Áp dụng hóa đơn điện tử đối với ngành Xăng dầu: Minh bạch hóa kinh doanh

Việt Dũng

Xăng dầu là một trong những ngành được Chính phủ khuyến khích chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) sớm. HĐĐT xăng dầu không chỉ giúp các đơn vị kinh doanh xăng dầu tháo gỡ nhanh chóng những khó khăn trong quá trình quản lý nghiệp vụ kế toán, mà còn giúp chống thất thu thuế và nằm trong khung chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Việc áp dụng HĐĐT giúp tiết kiệm đáng kể chi phí in phôi, chi phí đầu tư, vận hành, bảo trì máy in, chi phí gửi hóa đơn cho khách hàng và nhất là chi phí xây kho để lưu giữ, bảo quản.
Việc áp dụng HĐĐT giúp tiết kiệm đáng kể chi phí in phôi, chi phí đầu tư, vận hành, bảo trì máy in, chi phí gửi hóa đơn cho khách hàng và nhất là chi phí xây kho để lưu giữ, bảo quản.

Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, HĐĐT được áp dụng trên cả nước kể từ ngày 01/7/2022. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 15/12/2022, đã có trên 2,1 tỷ HĐĐT được phát hành. Hệ thống HĐĐT được toàn Ngành vận hành thông suốt đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực xăng dầu, việc áp dụng HĐĐT được đánh giá là giải pháp hiệu quả để quản lý hoạt động kinh doanh của ngành Xăng dầu, góp phần hạn chế tình trạng mua bán xăng dầu lậu, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Cơ quan thuế đã có những quy định pháp lý cụ thể về việc thực hiện HĐĐT đối với ngành Xăng dầu. 

Trước đó, trước tình trạng gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu gây thiệt hại cho người tiêu dùng và gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ngành Thuế đã triển khai phối hợp với các ngành chức năng dán tem niêm phong kẹp chì đồng hồ tổng trên các cột xăng, dầu. 

Việc dán tem tại các cột xăng nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, giảm thất thu thuế NSNN. Sau thời gian triển khai dán tem tại các cột xăng, dầu, tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng, dầu bước đầu cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, đây chưa là giải pháp hoàn hảo cho sự minh bạch, vì vậy ngành Thuế đã nỗ lực nghiên cứu và thí điểm áp dụng HĐĐT vào mua bán xăng, dầu trước khi bắt buộc áp dụng HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Theo quy định, việc sử dụng HĐĐT đã được chi tiết cho cả hình thức bán lẻ xăng dầu. HĐĐT dành cho trường hợp bán lẻ xăng dầu được tối giản các chỉ tiêu để thuận lợi cho việc kinh doanh do đặc điểm hầu hết hoạt động bán hàng diễn ra thường xuyên, liên tục, với lượng hàng hóa và giá trị hàng hóa không lớn. Nhu cầu lấy hóa đơn của khách hàng là người tiêu dùng cuối cùng hầu như không có.

Với quy định này, mỗi lần bơm xăng dầu cho khách hàng là một lần HĐĐT được lập. Khách hàng có thể nhận HĐĐT mua xăng dầu của mình qua các thiết bị điện tử (máy tính PC, điện thoại, ipad…) hoặc xem trên cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp xăng dầu liên quan.

Mặc dù số lượng HĐĐT của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu (nhất là ở thành thị, ở các đầu mối giao thông) là rất lớn nhưng việc kết chuyển dữ liệu HĐĐT đến cơ quan thuế lại được thực hiện định kỳ theo Bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT cùng thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.

Đối với trường hợp bán xăng dầu đến người tiêu dùng là cá nhân không kinh doanh thì người bán tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán hàng cho người tiêu dùng là cá nhân không kinh doanh trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT.

Chủ trương dùng HĐĐT và kết nối dữ liệu trong kinh doanh xăng, dầu đã được Tổng cục Thuế triển khai thí điểm tại Tập đoàn Xăng, dầu Việt Nam (Petrolimex). Lộ trình áp dụng được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 01/1/2018 áp dụng tại Công ty mẹ Tập đoàn và Công ty Xăng, dầu Hà Sơn Bình; Giai đoạn hai, từ ngày 01/2/2018 áp dụng tại Công ty Xăng, dầu B12 và Công ty Xăng, dầu Tây Nam Bộ; Giai đoạn 3, từ ngày 01/4/2018, áp dụng trong toàn hệ thống Petrolimex.

Chia sẻ với báo chí, Phó Tổng giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm ghi nhận, sau thời gian áp dụng HĐĐT với ngành Xăng dầu đã giúp khách hàng dễ dàng nhận HĐĐT qua địa chỉ email hoặc truy cập vào trang web của Petrolimex để truy xuất hóa đơn.

Đồng thời, độ an toàn cao khi HĐĐT được lưu trữ dưới dạng file dữ liệu điện tử trên hệ thống server của Petrolimex trong 10 năm; giảm nguy cơ mất, hỏng, rách hóa đơn, đặc biệt trong quá trình vận chuyển xăng dầu trên đường nhiều khi kéo dài tới 1 - 2 ngày.

Theo ông Trần Ngọc Năm, tại Petrolimex, với lượng xăng dầu bán ra khoảng trên 12 triệu m3 mỗi năm, sẽ phải tự in gần 20 triệu tờ hóa đơn giấy. Việc áp dụng HĐĐT giúp tiết kiệm đáng kể chi phí in phôi, chi phí đầu tư, vận hành, bảo trì máy in, chi phí gửi hóa đơn cho khách hàng và nhất là chi phí xây kho để lưu giữ, bảo quản.

Ông Trần Ngọc Năm tin tưởng, việc phát hành HĐĐT là một xu thế tất yếu, giảm bớt những gánh nặng về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng, tiết giảm chi phí kinh doanh. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng thuận tiện trong việc tra cứu thông tin để kiểm soát. Đây là một chương trình mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng, Nhà nước và doanh nghiệp.

 

Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Công Thương phối hợp nghiên cứu bổ sung quy định việc thực hiện HĐĐT và kết nối dữ liệu HĐĐT giữa các cửa hàng xăng dầu, cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu với cơ quan thuế là một trong những điều kiện để doanh nghiệp được phép kinh doanh xăng dầu tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.