Cục Thuế Vĩnh Phúc:
Áp dụng hóa đơn điện tử, số thuế nộp của doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tăng mạnh
Nhờ việc tích cực từ việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với các doanh nghiệp xăng dầu đã giúp cho số thu nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng mạnh.
Cục Thuế Vĩnh Phúc hiện quản lý 71 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với 146 cửa hàng và đã hoàn thành việc triển khai áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng từ 26/3/2024. Theo số liệu báo cáo đến ngày 31/5/2024, số thu nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng hơn 1,6 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đây là kết quả tích cực từ việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với các doanh nghiệp xăng dầu.
Theo Cục Thuế Vĩnh Phúc, để các cửa hàng xăng dầu thực hiện nghiêm theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo liên tục, thực chất cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan thuế cùng các cơ quan ban ngành có liên quan. Chính vì vậy, Cục Thuế Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Điều này đã góp phần thay đổi thói quen của người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận và hợp tác đồng hành của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó, Cục Thuế phối hợp với các đơn vị cung cấp giải pháp về thiết bị cột bơm, về hóa đơn điện tử để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nghiên cứu, nâng cấp giải pháp kết nối tự động, thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng và kết nối với cơ quan thuế theo quy định phù hợp với mô hình kinh doanh, thực tế hoạt động của doanh nghiệp.
Cục Thuế Vĩnh Phúc yêu cầu các phòng, các chi cục thuế tổ chức phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng bộ phận, từng công chức thực hiện giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử từng lần bán hàng tại các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.
Đồng thời, thường xuyên, liên tục, tập trung thực hiện kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc phát hành, sử dụng hóa đơn đối với xuất bán xăng dầu; phân tích, đánh giá doanh thu, chi phí, nguồn hàng,... kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn nói riêng và quản lý thuế nói chung, nhất là các doanh nghiệp chưa sử dụng giải pháp kết nối tự động phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng và kết nối với cơ quan thuế theo quy định. Trên cơ sở đó rà soát, báo cáo về Cục Thuế để bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp này ngay từ quý II/2024.
Đối với các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ, Cục Thuế Vĩnh Phúc chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định tại Điều 6 Luật Quản lý thuế và khoản 2 Điều 5 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ về các hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn. Trường hợp phát hiện người nộp thuế có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn thì kịp thời xử lý theo quy định hoặc củng cố hồ sơ chuyển cơ quan Công an để xử lý theo quy định.
Các phòng, các chi cục thuế phải sát sao trong kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả công tác quản lý thuế đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu sau khi đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về Cục Thuế trước ngày 15 hàng tháng.