Ẩn số gói tín dụng 50.000 tỷ đồng

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Sự kiện “nóng” nhất tuần qua trên thị trường bất động sản là gói tín dụng trị giá 50.000 tỷ đồng dành cho bất động sản và vật liệu xây dựng (VLXD) do Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) khởi xướng chính thức ra mắt.

Hiệu quả của gói tín dụng 50.000 tỷ đồng đối với thị trường bất động sản hiện vẫn còn là một ẩn số. Nguồn: internet
Hiệu quả của gói tín dụng 50.000 tỷ đồng đối với thị trường bất động sản hiện vẫn còn là một ẩn số. Nguồn: internet

Hoạt động “xương sống” của gói tín dụng này là sự kết hợp giữa 4 nhà: Ngân hàng - chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp VLXD. Và đối tượng phục vụ chính là những dự án bất động sản đang triển khai dở dang nhưng thiếu vốn.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB cho biết, đây thực chất vẫn là một gói tín dụng thương mại, nhưng có điểm mới là, nếu chủ đầu tư đang là con nợ ở một ngân hàng khác, khi tham gia dự án này lại được mở tài khoản tại một trong các ngân hàng liên minh.

Ông Mai lý giải, gói tín dụng mới này chỉ khác biệt với các gói cho vay trước đây ở chỗ không cần tài sản đảm bảo, nghĩa là chủ đầu tư sử dụng vật liệu do một bên trong chuỗi liên kết cung ứng hàng hóa đến đâu, ngân hàng sẽ định giá hàng hóa đó rồi cho vay trên tỷ lệ nhất định khoảng 70%. Các khoản vay mới cho chủ đầu tư đang có khoản vay ở ngân hàng khác độc lập với khoản vay cũ.

Ông Mai nhấn mạnh, gói 50.000 tỷ đồng là gói tín dụng thương mại hoàn toàn bình thường, vì vậy, việc tiếp cận được vốn vay trong chương trình hay không là tùy thuộc vào tính khả thi của dự án theo thẩm định của ngân hàng.

Hào hứng đón nhận thông tin này, nhưng nhiều chủ đầu tư có dự án đang triển khai dở dang cũng băn khoăn không rõ điều kiện để tham gia vay vốn từ gói tín dụng này ra sao? Bởi vì, theo quy định của ngân hàng hiện nay, có 2 điều kiện chính để được vay vốn là có tài sản bảo đảm (thế chấp) và có phương án trả nợ. Đa phần các dự án dở dang đã phải vay vốn ở ngân hàng A nào đó, nay lại muốn vay tại ngân hàng B trong liên minh này (dù chỉ là thông qua hoạt động cung cấp vật liệu xây dựng để hoàn thiện dự án) có được không?

Một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của liên minh các ngân hàng này là sự đồng thuận, nhưng liên minh mới quy tụ được rất ít ngân hàng tham gia. Câu hỏi mà các chủ đầu tư đặt ra là đối với các dự án đã vay vốn của các ngân hàng nằm ngoài liên minh này thì có được tham gia vay vốn không? Và sự đồng thuận kể trên có được cam kết bằng một văn bản có tính chất pháp lý nào không?

Về phương án trả nợ, hiện rất nhiều dự án dở dang đều đã tiến hành ký hợp đồng mua bán để huy động vốn của khách hàng. Vậy tỷ lệ huy động vốn này là bao nhiêu thì liên minh sẽ cho vay, bởi nếu tỷ lệ này quá cao thì dù có hoàn thiện dự án để bàn giao cho khách, số tiền thu về cũng không đủ trả gốc và lãi cho ngân hàng.

Còn nhớ, câu chuyện cho vay các dự án dở dang phức tạp đến mức tại cuộc làm việc giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Bộ Xây dựng hồi tháng 1/2014 vừa qua, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, nhiều chủ đầu tư đã đến BIDV xin vay vốn để hoàn thiện dự án, nhưng không đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt, mặc dù dự án có vị trí rất đẹp và rất tiềm năng giải quyết đầu ra.

Vì vậy, ông Hà đã đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép khoanh nợ đối với các khoản vay cũ của các dự án tốt, để ngân hàng tiếp tục cho chủ đầu tư vay hoàn thiện dự án. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản trình Chính phủ mới đây, đề xuất khoanh nợ này của BIDV đã không được đề cập tới.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang “khát” vốn, việc ra đời của gói 50.000 tỷ đồng có tác động lớn về mặt tâm lý, nhưng tính hiệu quả của việc đưa dòng vốn này vào thực tế như thế nào cần có thời gian kiểm chứng.

Còn ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Nam Long thì cho rằng, việc liên kết 4 nhà để hình thành chuỗi hoạt động ngành xây dựng là một ý tưởng tốt, nhưng mỗi bên tham gia phải tự nguyện thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Trong đó, người bán, nhà cung ứng phải đưa ra giá cả như thế nào cho phù hợp; ngân hàng phải giải ngân vốn đúng tiến độ với lãi suất phù hợp; chủ đầu tư, nhà thầu phải triển khai dự án đúng tiến độ.

Sau sự bê trễ của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng khi đến nay mới giải ngân được khoảng 4%, với nhiều phức tạp mà các ngân hàng và chủ đầu tư có dự án triển khai dở dang phải giải quyết, thì hiệu quả của gói tín dụng 50.000 tỷ đồng đối với thị trường bất động sản hiện vẫn còn là một ẩn số.