Doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu kiến nghị được mua hàng từ nhiều nguồn
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, các hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị cho phép thương nhân phân phối, bán lẻ được mua hàng từ nhiều nguồn hoặc mua trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung, giảm chi phí.
Sáng 14/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về Kinh doanh xăng dầu.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu được Chính phủ ban hành ngày 3/9/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2014 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Với 10 năm thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, thị trường xăng dầu cơ bản được vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, giá xăng dầu tại thị trường trong nước vận hành theo xu hướng giá xăng dầu thế giới. Hệ thống phân phối xăng dầu được mở rộng với nhiều đối tượng tham gia, bước đầu tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường; nguồn cung xăng dầu cho thị trường nhìn tổng thể đã được bảo đảm cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước…
Theo ông Chinh, thời gian gần đây, tình hình an ninh năng lượng trên thế giới cũng như của Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều bởi các xung đột trên thế giới, dẫn tới giá dầu trên thị trường thế giới diễn biến phức tạp, khó đoán định, nguồn cung trở nên khan hiếm, chi phí vận tải biến động tăng cao… Vì vậy, nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu cần phải xem xét, sửa đổi, bổ sung, thay thế để đáp ứng với thực tiễn hiện nay cũng như trong tương lai.
Tham gia ý kiến tại hội thảo, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều cho rằng, việc sửa đổi các văn bản pháp luật không còn phù hợp để ban hành các quy định và khung pháp luật mới cho hoạt động kinh doanh xăng dầu là cần thiết. Do đó, các hiệp hội, doanh nghiệp đều thống nhất việc nghiên cứu, ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế cho các Nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện hành (Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Nghị định số 80/2023/NĐ-CP).
Một trong những nội dung được các hiệp hội, doanh nghiệp đề cập nhiều nhất là quy định thương nhân phân phối xăng dầu chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau.
Theo ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, dự thảo Nghị định cho phép thương nhân đầu mối có quyền “Được mua bán xăng dầu, nguyên liệu với các thương nhân đầu mối khác” nhưng lại không cho thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau là phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.
Ông Thập cho hay, thương nhân phân phối ký hợp đồng bao tiêu cho doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất xăng dầu để phân phối ra thị trường chính là kênh phân phối có đủ nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quản lý xăng dầu và thị trường khách hàng… Do đó, để đáp ứng kịp thời nguồn cung cho thị trường rộng khắp từ vùng sâu, vùng xa, ông Thập kiến nghị giữ nguyên quy định thương nhân phân phối xăng dầu “được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác theo Hợp đồng mua bán xăng dầu”.
Cũng bàn về vấn đề này, bà Trần Thị Thuỳ Trâm - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đoan Việt, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, cần quy định rõ trong văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn. Quy định này nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh theo xu thế thị trường, đồng thời xoá bỏ cơ chế độc quyền của các đầu mối lớn.
Cũng theo bà Trâm, trong giao nhận xăng dầu, khi hàng hoá xuống tới họng nhập vào bồn chứa, thì trách nhiệm thuộc về bên mua. Do vậy, nếu doanh nghiệp bán lẻ có lấy hàng từ nhiều nguồn thì trách nhiệm vẫn thuộc về doanh nghiệp bán lẻ. Điều cần thiết là doanh nghiệp bán lẻ phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm như: lấy hàng tại kho uy tín, và đưa mẫu từ bồn, mẫu từ trụ, mẫu từ xe bồn đi kiểm nghiệm định kỳ và thường xuyên...
Đồng tình với các ý kiến nêu trên, ông Hoàng Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho rằng dự thảo quy định thương nhân phân phối không được quyền mua bán lẫn nhau là siết lại điều kiện kinh doanh, bó buộc và hạn chế tự do thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai đề xuất, cần cho phép các thương nhân phân phối mua hàng trực tiếp từ nhà máy sản xuất trong nước, không nên bắt buộc phải mua qua đầu mối, nhằm giảm chi phí.
Theo ông Phụng, thương nhân phân phối không được nhập khẩu, nhưng họ có kho, tài chính, xe bồn… để có thể mua hàng trực tiếp từ nhà máy. "Tại sao cứ phải để thương nhân phân phối đi đường vòng, mua qua đầu mối, trong khi kho của họ đặt ngay sát hông nhà máy lọc dầu?", ông Phụng thắc mắc.