Tỉnh An Giang:
An toàn phục hồi du lịch hậu COVID-19
Trong 2 năm qua, hoạt động du lịch của An Giang đã chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh COVID-19, có 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động. Trong khi đó, nhóm ngành dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng liên tục sụt giảm với mức tăng trưởng thấp. Vì vậy, để khôi phục hoạt động, ngành du lịch An Giang đang chuẩn bị, thận trọng từng bước, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Là địa phương trọng điểm về du lịch của tỉnh An Giang, ngành Du lịch TP. Châu Đốc đã xây dựng lộ trình đón khách cụ thể trên cơ sở bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch nhằm từng bước phục hồi, phát triển ngành Du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
“Thành phố đã thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19, địa phương đang đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng COVID-19 toàn dân. Châu Đốc đã kiến nghị, đề xuất, xin chủ trương của tỉnh để mở cửa miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Đây là bước khởi động, từng bước mở cửa ngành Du lịch thành phố, mục tiêu phải đảm bảo an toàn cho du khách” - Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn chia sẻ.
Với hướng đi này, Châu Đốc kỳ vọng sẽ từng bước khôi phục hoạt động du lịch. Từ đó, lan tỏa, thúc đẩy phát triển các ngành khác, như: giao thông, công thương, xây dựng, bất động sản... góp phần tạo nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, đồng thời hạn chế nguy cơ mất cơ hội phục hồi ngành kinh tế trọng điểm của thành phố, tỉnh.
Sau thời gian dài “ngủ đông” Công ty Cổ phần Du lịch An Giang (thuộc Tập đoàn Sao Mai) đang chuẩn bị phương án tái khởi động. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, sự cho phép của cơ quan chức năng và nhu cầu của thị trường, Công ty Cổ phần Du lịch An Giang sẽ có kế hoạch mở cửa ngành Du lịch phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch An Giang Trần Minh Trí cho biết, khi nắm thông tin miếu Bà chúa Xứ núi Sam sẽ mở cửa trong thời gian tới, đơn vị đang chuẩn bị kế hoạch để đón khách. Bởi đây là cú hích để tái khởi động các hoạt động của đơn vị nói riêng và ngành Du lịch của tỉnh nói chung, thu hút du khách về An Giang tham quan, cúng bái, sử dụng các dịch vụ lưu trú và dịch vụ du lịch.
Để triển khai chủ trương mới của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, ngành Du lịch An Giang đang xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, ghi nhận ý kiến của du khách để phục hồi các hoạt động du lịch. Theo đó, ngành Du lịch tỉnh sẽ triển khai mô hình “bong bóng du lịch”, liên kết với một số tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh với hình thức khách đi tour/combo khép kín qua công ty lữ hành.
“Chúng tôi rất quan tâm phục hồi du lịch nhưng phải phù hợp với thực tiễn của địa phương trong phòng, chống dịch. Việc phục hồi kinh tế, trong đó có du lịch, phụ thuộc rất lớn vào việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc mở cửa ngành Du lịch phải thực hiện từng bước, thận trọng gắn với độ phủ vắc xin” - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp cho biết. Trước mắt, sau khi có chủ trương, kế hoạch của UBND tỉnh, trong thời gian sớm nhất có thể, ngành Du lịch An Giang sẽ mở cửa đón khách du lịch nội địa.
Thiết nghĩ, để góp phần đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và đạt tiêu chuẩn phục vụ khách, đối với cơ sở được chọn đón khách, người lao động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Du khách đến trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch tham gia đón khách phải bảo đảm các điều kiện về con người, cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ và quy trình phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, cần xây dựng môi trường du lịch an toàn để kích thích nhu cầu du lịch của du khách đang bị “nén” trong nhiều tháng qua. Giải pháp ưu tiên đó là ban hành các chính sách và triển khai các biện pháp an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến để tạo sự tin tưởng cho khách du lịch.
Thời gian tới, để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển, cần có giải pháp tăng năng lực cho doanh nghiệp du lịch về phát triển bền vững, cơ cấu lại hoạt động xúc tiến quảng bá, định vị thị trường mục tiêu, xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên xây dựng các gói kích cầu du lịch.
Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương, hợp tác chặt chẽ giữa ngành Du lịch và các bên cung ứng dịch vụ liên quan, như: giao thông, thương mại, dịch vụ… phục vụ khách du lịch gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.