Ảnh hưởng từ cổ phiếu xanh đến phát triển kinh tế của các tỉnh, thành phố ở việt nam

Nguyễn Linh Chi, Lê Phương Uyên, Trần Khánh Hòa, Trần Khánh Huyền, Đoàn Thị Minh Thủy, Kim Hương Trang

Nghiên cứu này xem xét sự tác động của cổ phiếu xanh đến tăng trưởng kinh tế trước và sau đại dịch COVID-19. Dữ liệu được sử dụng bao gồm giá trị cổ phiếu xanh của 239 công ty và thông tin về tăng trưởng kinh tế của 44 tỉnh, thành ở Việt Nam trong giai đoạn trước và sau đại dịch COVID-19. Trong nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng phương pháp ước lượng bình phương tổng quát để đề xuất một mô hình về tác động của cổ phiếu xanh đến phát triển kinh tế của các tỉnh, thành. Mô hình cho thấy việc phát hành cổ phiếu xanh có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế của mỗi tỉnh, thành thông qua GDP danh nghĩa, đặc biệt là sau giai đoạn COVID-19, vai trò của cổ phiếu xanh trong thúc đẩy phát triển kinh tế cũng ngày càng được củng cố.

Giới thiệu

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo Ngân hàng Thế giới (WB, 2022), việc chuyển đổi sang nền kinh tế phát triển thích ứng với khí hậu và hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 dự kiến sẽ cần đầu tư tương đương khoảng 6,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Do đó, Việt Nam cần có sự kết hợp phù hợp giữa hệ thống chính sách và tài chính để thúc đẩy các mục tiêu phát triển mà không cản trở tăng trưởng GDP.

Để theo đuổi sự phát triển thích ứng với khí hậu, các nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu đã đề xuất nhiều chiến lược khác nhau bao gồm sản xuất bền vững, tái chế tài nguyên, áp thuế bảo vệ môi trường, thành lập quỹ khí hậu và tài chính xanh. Đặc biệt, thuật ngữ “tài chính xanh” được đánh giá như một sự đổi mới hệ thống tài chính, hướng tới thúc đẩy mối quan hệ cùng có lợi giữa tiến bộ kinh tế và cải thiện môi trường (Yang, 2023).

Chứng khoán xanh là một công cụ quan trọng của tài chính xanh. Nghiên cứu này sẽ phân tích tác động của chứng khoán xanh lên phát triển kinh tế của 44 tỉnh, thành tại Việt Nam trong giai đoạn trước và sau COVID-19; qua đó, góp phần đánh giá mối quan hệ giữa chứng khoán xanh và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Tổng quan lý thuyết

Theo Miar và cộng sự (2022), tài chính xanh có tác động đáng kể đến sự phục hồi của nền kinh tế sau đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19, nâng cao vị thế tài chính của các quốc gia. Tài chính xanh được xác định là chìa khóa để thúc đẩy, cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế (Mehmet Akif Destek và Avik Sinha 2020). Đồng thời, Zhou và cộng sự (2020) đã công bố nghiên cứu về tác động tích cực của tài chính xanh đối với sự phát triển kinh tế. Do đó, nghiên cứu này cho rằng, sự gia tăng giá trị cổ phiếu xanh sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế.

Phương pháp nghiên cứu

Mô tả dữ liệu

Tập mẫu của nghiên cứu bao gồm 239 doanh nghiệp (DN) trên 44 tỉnh, thành tại Việt Nam. Các DN được lựa chọn bao gồm DN niêm yết trên hai Sở Giao dịch Chứng khoán của Việt Nam và các DN chưa niêm yết trên thị trường OTC từ năm 2017 đến năm 2022, góp phần tạo nên dữ liệu bảng cân đối gồm 1.231 quan sát. Nhóm tác giả đã quy các DN về tỉnh dựa trên địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, các dữ liệu thứ cấp được thu thập cẩn thận từ báo cáo tài chính thường niên, báo cáo phát triển bền vững của DN nhằm đạt được kết quả chính xác nhất. Các dữ liệu cấp tỉnh và cấp quốc gia được thu thập từ WB và Tổng cục Thống kê Việt Nam. Để tạo biến tài chính xanh, nhóm đánh giá và lựa chọn dữ liệu của các DN xanh tại Việt Nam dựa trên ngành hoạt động kinh doanh, báo cáo phát triển bền vững, các giải thưởng và chứng nhận liên quan theo Bảng 1.

Mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng nghiên cứu định lượng, tiến hành so sánh các phương pháp hồi quy OLS, FEM, REM để lựa chọn mô hình phù hợp nhất với mẫu dữ liệu và mô hình. Sau đó, nhóm tác giả sẽ tiến hành kiểm định tương quan chuỗi (Kiểm định Wooldridge) và kiểm định phương sai số sai thay đổi (Kiểm định Wald) để kiểm tra các khiếm khuyết của mô hình. Nếu mô hình hồi quy có hiện tượng phương sai sai số thay đổi và tự tương quan thì nhóm sẽ sử dụng phương pháp ước lượng bình phương tối thiểu tổng quát (GLS) để khắc phục, giúp cho kết quả ước lượng không chệch và hiệu quả.

Dựa trên các nghiên cứu thực nghiệm, nhóm tác giả đưa ra mô hình tổng thể về tác động của cổ phiếu xanh đến phát triển kinh tế của tỉnh như sau:

Kết quả ước lượng và phân tích

Sau khi thực hiện thống kê mô tả và phân tích tương quan, nhóm tác giả kiểm định đa cộng tuyến bằng lệnh VIF. Kết quả Bảng 2 cho thấy, tất cả các hệ số đều nhỏ hơn 4, do đó kết luận mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến.

Nghiên cứu tiến hành các kiểm định lựa chọn mô hình, dựa trên kiểm định F trong Bảng 3, cho thấy Prob > F = 0,000 < α = 5%. Vì vậy, khi xem xét mức độ ảnh hưởng cố định hiện có của mỗi DN theo thời gian, có thể kết luận rằng: FEM là phù hợp hơn OLS. Sau đó, nhóm tác giả sử dụng kiểm định Hausman để lựa chọn giữa mô hình FEM và REM. Kết quả kiểm định Hausman trong Bảng 3 cho thấy, mô hình FEM là mô hình phù hợp nhất cho dữ liệu với P_value = 0,0053 < α= 5%.

Bảng 1: Mô tả các biến nghiên cứu

Tên biến

Mô tả

Kỳ vọng

GDP

Logarit tự nhiên của giá trị tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa theo tỉnh thành

/

GRS

Logarit tự nhiên của giá trị cổ phiếu xanh

+

GRS_CV

Logarit tự nhiên của giá trị cổ phiếu xanh được phát hành sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra

+

ASSET

Logarit tự nhiên của tổng tài sản doanh nghiệp

+

PRO

Lợi nhuận sau thuế

+

REV

Doanh thu thuần

+

PO

Dân số của tỉnh

+

FDI

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh

+

ROE

Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu

+

RND

Chi phí đầu tư và phát triển của doanh nghiệp

+

Nguồn: Nghiên cứu của nhóm tác giả

Bảng 2: Kiểm định đa cộng tuyến

Tên Biến

VIF

1/VIF

Tổng tài sản

3.62

0.276024

Giá trị cổ phiếu xanh

3.13

0.319991

Lợi nhuận sau thuế

1.81

0.551585

Doanh thu thuần

1.5

0.667763

Dân số của tỉnh

1.13

0.886838

ROE

1.12

0.889316

Giá trị cổ phiếu xanh sau đại dịch COVID

1.11

0.897678

FDI

1.07

0.931019

Chi phí đầu tư và phát triển của doanh nghiệp

1.01

0.991286

Giá trị VIF trung bình

1.72

 

Nguồn: Tính toán của tác giả sử dụng phần mềm Stata17

Bảng 3: Kết quả hồi quy các mô hình

 

OLS

FEM

REM

GLS

Giá trị cổ phiếu xanh

0.0309

0.0497

0.101***

0.0303**

(0.214)

(0.178)

(0.000)

(0.037)

Giá trị cổ phiếu xanh sau đại dịch COVID

0.00390*

0.00474***

0.00361**

0.00544***

(0.053)

(0.000)

(0.019)

(0.000)

Tổng tài sản

0.0246

-0.0048

0.015

0.0183

(0.275)

(0.796)

(0.483)

(0.171)

Lợi nhuận
sau thuế

-0.00109

-0.000139

0.000369

0.000674

(0.923)

(0.198)

(0.976)

(0.379)

Doanh thu thuần

0.000401

0.000163

0.0004.32

-0.000746

(0.767)

(0.323)

(0.798)

(0.936)

Dân số của tỉnh

0.000196***

-0.0000128*

0.0000989***

0.000199***

(0.000)

(0.063)

(0.000)

(0.000)

FDI

0.000214***

0.0000139**

0.000116***

0.000205***

(0.000)

(0.041)

(0.000)

(0.000)

ROE

-0.444**

-0.101

-0.371*

-0.519***

(0.027)

(0.563)

(0.064)

(0.000)

Chi phí đầu tư
và phát triển
của doanh nghiệp

0.000835

0.000111

0.000158

0.000729

(0.644)

(0.964)

(0.510)

(0.497)

Hệ số chặn

30.27***

32.32***

29.40***

30.48***

(0.000)

(0.000)

(0.000)

(0.000)

Số quan sát

1231

1231

1231

1231

R2

0.648

0.051

0.7763

0.762

Prob > F

0.000

0.000

 

0.000

Kiểm định F (Prob>F) 0.0000

Kiểm định Hausman (Prob > chi2) 0.0053

Kiểm định Wald (Prob > chi2) 0.0000

Kiểm định Wooldridge (Prob > F) 0.0503

Ghi chú: ***, **, và * tương ứng với mức ý nghĩa thống kê 1%, 5% và 10%

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

 

Kết quả hồi quy từ mô hình GLS Bảng 3 cho thấy, giá trị cổ phiếu xanh của DN xanh (GRS) có mối liên hệ tích cực lên GDP của tỉnh với ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Nói cách khác, các tỉnh có giá trị cổ phiếu DN xanh cao hơn có xu hướng có GDP cao hơn, cho thấy lợi ích tiềm năng của đầu tư xanh cho tăng trưởng kinh tế (Xiaoguang Chu, 2020).

Các biến giá trị cổ phiếu xanh trong thời kỳ COVID-19 (GRS_CV), đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh (FDI) và dân số của tỉnh (POP) cho thấy tác động tích cực mạnh mẽ với GDP ở mức ý nghĩa 1%. Điều này cho thấy, các tỉnh có giá trị tăng đầu tư vào cổ phiếu xanh sau đại dịch COVID-19 sẽ có mức tăng GDP đáng kể hơn so với so với đầu tư cổ phiếu xanh trước đại dịch (Quang Thanh Ngo, 2022).

Bảng 3 chỉ ra một mối quan hệ ngược chiều giữa ROE và GDP có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Điều này có thể do các công ty có ROE cao có thể đang tái đầu tư lợi nhuận vào hoạt động kinh doanh thay vì phân phối dưới dạng cổ tức, dẫn đến lưu thông kinh tế chung chậm hơn trong tỉnh.

Kết luận và khuyến nghị

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cổ phiếu xanh có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Tỉnh, thành nào có giá trị phát hành cổ phiếu xanh càng lớn thì kinh tế càng phát triển. Bên cạnh đó, tác động của cổ phiếu xanh đối với phát triển kinh tế càng trở nên mạnh mẽ và rõ rệt hơn sau COVID-19.

Từ kết quả trên, nhóm tác giả đề xuất giải pháp chính sách để thúc đẩy sự phát triển của cổ phiếu xanh nói riêng và tài chính xanh nói chung.

Thứ nhất, Chính phủ nên sử dụng chính sách tài khóa để khuyến khích các DN phát hành cổ phiếu xanh và tận dụng nguồn vốn tài khóa để định hướng dòng vốn vào chứng khoán xanh.

Thứ hai, Chính phủ nên có những biện pháp thích hợp để hỗ trợ chính sách cho phát triển tài chính xanh như hoàn thiện khung pháp lý cho tài chính xanh, giảm ngưỡng phát hành và giao dịch cho cổ phiếu xanh và chứng khoán xanh, đồng thời ưu tiên, tạo điều kiện cho niêm yết lần đầu của các DN xanh và bền vững.

Tài liệu tham khảo:

  1. Mehmet Akif Destek, Avik Sinha (2020), “Renewable, non-renewable energy consumption, economic growth, trade openness and ecological footprint: Evidence from organization for economic Co-operation and development countries”, Journal of Cleaner Production;
  2. Miar; Neneng, Sunaryo; Sui, Jeky Melkianus (2022), “The impact Covid-19 outbreak, green finance, creativity and sustainable economic development on the economic recovery in G20 countries”, International Journal of Energy Economics and Policy;
  3. Ngo, T. Q., Doan, P. N., Vo, L. T., Tran, H. T. T., & Nguyen, D. N. (2021), The influence of green finance on economic growth: A COVID-19 pandemic effects on Vietnam Economy. Cogent Business & Management, 8(1), 2003008.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2024