tới các nền kinh tế ASEAN, nơi có tốc độ tăng trưởng đều đặn. Nhưng có thể thấy rằng, ngoại trừ thương mại, EU gần như không có biện pháp nào khác để gây ảnh hưởng đến cách ứng xử của các quốc gia trong khu vực.
Do đó, thông qua việc xây dựng mối liên minh chặt chẽ với Nhật Bản, quốc gia đang có tầm ảnh hưởng lớn tại Đông Nam Á và có vai trò dẫn dắt trong khối các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), con đường đến với châu Á của EU sẽ trở nên thuận lợi và có sức "nặng" hơn.
Mặc dù vậy, kế hoạch mới của EU và Nhật Bản được một số quốc gia châu Á đón nhận một cách thận trọng. Theo ông Murat Zhurebekov, Thứ trưởng Bộ Năng lượng của Kazakhstan, các chiến lược mới cần kết nối các quốc gia với nhau thay vì cạnh tranh hay xung đột với các dự án hiện tại.
Mặt khác, Ủy ban châu Âu đang theo dõi một cách cứng rắn đối với các quy định và yêu cầu trong việc ngăn dòng vốn của châu Âu chảy ra ngoài lục địa. Nếu châu Âu nghiêm túc trong việc cạnh tranh với Trung Quốc ở các thị trường mới nổi, các lĩnh vực tư nhân của họ cần phải được khuyến khích để chấp nhận rủi ro đó.
Bên cạnh đó, chuyên gia Mike Okano, nghiên cứu quan hệ EU - châu Á thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế của Hà Lan, EU sẽ phải dành một khoản đầu tư không nhỏ để thực hiện thỏa thuận này, bởi Trung Quốc - với nguồn dự trữ tiền tệ lớn nhất thế giới đang sẵn sàng “rải tiền" để xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch xuyên lục địa Á - Âu.
Không thể phủ nhận, nỗ lực của Nhật Bản và EU trong việc cố gắng bảo vệ một trật tự thế giới tự do chỉ thông qua sức mạnh thị trường trong thời điểm mà Mỹ và Trung Quốc dường như đã sẵn sàng phá vỡ trật tự này bằng một cách tiếp cận cứng rắn. Nhưng cả hai quốc gia vẫn cần phải có thêm nhiều kênh gây ảnh hưởng hơn chứ không chỉ là một liên minh mạnh về thị trường.