Áp dụng định danh điện tử tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Tác động của đại dịch Covid-19 đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó lĩnh vực ngân hàng là khá nặng nề. Để tránh việc lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 thì cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp tại những nơi đông người.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã có nhiều giải pháp để vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động giao dịch với khách hàng diễn ra thông suốt. Một trong những biện pháp tối ưu được các ngân hàng thương mại áp dụng hiện nay là định danh điện tử (eKYC). Với giải pháp eKYC, các ngân hàng thương mại sẽ hướng đến mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng định hướng của Chính phủ.
Tổng quan về định danh điện tử trong lĩnh vực ngân hàng
Định danh điện tử trong lĩnh vực ngân hàng
Thuật ngữ Định danh - KYC (Know Your Customer) có nghĩa là “hiểu khách hàng của bạn”. Định danh là khâu đầu tiên trong tất cả các hoạt động tài chính-ngân hàng bởi trước khi để khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của mình thì các ngân hàng thương mại (NHTM) hay tổ chức tài chính phải nhận biết về khách hàng của mình. Đây là quá trình xác minh danh tính khách hàng của ngân hàng khi mở tài khoản, để xác minh khách hàng là thật hay không.
KYC giúp NHTM xác định danh tính, thông tin khách hàng rõràng, để đưa họ vào hệ thống quản lý, giám sát tốt hơn thông qua việc đối chiếu các thông tin từ các tài liệu xác định danh tính như: Chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, bằng lái xe… và quan trọng nhất là thông qua sự hiện diện trực tiếp của khách hàng.
Còn eKYC là định danh điện tử trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là quá trình nhận biết danh tính khách hàng trên các tài khoản điện tử, tức là xác định danh tính khách hàng khi mở tài khoản và sử dụng tài khoản ngân hàng điện tử. Hiện nay, quy trình định danh khách hàng trực tuyến được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Khách hàng nhập các trường thông tin cần thiết được yêu cầu trên ứng dụng. Sau đó, khách hàng chọn tài liệu để xác minh. Khách hàng sẽ được yêu cầu chụp hai mặt các tài liệu chứng minh như: Hộ chiếu, bằng lái xe hoặc chứng minh thư nhân dân…
Bước 2: Tất cả thông tin của khách hàng sẽ được trích xuất tự động trên công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR) và khách hàng có thể kiểm tra và chỉnh sửa lại. Sau đó, khách hàng được yêu cầu xác minh bằng hình selfie hoặc selfie video.
Bước 3: Trường hợp công nghệ phát hiện người thật (liveness detection) và nhận diện khuôn mặt (face matching) giúp xác minh được hình ảnh của khách hàng thông qua selfie video khớp với hình ảnh trên tài liệu mà khách hàng đã cung cấp thì kết quả xác nhận thành công. Nếu khách hàng được thực hiện không thành công, thì họ sẽ phải tiến hành xác thực lại.
Lợi ích từ eKYC đối với các ngân hàng thương mại
Theo các chuyên gia công nghệ tài chính, trong hoạt động của ngân hàng, KYC không chỉ giúp ngân hàng biết về khách hàng sử dụng dịch vụ sản phẩm nào mà còn có những thông tin cần thiết nhất khi có rủi ro xảy ra có thể tìm được khách hàng của mình, có căn cứ pháp lý bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng.
KYC giúp các NHTM tham gia phòng chống rửa tiền, phòng chống các giao dịch trái phép, các nguồn tiền không rõràng về nguồn gốc.
Đối với KYC truyền thống, khách hàng đến trực tiếp ngân hàng điền theo biểu mẫu và cung cấp các giấy tờ tùy thân để ngân hàng đối chiếu, việc này cũng mất khá nhiều thời gian và đặc biệt hiện nay các nước trên thế giới không chỉ Việt Nam đang đối mặt với dịch bệnh Covid-19 hạn chế tiếp xúc.
Do vậy, thực hiện eKYC là một bước tiến vô cùng quan trọng trong giao dịch tại các ngân hàng. Nhờ có eKYC, các NHTM tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và nguồn nhân lực thực hiện các tác vụ này; giảm sai sót trong quá trình nhập dữ liệu và phát hiện giấy tờ giả, mà các giao dịch viên khó lòng phát hiện được bằng mắt thường…
Quy định mới về định danh điện tử đối với khách hàng
Ngày 04/12/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/ TT-NHNN ngày 19/8/2014, trong đó, bổ sung Điều 14a quy định, các NHTM được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:
Một là, ứng dụng công nghệ để kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự trùng khớp giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng (các yếu tố, đặc điểm sinh học gắn liền với khách hàng thực hiện định danh, khó làm giả, có tỷ lệ trùng nhau thấp như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói và các yếu tố sinh trắc học khác) với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên giấy tờ tùy thân của khách hàng quy định.
Hai là, có biện pháp kỹ thuật để xác nhận việc khách hàng đã được định danh đồng ý với các nội dung tại thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
Ba là, xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro, trong đó tập trung ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi mở tài khoản thanh toán cho khách hàng. Tăng cường kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng đảm bảo khách hàng thực hiện giao dịch trên tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử là chủ tài khoản thanh toán đó.
Bốn là, căn cứ điều kiện công nghệ để đánh giá rủi ro, xác định phạm vi sử dụng và quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở bằng phương thức điện tử nhưng phải đảm bảo tổng hạn mức giá trị giao dịch (ghi Nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng.
Bên cạnh đó, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán mở bằng phương thức điện tử cao hơn hạn mức quy định tại khoản 3 Điều này đối với một số trường hợp như Thông tư quy định.
Thực tiễn áp dụng định danh điện tử tại các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay
Từ tháng 7/2020, NHNN cho phép 10 NHTM triển khai thí điểm áp dụng eKYC trong hoạt động với yêu cầu phải đảm bảo an toàn rủi ro, khi có tình huống xảy ra thì các NHTM phải tự chịu trách nhiệm. Trong số đó có thể kể đến 5 ngân hàng tiên phong triển khai eKYC tại Việt Nam gồm:
- Ngân hàng TMCP Tiên Phong Bank (TPBank): Với eKYC được ứng dụng trên app TPBank, khách hàng chỉ cần thực hiện một quy trình định danh trực tuyến để đăng ký tài khoản thành công. Để phục vụ cho việc vận hành eKYC, app TPBank đã được tích hợp những công nghệ hàng đầu như: Máy học, trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR), Công nghệ nhận diện khuôn mặt (Face Recognition), Công nghệ nhận diện người sống (Liveness Check...
Đặc biệt, TPBank đã ứng dụng thành công công nghệ gọi điện trực tuyến (Video Call) đảm bảo xác minh thông tin qua app có hiệu quả như gặp mặt trực tiếp. Công nghệ này cho phép khách hàng có thể mở tối đa hạn mức giao dịch ngay trên app mà không cần đến quầy hay gặp mặt trực tiếp nhân viên ngân hàng.
Chỉ sau hơn 1 tháng thí điểm phương thức định danh khách hàng điện tử eKYC đã thu hút gần 30.000 khách hàng đăng ký mở tài khoản mới thông qua phương thức này, tương đương 85% số lượng khách hàng đăng ký mở tại quầy giao dịch hoặc tại LiveBank theo cách truyền thống...
- Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng(VPBank): VPBank đã triển khai giải pháp eKYC từ tháng 7/2020 cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán 100% online để thực hiện giao dịch ngay. Sau gần 1 năm triển khai eKYC đến nay, VPBank đã có xấp xỉ 15.000 tài khoản đăng ký mới, bằng 50% so với dự tính của cả năm 2020.
- HD Bank: Ngân hàng này chính thức áp dụng định danh khách hàng điện tử eKYC từ đầu tháng 8/2020, khách hàng sẽ có ngay tài khoản iMoney trên App HDBank. Theo thống kê của HD Bank, trong tháng đầu tiên áp dụng giải pháp eKYC số lượng khách hàng đăng ký tài khoản thông qua hình thức xác thực điện tử đã tăng trên 35,4 nghìn tài khoản mới.
Số lượng khách hàng giao dịch thường xuyên tăng 40%, trong đó 30% sử dụng dịch vụ topup điện thoại, 70% sử dụng thanh toán hóa đơn và các giao dịch thanh toán điện tử khác. Tổng doanh số giao dịch của HDBank đã tăng 25% trong tháng đầu tiên ứng dụng xác thực khách hàng từ xa.
- Ngân hàng TMCP Bản Việt: Giải pháp eKYC được triển khai đồng bộ trên các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ của Bản Việt bao gồm: Ứng dụng Viet Capital Mobile Banking, phần mềm phục vụ giao dịch tại quầy và trên các ứng dụng của các đối tác là trung gian thanh toán và các công ty fintech hợp tác với Ngân hàng.
Theo thống kê của ngân hàng này, đến tháng 12/2020, số lượng tài khoản đăng ký mở mới dưới hình thức trực tuyến trên thiết bị di động đã tăng gấp 3 lần kể từ khi khởi động vào đầu tháng 7/2020.
- Ngân hàng TCMCP Quốc Dân (NCB): Dựa trên nền tảng của các công nghệ hiện đại như: Xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng qua trí tuệ nhân tạo (AI), chữ ký điện tử… ứng dụng NCB iziMobile đã nhận được sự phản hồi tích cực của khách hàng, số lượng đã tăng lên hàng nghìn khách hàng mỗi tháng.
Theo thống kê của các ngân hàng đã triển khai eKYC, hoạt động kinh doanh của họ đã ghi nhận những kết quả ấn tượng khi số lượng khách hàng mới tăng vọt, giao dịch qua kênh điện tử như moblie banking và internet banking cũng tăng rõrệt.
Một số vấn đề đặt ra
Qua đánh giá, phân tích thực trạng áp dụng định danh điện tử tại các ngân hàng thương mại, tác giả đề xuất một số nội dung sau:
Đối với các ngân hàng thương mại
- Cần xây dựng quy trình để triển khai giải pháp eKYC vận hành được trơn tru và đầu tư cơ sở hạ tầng lưu trữ thông tin, dữ liệu của khách hàng đảm bảo bảo mật thông tin của khách hàng, tránh được các hacker và tội phạm tài chính xâm nhập.
- Đội ngũ nhân sự đòi hỏi phải có kiến thức am hiểu về công nghệ ứng dụng eKYC. Các ngân hàng đối mặt với thách thức tái cấu trúc về nhân sự, số lượng nhân viên ngân hàng truyền thống sẽ giảm xuống khi triển khai giải pháp eKYC, gia tăng số lượng nhân viên có trình độ về công nghệ.
- Việc lựa chọn đối tác để triển khai giải pháp eKYC là rất quan trọng đối với các NHTM. Các NHTM cần lựa chọn các đối tác có uy tín, am hiểu về nghiệp vụ ngân hàng và có thể tư vấn được việc tái cấu trúc hệ thống hạ tầng và phương án lưu trữ dữ liệu an toàn và ổn định.
Đối với cơ quan quản lý
- Năm 2020, NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN về định danh điện tử, giao cho các ngân hàng phải xây dựng quy trình, biện pháp đánh giá rủi ro, chịu trách nhiệm để xem xét giải pháp eKYC của mình với mục tiêu là đảm bảo an ninh an toàn mới triển khai. Tuy nhiên, hiện nay, NHNN không đưa ra quy định cụ thể mà quản lý theo mục tiêu. Đây là thách thức đối với NHNN khi kiểm tra, giám sát các NHTM vận hành giải pháp eKYC.
- Cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia để định danh cá nhân, giúp các ngân hàng xác minh thông tin khách hàng.
- Việc chia sẻ dữ liệu công nhận lẫn nhau cần được tiến hành giữa các ngân hàng. Cần có cơ chế để các ngân hàng công nhận kết quả thẩm định xác nhận lẫn nhau. Cơ chế định danh mới cho phép khách hàng sử dụng thông tin và việc định danh ở ngân hàng của mình để mở tài khoản tại các ngân hàng mới, không cần phải thực hiện việc định danh lại một lần nữa.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngân hàng Nhà nước (2020), Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
2. Nguyễn Duy Việt (2021), Kinh nghiệm triển khai định danh khách hàng trực tuyến eKYC và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 1+2/2021;
3. Khuê Nguyễn (2020), eKYC sẽ tăng tốc. Thời báo Ngân hàng điện tử. https:// thoibaonganhang.vn/ekyc-se-tang-toc-108648.html;
4. Le Nha Yen (2020), KYC và eKYC trong ngân hàng là gì?, https://infofinance.vn/kyc-la-gi/.
(*) ThS. Phạm Thị Thái Hà - Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021.