Vận dụng kế toán quản trị môi trường trong kinh doanh nhà hàng, khách sạn tại TP. Đà nẵng

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2019

Kế toán quản trị môi trường được xem là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp đạt được 2 mục tiêu, đó là lợi nhuận và phát triển bền vững (nghĩa là vừa đạt được lợi ích về mặt kinh tế và vừa bảo vệ môi trường). Tuy nhiên, tại Việt Nam, ứng dụng kế toán quản trị môi trường chưa được triển khai thực hiện nhiều đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ. Bài viết phân tích đặc điểm ngành Dịch vụ và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện kế toán quản trị môi trường tại các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn tại TP. Đà Nẵng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Mục đích tổng quát của sử dụng thông tin kế toán quản trị môi trường (EMA) là cho các tính toán nội bộ của tổ chức và cho ra quyết định. Quá trình xử lý thông tin của EMA nhằm phục vụ cho việc ra quyết định bao gồm các tính toán vật chất như nguyên liệu, năng lượng tiêu thụ, dòng luân chuyển vật tư, lượng vật chất bị loại bỏ hoặc xả thải và các tính toán tài chính có tính tiền tệ đối với chi phí (cả phần bỏ thêm và tiết kiệm được) doanh thu và thu nhập có liên quan đến các hoạt động có khả năng ảnh hưởng và tác động tiềm tàng đến môi trường.

Những năm gần đây, vấn đề môi trường luôn là vấn đề nóng trên phạm vi toàn cầu, thu hút sự quan tâm của tất cả các quốc gia. Do đó, sự thay đổi trong nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN) trước các vấn đề môi trường đã đặt kế toán truyền thống tại DN trước thách thức: Làm sao và bằng cách nào có thể thực hiện nghiệp vụ kế toán môi trường? Không chỉ thông qua vai trò có tính truyền thống là ghi chép và báo cáo các thông tin tài chính, mà còn thể hiện được vai trò của kế toán như là một công cụ trợ giúp hữu hiệu cho các nhà quản lý trong quản trị các vấn đề môi trường trong phạm vi từng đơn vị kinh tế.

Trong bối cảnh đó, sự ra đời của kế toán môi trường (KTMT) là một tất yếu nhằm đáp ứng các đòi hỏi về thông tin môi trường trong hoạt động của các đơn vị cả ở góc độ lý luận và thực tiễn. KTMT trong DN là một bộ phận cấu thành của kế toán liên quan đến các thông tin về hoạt động môi trường trong phạm vi DN nhằm thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về môi trường cho các đối tượng trong và ngoài DN sử dụng để ra quyết định.

Hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn là lĩnh vực kinh doanh phát triển rất mạnh mẽ những năm gần đây tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng, theo khảo sát của nhóm tác giả tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng khách sạn từ các resort cao cấp như: Furama, Pullman, Olanani… đến các nhà hàng, khách sạn quy mô nhỏ hơn cho thấy, có rất ít doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này am hiểu về kế toán quản trị môi trường và vận dụng kế toán quản trị môi trường vào công tác kế toán tài chính tại doanh nghiệp.

Kinh doanh nhà hàng, khách sạn là ngành công nghiệp “không khói”, có nhiều tiềm năng phát triển. Nắm bắt được điều này, các nhà quản lý trong lĩnh vực này đã thực hiện tốt các vấn đề môi trường và xã hội sẽ đem lại lợi ích cho hoạt động kinh doanh, cho môi trường và cho cộng đồng, từ việc tiết kiệm năng lượng đến việc đảm bảo môi trường tại điểm đến. Tại các DN kinh doanh lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn, hệthống kế toán chỉ mới tập trung vào việc công bố các thông tin ra bên ngoài, tức là thực hiện chức năng của kế toán tài chính, chưa nhận thức được khả năng hỗ trợ của kế toán quản trị (KTQT) đặc biệt là KTMT. Đây là vấn đề DN cần quan tâm và thực hiện để KTQT trở thành công cụ quản lý hiệu quả của DN, từ đó, đánh giá đúng thực trạng EMA trong các DN dịch vụ và đưa ra những giải pháp ứng dụng EMA trong các DN.

Đặc điểm doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn tại Đà Nẵng

Hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn là một trong các lĩnh vực kinh doanh phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây tại Đà Nẵng. Ngoài 2 dịch vụ là lưu trú và ăn uống, các nhà kinh doanh đã tổ chức các hoạt động khác như: Các hội nghị, hội thảo, phục vụ vui chơi, giải trí... Trong các dịch vụ trên có những dịch vụ do nhà hàng, khách sạn sản xuất để cung cấp cho khách hàng như: Dịch vụ nhà hàng khách sạn, ăn uống, vui chơi giải trí...

Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020, trở thành thành phố phát triển mạnh về dịch vụ. Hiện tại, Đà Nẵng, hàng nghìn nhà hàng được mở ra từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, từ nhà hàng cho đến khách sạn và cũng là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến nơi này. Sự đa dạng hóa các loại dịch vụ đã dẫn đến tình trạng môi trường bị ô nhiễm bởi các chất hóa học, sinh học, tiếng ồn... gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các cơ thể sống khác.

Nhìn chung, việc sử dụng các tài nguyên sẵn có phục vụ cho hoạt động kinh doanh như việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại như máy điều hoà nhằm tạo sự thoải mái cho một số lượng lớn khách nhưng lại là tác nhân gây ô nhiễm không khí, làm thay đổi nhiệt độ môi trường. Việc sử dụng nước cho nhu cầu ở các hồ bơi, bãi cỏ, sân gofl có thể làm suy thoái hay hủy hoại nguồn nước, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước thường xuyên cho nhu cầu ở Đà Nẵng.

Trong kinh doanh nhà hàng, khách sạn lượng nước thải các máy giặt, bồn rửa tay, vòi sen, nhà tắm và nước từ máng xối, hoặc là “nước đen”, là nước thải từ các nhà vệ sinh và nước rửa chén bát của nhà bếp. Bên cạnh đó, một lượng lớn chất thải rắn, bao bì, các loại thức ăn thừa, các vật liệu sử dụng trong công việc vệ sinh và bảo trì, một vài thứ trong số này là độc hại. Trong nhiều trường hợp, chất thải được tập trung tại các thùng rác không thích hợp không phân loại ngay từ đầu hoặc được thải trực tiếp vào môi trường tự nhiên. 

Thực trạng áp dụng EMA trong kinh doanh nhà hàng, khách sạn tại Đà Nẵng

Trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng EMA trong kinh doanh nhà hàng, khách sạn (Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản…). Việc áp dụng EMA tại các nước này nhằm kiểm soát chi phí, phục vụ cho việc chọn lựa và phát triển sản phẩm, dịch vụ, tập trung vào đo lường chi phí hoạt động môi trường. Cụ thể là những chi phí xử lý ô nhiễm môi trường, phân bổ chi phí môi trường trên cơ sở hoạt động, đo lường và đánh giá lợi ích môi trường. 

Tuy nhiên, tại Việt Nam, cụ thể hơn là tại Đà Nẵng, theo khảo sát của nhóm tác giả tại các DN kinh doanh dịch vụ nhà hàng khách sạn tại Đà Nẵng từ các resort cao cấp như: Furama, Pullman, Olanani… đến các nhà hàng, khách sạn quy mô nhỏ hơn cho thấy, có rất ít DN kinh doanh trong lĩnh vực này am hiểu về EMA và vận dụng EMA vào công tác kế toán tài chính tại DN. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do các yếu tố sau:

Một là, các quy định về thực hiện EMA chưa được ban hành. Tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ môi trường được thực hiện dựa trên Luật Môi trường được ban hành lần đầu vào năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011 quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường. Triển khai Nghị định này, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP; Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28/9/2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 152/2011/TT-BTC… Nhìn chung, các quy định trên chưa liên quan trực tiếp đến việc áp dụng EMA trong DN, đặc biệt là DN kinh doanh nhà hàng, khách sạn.

Đối với loại hình kinh doanh dịch vụ nhà trường, khách sạn, chi phí liên quan đến môi trường bao gồm chi phí sử dụng năng lượng, chi phí sử dụng nước, chi phí quản lý rác thải, chi phí quản lý nước thải, chi phí quản lý hóa chất, chi phí liên quan đến quá trình mua sắm… Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, các quy định về chế độ kế toán hiện hành chưa có các văn bản hướng dẫn DN trong việc bóc tách và theo dõi chi phí liên quan đến việc bảo vệ môi trường và cũng chưa có tài khoản để theo dõi các khoản chi phí này. Do đó, DN rất lúng túng thu thập thông tin, nhận diện chi phí, lợi ích liên quan đến môi trường và cũng chưa biết cách thức hạch toán cho phù hợp.

Hai là, năng lực của người làm công tác kế toán EMA còn hạn chế. Tổ chức KTQT trong DN là điều cần thiết, nhưng phải cân nhắc đến vấn đề chi phí và lợi ích. Vì vậy, khi áp dụng EMA, DN nên cân nhắc tính phù hợp theo quy mô hoạt động của DN. Hiện nay, việc thực hiên các hoạt động kế toán tài chính của DN như tính giá thành sản phẩm, dịch vụ, xác định kết quả kinh doanh đã chiếm phần lớn thời gian của người làm công tác kế toán. Từ thực tế này, vấn đề đặt ra là nếu tổ chức EMA thì ai sẽ là người đảm nhiệm công việc này trong điều kiện nguồn nhân lực hạn chế.

Ba là, hạn chế về khoa học công nghệ. Một số DN kinh doanh lĩnh vực nhà hàng, khách sạn tại Đà Nẵng dù đã quan tâm đến vấn đề EMA nhưng còn gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng, bởi những hạn chế về khoa học công nghệ, chưa xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả môi trường. Tại Việt Nam, dưới áp lực phát triển kinh tế lên môi trừờng, yêu cầu xâydựng các chính sách phù hợp, cũng như thực hiện có hiệu quả các chính sách ngày càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên, nếu không có cơ sở để đánh giá hiệu quả các chính sách môi trường đã ban hành một cách thống nhất, thì việc điều chỉnh, hay xây dựng các chính sách mới sẽ rất khó khăn và không phù hợp với yêu cầu thực tế.

Mặt khác, dù có những chỉ số đánh giá chất lượng môi trường, các chương trình quan trắc, công tác hoạch định chính sách ở nuớc ta hiện vẫn đang đối mặt với các thách thức như: Dữ liệu môi truờng không đầy đủ, thiếu đồng bộ, mâu thuẫn, độ tin cậy thấp. Vì vậy, việc tiếp cận theo phương pháp đánh giá hiệu quả mà quốc tế đang thực hiện là một huớng tiếp cận phù hợp. Cần có một cơ sở dữ liệu chuẩn, tập hợp các chỉ tiêu định lượng, để công tác phân tích đánh giá các chính sách môi trường giúp cho quá trình hoạch định chính sách và thực thi hiệu quả hơn.

Giải pháp ứng dụng thực hiện EMA trong doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn

Để thực hiện EMA trong các trong DN kinh doanh nhà hàng, khách sạn, cần đẩy mạnh triển khai các nội dung sau:

Thứ nhất, các quy định về thực hiện EMA. Để có lộ trình thực hiện EMA rõ ràng, DN cần có các căn cứ để thực hiện mà đó chính là các văn bản hướng dẫn thực hiện. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với hiệp hội nghề nghiệp để ban hành những chuẩn mực về kế toán môi trường, quy định những thông tin môi trường trình bày trong báo cáo cung cấp cho bên ngoài DN, nhằm đảm bảo sự thống nhất quản lý về môi trường. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức, DN nghiên cứu các vấn đề về EMA và khuyến khích các DN áp dụng EMA; Các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn về EMA và nhấn mạnh đây là công cụ hữu hiệu trong quản lý hoạt động môi trường của DN.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thực hiện EMA. Đối với nhân viên kế toán, cần tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ thường xuyên bao gồm đào tạo chuyên môn lĩnh vực kế toán và đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong kế toán. Quá trình thu thập, xử lý, phân tích thông tin môi trường cho các quyết định của nhà quản trị khá phức tạp, có nhiều kỹ thuật khó cần có sự am hiểu toàn diện về quy trình công nghệ sản xuất, các tác động môi trường và chuyên môn kế toán nên quá trình đào tạo càng cần thiết hơn.

Thứ ba, thay đổi nhận thức của DN về EMA. Trước hết, DN cần thay đổi nhận thức và trách nhiệm xã hội của mình đối với vấn đề môi trường. Các nhà quản trị DN cần thường xuyên quan tâm cập nhật và thực hiện EMA trong các DN, nhất là đối với các DN kinh doanh nhà hàng, khách sạn; chú trọng đầu tư nguồn lực tài chính và nhân lực cho bộ máy kế toán, trong đó có kế toán môi trường

Thứ tư, cần tìm hiểu, nghiên cứu việc vận dụng EMA tại các nước phát triển, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm áp dụng EMA trong các DN Việt Nam để EMA thực sự trở thành công cụ giúp các DN đạt được mục tiêu phát triển bền vững.  

Tài liệu tham khảo:

1. http://vaa.net.vn/Tin-tuc/Tin-chi-tiet/newsid/4325/Cong-nghiep-40-va-ke-toan-quan-tri-moi-truong-trong-cac-doanh-nghiep-che-bien-dau-khi-thuoc-Tap-doan-Dau-khi-Viet-Nam-PVN;

2. http://kinhte.saodo.edu.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/cong-tac-quan-ly-moi-truong-trong-kinh-doanh-khach-san-507.html;

3. http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ke-toan-quan-tri-moi-truong-tai-cac-doanh-nghiep-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap-46519.htm;

4. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/phat-trien-ke-toan-quan-tri-moi-truong-cho-cac-doanh-nghiep-viet-nam-302812.html;

5. https://www.vietsourcing.edu.vn/ban-tin-chuyen-nganh/2887-khai-quat-ke-toan-quan-tri-moi-truong.html.