Ảnh hưởng bởi Covid-19, vốn ngoại vào bất động sản sụt giảm mạnh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay.
Theo báo cáo này, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, có 1.797 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 25,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 9,73 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư tăng chủ yếu vẫn do dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký mới.
Về vốn điều chỉnh, có 718 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 20,9% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Vốn điều chỉnh trong 8 tháng tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và dự án Khu Trung tâm đô thị tây hồ Tây (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 4.804 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 8,2% so với cùng kỳ; tổng giá trị vốn góp 4,93 tỷ USD, bằng 51,8% so với cùng kỳ. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, từ gần 42% trong 8 tháng năm 2019 xuống 25,2% trong 8 tháng năm 2020.
Đáng chú ý, các nhà nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 2,87 tỷ USD và 1,21 tỷ USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Như vậy, sau nhiều tháng giữ vị trí số 2 sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo, hoạt động kinh doanh bất động sản đã bị tụt hạng trong thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Báo cáo JLL công bố hồi cuối tháng 7/2020 cho biết, hoạt động đầu tư vào thị trường bất động sản tiếp tục lao dốc khi nhiều quốc gia vẫn còn đóng cửa thành phố và hạn chế đi lại, tác động lớn đến những kế hoạch triển khai vốn trong ngắn hạn.
Theo ông Stuart Crow, Giám đốc bộ phận Thị trường vốn khu vực châu Á Thái Bình Dương của JLL, sự sụt giảm đáng kể các giao dịch từ đầu năm tới nay là do thị trường thiếu hụt những tài sản sẵn sàng để bán và sự không chắc chắn về thời gian phục hồi của các nền kinh tế.
Ông Crow cho biết thêm, thanh khoản vẫn rất cao và dòng vốn đầu tư sẽ tăng trở lại khi các nền kinh tế mở cửa, đồng thời, mức giá sẽ được điều chỉnh ở một số thị trường. Khẩu vị của các quỹ đầu tư lớn vẫn là ưa chuộng các tài sản văn phòng tại những thị trường cốt lõi. Vì vậy, các tòa nhà văn phòng tiếp tục đón nhận nhiều vốn đầu tư nhất.
Các trung tâm hậu cần và bất động sản thay thế như trường học và trung tâm dữ liệu cũng đang rất thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư, thúc đẩy một loạt các cuộc gọi vốn và liên doanh mới. Các giao dịch đầu tư vào thị trường bán lẻ và khách sạn vẫn tiếp tục trì trệ trong thời gian qua.